Ðỗ Ðức Hiểu

Ðọc văn chương


    Ðọc văn chương là một vấn đề đang được đặt ra và thảo luận sôi nổi trong giới phê bình, nghiên cứu văn học trên thế giới. Lúc nào, trên trái đất, cũng có hàng triệu người đọc văn chương, đọc ở nhà trường, trong nhà, ngoài đường, trong thư viện, trên xe hoa, mêtơrô... Từ xưa, người ta đã đọc; đặc biệt từ giữa thế kỷ XV, với việc phát minh máy in của Guttenberg, số người đọc văn chương tăng gấp bội; và đến thế kỷ XX, nhất là từ sau Ðại chiến II, trên hành tinh chúng ta, ở các nước tiền tiến, hầu như ai cũng đọc văn chương. Thế nhưng, chỉ cách đây vài chục năm, đọc văn chương mới trở thành một khoa học được bàn luận triệt để. Vào những năm 70 và 80 của thế kỷ này, các nhà nghiên cứu tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về vấn đề này (ở Pháp, đáng chú ý là hội nghị Ceresy la Salle và hội nghị Reims). các vấn đề lớn được thảo luận, nhiều khi gay gắt: Ðọc văn chương là gì? Ai đọc? Ðọc gì? Ðọc thế nào?

    Từ những năm 60 vừa qua, phê bình, nghiên cứu văn học ở Pháp (và ở phương Tây nói chung) trải qua những biến động và những biến đổi lớn. Ba mươi năm đã qua, kể từ ngày khởi đầu cuộc "tranh cãi" văn chương lớn nhất thế kỷ này, giữa Roland Barthes và Raymond Picard; ngày nay, có thể khẳng định Phê bình Mới là một trong những thành tựu văn học lớn nhất của thế kỷ XX ở thế giới phương Tây. Phê bình, nghiên cứu trở thành một bộ môn khoa học tự chủ, độc lập (độc lập với triết học, mỹ học, xã hội học, đạo đức học, ngôn ngữ học...), với một kho từ ngữ riêng biệt với những sáng tạo phong phú, thuyết phục, những "siêu văn bản" có giá trị đã ra đời. Văn bản (hay tác phẩm được nghiên cứu dưới dạng cấu trúc), là một đối tượng nghiên cứu chủ yếu của Phê bình Mới. Cái trục Tác giả-Tác phẩm-Người đọc được soi rọi dưới nhiều góc độ. Sau khi tranh luận về tác giả (tiểu sử, con người xã hội và con người bên trong; cảm hứng; tác giả và người kể truyện v.v), và tác phẩm (văn bản, loại thể, phong cách, liên văn bản, tính đa âm, ý nghĩa chìm v.v...), mối quan hệ đích thực giữa tác giả và tác phẩm, khâu người đọc đặt ra và bàn cãi sôi nổi. Ðến nay, nói chung, Phê bình Mới đã được công chúng, các trường Ðại học, các trung tâm, các trường Trung học chấp nhận, một cách hợp lý (gạt bỏ, qua tranh luận, qua thời gian mấy chục năm mọi ý kiến cực đoan, như phủ nhận tuyệt đối nghiên cứu, phê bình "truyền thống", như ứng dụng nhiều công thức toán học cao cấp vào kết cấu tác phẩm văn học...)

    Nói Ðọc văn chương (hoặc Ðọc tác phẩm văn chương) là nói mối quan hệ văn bản/người đọc. Có thể nói là nhà văn bao giờ cũng muốn gửi sáng tác của mình đến người đọc (tác giả hướng tới người đọc), người đọc cụ thể, đồng thời, hoặc người đọc trừu tượng, người đọc "có thể", người đọc tương lai: Nguyễn Du nghĩ đến người đọc ba trăm năm sau; Stendhal chờ người đọc của mình nửa thế kỷ sau; một nhà văn Việt Nam muốn "gửi thông điệp" (nghệ thuật) của mình, tức tiểu thuyết, đến người đọc. Ðọc là một khâu của sáng tạo nghệ thuật, hoặc, như một số người nói, của "sản xuất" nghệ thuật. Tác phẩm văn chương gắn bó chặt chẽ với đọc văn chương (đến nay, nhiều sách Lịch sử văn học bỏ qua khâu "Người đọc", là một thiếu sót). Từ đó mối quan hệ Tác phẩm/Người đọc sẽ là Văn bản đọc: siêu văn bản. Có những mối quan hệ chặt chẽ giữa Viết và Ðọc, những quan hệ triết học, mỹ học, đạo đức học, xã hội học, tâm lý học v.v. Có thể có sự hài hòa hoặc sự xộc xệch giữa văn bản và người đọc, giữa người gửi thông báo và người tiếp nhận.

    Ðọc văn chương có nghĩa là tháo gỡ mã của các ký hiệu văn chương trong văn bản, là tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thông qua các cấu trúc của văn bản (cốt truyện, kết cấu, nhân vật, đối thoại, không gian, thời gian, v.v) Ðọc là mã hóa cách đọc, là tổng hợp các khâu của việc đọc, -cảm tưởng, phân tích, đối chiếu, tổng hợp, đánh giá v.v. là phát hiện và sáng tạo. Ðọc, trước hết, là phát hiện, trong văn bản và từ văn bản, một thế giới khác, những con người khác. Người đọc sống trong thế giới tưởng tượng của mình, xây dựng cho mình, thông qua tác phẩm, một xứ sở riêng. Ðọc là một hoạt động tích cực; người đọc "nhập cuộc", "hóa thân" với những cảm xúc riêng của mình, những kỷ niệm, ký ức, khát vọng riêng. Ðọc có nghĩa là chuyển đổi tác phẩm nghệ thuật thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc, tư duy, hình tượng riêng của người đọc. Ðọc văn chương là một khoa học mà đối tượng là người đọc, người tiếp nhận văn bản. Người phê bình, xây dựng, từ thế giới này, một bản văn thứ hai, một bản viết thứ hai. Người phê bình là người sáng tạo.

    Người phê bình là một loại người đọc đặc biệt, có trách nhiệm trước xã hội; người phê bình cần có cảm xúc nhanh nhậy và có năng lực hiểu biết con người, xã hội, có kiến thức về nhiều ngành khoa học, nhất là khoa học nhân văn, và đặc biệt là triết học. Không phải ai cũng đọc như người phê bình, nghiên cứu. Loại hình học người đọc văn chương thường phân người đọc thành các lớp sau đây: thứ nhất "người đọc tiêu thụ", thường "ngấu nghiến" cốt truyện, ham thích truyện éo le, nhiều khúc mắc, nhiều cạm bẫy. Những người đọc này đọc lướt nhanh, vào những giờ rảnh rỗi, tìm thú giải trí dễ dãi với những cuộc phiêu lưu đến từ những xứ sở xa lạ, hoặc những tình cảm rắc rối, và có đánh giá thô thiển ("Chán phè", hoặc "Tuyệt, tuyệt", "Tiên sư thằng Tào Tháo" - Nam Cao). Thứ hai, những người tìm ở văn chương những thông tin mới về cuộc sống, suy nghĩ đôi chút về thế sự, đạo đức, từ tác phẩm văn chương. Có thể xép vào loại người đọc này, nhà báo có trách nhiệm "điểm sách" hàng tuần, hoặc hàng tháng, với ít lời giới thiệu sơ sài, đơn giản, thường vô thưởng vô phạt, nhằm mục đích thông báo để độc giả của báo tìm đọc tác phẩm, nếu ưa thích. Thứ ba, những người đọc chuyên nghiệp, người giảng dạy văn học, người phê bình nghiên cứu ở các Viện, các trung tâm nghiên cứu văn học, gọi là "siêu độc giả". Nếu loại người đọc thứ nhất đọc nhanh, đọc lướt, thì loại người đọc chuyên nghiệp đọc chậm, đọc nhiều lần, có những thao tác nghề nghiệp riêng, như ghi chép, thống kê, đối chiếu, suy nghĩ về cái biểu đạt (ngữ nghĩa, ngữ âm, ngữ pháp, các mối liên kết...), cái được biểu đạt (ý nghĩa triết học, xã hội học, đạo đức học...) (Có thể có loại người đọc thứ tư, những nghệ sĩ sáng tạo (nhà văn, nhà thơ), khi bất chợt, nhân một cảm hứng nào đó, viết những dòng hoặc những trang phê bình đặc sắc, bằng trực giác, tài năng và dự cảm của mình; có thể kể Baudelaire, Valéry, Proust, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...)

    Ðọc văn chương là một bộ phận của xã hội học văn chương. Ngày nay, đã hình thành cách đọc mang nhiều hiệu quả nhất; đọc thầm và đọc một mình, ở nơi yên tĩnh. Ðọc có lịch sử của nó. Trước đây, nhiều thế kỷ, khi dân chúng không biết đọc, biết viết, một người có học vấn đọc một truyện viết, mọi người xúm quanh nghe, vừa nghe vừa bình luận. Hình thức đọc tập thể này còn di tích ở việc giảng Kinh ở nhà thờ, ở nhà chùa và ở những nước lạc hậu, còn tồn tại hình thức đọc cổ lỗ này (không kể Radio "Kể truyện đêm khua"). Ðọc cá nhân, bằng mắt và thầm lặng gây cho người đọc những hứng thú nhiều dạng; người đọc cảm thụ sâu những cái hay, cái đẹp, suy tư và phán đoán. Sự hình thành phương pháp đọc văn chương được một số nhà lý luận tổng hợp thành "Tu từ đọc văn chương". Kinh nghiệm những tri thức loài người cho biết cần đào tạo người đọc, -phương pháp đọc, thói quen đọc, dẫn đến "cái biết đọc" (savoir lire). Có thể thấy bốn bước sau đây:
 

1) Trước hết lựa chọn sách đọc, -những sách cổ điển hay hiện đại phù hợp với khát vọng của con người: hòa bình, tự do, chống bạo lực, độc tài.

2) Ðịnh hướng: Tìm thú phiêu lưu, cảm tưởng lạ lùng hoặc tìm hiểu con người, "một ẩn số", và xã hội, tìm tòi những tài năng mới, những sáng tạo mới. Khâu "định hướng" có tầm quan trọng của nó: Ðọc để làm gì? Nó liên quan chặt chẽ với câu hỏi mà loài người đã đặt ra từ nhiều thế kỷ: Viết để làm gì? Chức năng chủ yếu của văn học là làm đẹp trái tim, tâm hồn con người, là mở rộng mãi mãi tình cảm phong phú của con người, cởi mở hay tiềm ẩn, là nâng cao đến vô cùng tận những xúc cảm tế nhị hay mãnh liệt của con người, vươn tới tự do, dân chủ, tình thương yêu, tức là những khát vọng ngàn đời của nhân loại. Như vậy, thông qua ngôn từ văn chương, ngôn từ sống động, sinh sôi nảy nở, ngôn từ chứa đựng ký ức, gợi mở tương lai, ngôn từ vạn năng, bao gồm khả năng nhận thức, giáo dục, giải trí và nhiều khả năng khác, song bao giờ cũng phải thông qua cái đẹp của tình cảm chứa đựng trong ngôn từ văn chương hàm chứa nhiều ý nghĩa.

3) Ði tìm các mã của văn bản, giải các mã đó, các mã đặc trưng phong cách mỗi nhà văn. Các thao tác phân tích, thống kê, đối chiếu liên văn bản, tra cứu tiểu sử, lịch sử v.v... là cần thiết, song không đủ. Người phê bình phải có sức mạnh cảm thụ của trực giác và tâm linh. Người đọc càng có kiến thức rộng và mở, sự cảm thụ càng nhậy bén, thì việc đọc càng có hiệu quả.

4) Cuối cùng, đọc văn chương là một hoạt động sáng tạo, người đọc đánh giá tác phẩm theo định hướng của mình.


    Vì vậy, đào tạo phương pháp, rèn luyện thói quen đọc văn chương là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

    Một câu hỏi được nhiều hội nghị quốc tế về Ðọc văn chương đặt ra là: Trách nhiệm đào tạo người đọc thuộc về ai? Tôi nghĩ, trước hết, đó là trách nhiệm của nhà trường; tiếp sau thời gian đào tạo ở trường (hoăc song song với thời gian này) là trách nhiệm của báo chí văn học, của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học, những người viết sách lý luận, phê bình, chân dung, lịch sử văn học.

    Văn học, nghệ thuật là những nhu cầu không thể thiếu của bất cứ ai, gọi là con người. Yêu văn chương là bản chất của người. Từ thuở ấu thơ, con người đã say mê truyện, thơ. Với truyền thuyết Nghìn lẻ một đêm loài người từ xưa không ngớt kể truyện, dừng kể là chết! Nhà trường có trách nhiệm đào tạo người đọc văn chương. Ai đọc? Từ trường mẫu giáo đến trường Ðại học, người đọc là các cô bé, các chú bé, các thiếu niên, thanh niên. Ðọc gì? Ðó là chương trình bộ môn Văn nhà trường. Ðọc thế nào? Ðó là phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận văn chương. Ðồng thời, người đọc được rèn luyện qua báo chí và sách văn học.

    Ðánh giá việc đào tạo người đọc hiện nay ở nước ta, là một vấn đề "khổng lồ"; có thể dự đoán có bao nhiêu người bàn luận, là có bấy nhiêu ý kiến khác nhau, có thể mâu thuẫn nhau, xung đột nhau. Riêng tôi, tôi thoáng nghĩ một cách khái quát và sơ bộ: Việc đào tạo người đọc ở nhà trường của báo và sách văn học đã đạt những thành tựu to lớn (xem những bộ sách giáo khoa văn học, những sách báo văn học đồ sộ trong các thư viện lớn thì rõ). Song, nhìn chung, hình như những tiếng nói ấy đơn điệu, không phong phú nhiều giọng. Không nhiều phong cách. Cho nên việc đào tạo nghèo nàn, có thể bị đe dọa trở thành sơ cứng, máy móc. Việc cần làm hiện nay là sử dụng nhiều phong cách tiếp cận văn chương để giảng bài và viết báo, viết sách. Có như vậy, giảng văn, sách báo mới đa dạng, nhiều sức sống, mới có khả năng phát huy tinh thần dân chủ, óc sáng tạo của người đọc.

    Ðọc văn chương là một khoa học xứng đáng được các thầy giáo, cô giáo quan tâm, các nhà phê bình nghiên cứu hội thảo.

11-1990
(trích Ðổi Mới Phê Bình Văn Học, Ðỗ Ðức Hiểu
NXB Khoa Học Xã Hội, NXB Mũi Cà Mau 1994, trang 67-74)