Một cuộc chiến chống lại "phi lý tính" ?




Gần một tuần lễ nay, cả thế giới bỗng chìm vào một cơn hỗn loạn chưa từng thấy, mặc dầu những tổn thất của nó chưa thấm gì so với những tổn thất trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra. Vài chục nghìn người chết và mất tích trong những cuộc đánh phá của bọn khủng bố làm sụp đổ hai toà nhà chọc trời của Trung tâm thương mại thế giới ở New York và một phần Lầu năm góc ở Washington chưa thấm tháp vào đâu so với hàng vạn, hàng triệu, hàng chục triệu người đã chết trong các cuộc chiến tranh trên thế giới của thế kỷ XX.

Trước những hình ảnh ma quái đầy khói, đầy lửa, xác chết, đầy náo loạn của những khu Trung tâm không chỉ của Hoa Kỳ mà của cả thế giới văn minh hậu công nghiệp (tạm dùng một từ ngữ chưa chuẩn, nhưng chưa có một từ nào có tính khái quát hơn), tất cả những ký ức trực tiếp và gián tiếp về chiến tranh của tôi bỗng nhiên bị xoá mờ.

Loài người chưa tận thế, tôi tin như vậy, nhưng sẽ sống với những thời khắc, thời điểm, thời đại không dễ gì minh định được. Bằng những bước dò dẫm và khủng khiếp này, loài người - một sinh vật có lý trí duy nhất được biết cho đến nay - đang đi vào một cuộc tự sát chăng? Những vũ khí hạt nhân đã có và đang có trong tay một số quốc gia trước đây và hiện nay, dù sao cũng không gây ra những cảm giác hãi hùng như những vũ khí thông thường trong tay một nhóm người cảm tử bước vào cái chết một cách không phải dửng dưng mà với một đam mê lớn nhất trong đời họ: lên thiên đàng. Tôi đã từng đọc những bài viết, những cuốn sách về hara - kiri của những võ sĩ đạo Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Họ điềm nhiên tự mổ bụng và gục xuống chết dưới cái bóng của Thiên Hoàng, như sự bày tỏ lòng trung thành cao nhất đối với một thần tượng thiêng liêng trên mặt đất. Còn đây, mười mấy người (hay mấy trăm, nấy nghìn người) cảm tử, quyết tử để "lên thiên đàng", lại là chuyện khác. Ðó không phải là chuyện lý tính nữa, mà là chuyện phi lý tính hoàn toàn. Và bàn tới cái đúng  cái sai, thậm chí cái thiện, cái ác (những phạm trù ít nhiều lý tính) là điều có thể làm, nhưng đối với những hiện tượng phi lý tính thì làm sao đây?

Tư duy con người trong mấy thập kỷ gần đây đã xác nhận một thực tế là cái lý tính không đủ để giải thích các hiện tượng và các quá trình diễn ra trên thế giới. Cái phi lý tính bị gạt bỏ mấy trăm năm nay - kể từ sự ra đời của chủ nghĩa duy lý ở thế kỷ XVII - đã giành lại được quyền tồn tại của nó khi chủ nghĩa duy lý dần dần bộc lộ những yếu kém, bất lực, thậm chí bế tắc của nó. Sự tồn tại của cái phi lý tính bên cạnh cái lý tính gần như đã được chấp nhận. Nhưng chưa bao giờ, cái phi lý đạt tới vị trí thống trị cả. Việc bọn khủng bố quốc tế phá huỷ hai toà nhà Trung tâm thương mại thế giới và Lầu năm góc ngày 11 tháng 9 - 2001 vừa rồi có thể được coi như chiến thắng đầu tiên của cái phi lý tính đối với cái lý tính. Về thực chất, đúng là như thế. Những tên khủng bố cảm tử kia đã dùng sự cuồng tín tôn giáo - ở đây, nó chính là sự cuồng tín Hồi giáo - làm vũ khí cao nhất và cuối cùng của chúng. Còn bên kia, những toà nhà ấy và những nạn nhân của cuộc khủng bố ấy chính là tượng trưng rõ nhất, và có thể nói là cao nhất, cho lý trí con người đã và đang chiếm ưu thế.

Ðiều oái oăm là ở chỗ những kẻ khủng bố cuồng tín kia đã lợi dụng được sức mạnh cho đến nay vẫn là vô song của khoa học, kỹ thuật, của cách tổ chức hiện đại trên phạm vi toàn cầu. Theo tôi, có thể coi loại khủng bố này là sự liên kết, sự hoà lẫn của ba yếu tố: cuồng tín tôn giáo + vũ khí hiện đại + tổ chức toàn cầu. Nói cách khác, đó là sự kết hợp của cái phi lý tính giữ vai trò chủ đạo với cái lý tính trên qui mô toàn cầu, vượt khỏi ranh giới của các Nhà nước dân tộc là địa bàn của tất cả các cuộc chiến tranh trong hai - ba thế kỷ vừa qua. Sức mạnh do sự kết hợp ấy không thể đo b"ng số người hiện có trong các tổ chức khủng bố quốc tế, có thể chỉ vài trăm, nhiều lắm là vài nghìn người. Chúng thoắt ẩn, thoắt hiện ở nước này hay nước khác, từ nước này sang  nước khác như một đạo quân du kích toàn cầu, "lai vô ảnh, khứ vô hình". Có thể hình dung một (hay nhiều) cuộc tiến công "cấp tập" bằng những vũ khí có sức huỷ diệt ghê gớm vào những quốc gia có biên giới rõ rệt, như những đòn "trả đũa" từng được thấy ở Irak năm 1990 hay vào Nam tư (Kosovo) năm 1999. Nhưng đối với những ổ khủng bố quốc tế thì đối tượng đánh trả là ở đâu?
 

Người ta đang nói tới "nghi can chính" của các cuộc khủng bố ở New York và Washington vừa rồi là Bin Laden. Cứ cho là thế đi - và sự thật đó là tay thủ lĩnh  khủng bố quốc tế nguy hiểm nhất - thì liệu việc bắt giữ, dẫn độ hay sát hại hắn  có đưa tới chỗ huỷ diệt được tất cả các ổ khủng bố  trên thế giới không? Hay các ổ khủng bố ấy giống như Phạm Nhan, chặt hết đầu này lại mọc lên đầu khác?

Tôi xin nhắc lại cái "công thức" của chủ nghĩa khủng bố trên đây: đó là sự kết hợp của ba yếu tố cuồng tín t"n giáo + vũ khí hiện đại + tổ chức toàn cầu. Không thể một lúc, bằng một cuộc tiến công ồ ạt để "trả đũa" là có thể diệt trừ chủ nghĩa khủng bố một lần và cho cho mãi mãi.

Tôi xin nói rõ ý kiến của mình: tôi hoàn toàn ủng hộ mọi hành động không chỉ của Mỹ mà của bất cứ lực lượng nào trừ diệt được những tay thủ lĩnh khủng bố  nguy hiểm như kiểu Bin Laden. Ðó là những ổ ung thư trên cơ thể cộng đồng loài người, mà để nó lan rộng, di căn thì cơ thể này không thể tồn tại bình thường được. Hãy hình dung xem: nếu một đế chế cuồng tín tôn giáo - như bọn khủng bố quốc tế chủ trương - thống trị cả một vệt khổng lồ những quốc gia Hồi giáo hiện nay (từ Maroc, Angieri, Tunisie, Libye, Aicập, các nước Cận Ðông, qua Pakistan, Afganistan, Bangladesh, Malaysia, Inđônêsia, Philippin, chưa nói tới những nước Hồi giáo ở châu Phi đen và những nước trung á), rồi từ đó lan rộng ra những vùng đất khác trên thế giới, thì loài người sẽ tồn tại như thế nào dưới một chế độ luật pháp nghiệt ngã như ở Afganistan hiện nay, trong đó con người mất tất cả quyền sống của mình, hầu như chỉ được giữ lại quyền được chết dưới ách cường quyền. Tôi không cường điệu chút nào: hãy nhìn vào những chế độ nhà nước Hồi giáo cực đoan thì rõ.

Tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố là mệnh lệnh cấp bách của nền văn minh loài người. (Nhân đây tôi xin tỏ lòng khâm phục đối với Huntington, người đã sớm báo động cho loài người về những xung đột một mất một còn giữa các nền văn minh khác nhau, đặc biệt là giữa văn minh phương Tây và văn minh Hồi giáo). Chỉ có điều là không nên tưởng rằng cuộc chiến đấu chống khủng bố là một công việc có thể xong ngay một lúc. Ðó sẽ là một chuỗi chiến đấu lâu dài.

Vấn đề càng phức tạp hơn, rắc rối hơn nếu nhìn đến những khối người có thể làm chỗ dựa cho bọn khủng bố. Không nói đâu xa, ngay sau khi xảy ra các cuộc khủng bố "chưa từng có trong lịch sử" (như báo chí Mỹ đã đánh giá), đã có những đám người hò reo ăn mừng chiến thắng. Ðừng tưởng rằng chỉ ở một số quốc gia Hồi giáo mới có cảnh tượng này. Tôi không ngạc nhiên gì với những đám người phấn khích như vậy ở Palestin, Irak chẳng hạn.

Ðứng ở một mặt nào đó để xem xét, những hành động khủng bố ấy bắt nguồn từ những nguyên nhân lịch sử sâu sắc, có thể được coi như những sự "trả thù lịch sử". Những cuộc xâm lược của các nước phương Tây, những vụ buôn bán nô lệ cách đây hai - ba trăm năm, những sự thao túng về kinh tế, tài chính và chính trị của những thế lực thống trị phương Tây, trong ký ức sâu lắng của nhiều người ở các nước kém phát triển, nghèo khổ và lạc hậu (và càng nghèo khổ và lạc hậu hơn trong nền văn minh hậu công nghiệp hiện nay, với những khoảng cách ngày càng xa nhau). Có thể giải thích tình trạng nghèo khổ và lạc hậu này bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhhân khô thể bỏ qua: sự nô dịch những người cùng khốn ở các lục địa ngoài châu Âu và Bắc Mỹ mà nạn buôn bán và bóc lột nô lệ là một vết nhơ của loài người. Không phải vô cớ mà Hội nghị chống phân biệt chủng tộc do Liên hợp quốc triệu tập (họp tại Nam Phi chỉ mấy ngày trước khi xẩy ra các vụ khủng bố không tặc trên đất Mỹ), những tiếng nói phẫn nộ đã cất lên, đòi các nhà nước phương Tây phải xin lỗi và bồi thường về những tội ác ấy. Hoa Kỳ, nơi chế độ buôn bán nô lệ phồn thịnh nhất trong các thế kỷ trước đây, và đã trở thành nước giàu có nhất thế giới, trở thành mục tiêu căm thù của hàng triệu người khốn cùng.

Không phải tất cả con cháu của những người nô lệ trước đây đều trở thành tín đồ của chủ nghĩa khủng bố. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi chủ nghĩa khủng bố giành được sự ủng hộ trong số những người dân khốn cùng trên thế giới hiện nay. Không, những phần tử khủng bố không phải là những kẻ khốn cùng, trái lại, thủ lĩnh quan trọng nhất của bọn khủng bố Bin Laden chính là một tỉ phú. Nhưng để đạt tới mục tiêu chinh phục thế giới, chúng đang ra sức lợi dụng sự căm ghét của hàng triệu kẻ khốn cùng ở những nước nghèo khổ và lạc hậu như đã được thể hiện trên một biểu ngữ của cuộc biểu tình ở Pakistan: "Hỡi người Mỹ, hãy suy nghĩ xem tại sao các người bị thù ghét trên toàn thế giới" (American, think! Why you are hated all over the world).

Phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng không làm bất cứ một điều gì cần thiết để  lấp sự ngăn cách  giữa hai thế giới ấy cả. Họ vẫn tiếp tục đường lối đào sâu hố ngăn cách ấy khi từ chối những trách nhiệm của mình đối với sự nghèo khổ và lạc hậu ở nhiều nước á, Phi và Mỹ Latin. Không những thế, trong cuộc xung đột kéo dài nửa thế kỷ giữa Palestin và Israel, người ta thấy rõ Hoa Kỳ đã đứng về phía Israel chống lại yêu sách chính đáng của người Palestin về một nhà nước độc lập có chủ quyền của họ. Rất có thể đường lối thân Israel của chính quyền Bush đã dồn thêm những tình cảm căm tức của người arập đối với Hoa Kỳ. Tôi không nói đường lối ấy là lý do trực tiếp của hành vi khủng bố vừa rồi, nhưng cũng không thể nói rằng hai điều đó không có liên quan gì với nhau. (Nhân đây xin lưu ý rằng chính quyền Clinton trước đây đã có một thái độ khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn đối với cuộc xung đột Palestin - Israel, và do đó, đã làm dịu bớt những sự căng thăng ở vùng Cận Ðông dễ bùng nổ này.)

Một đường lối chống chủ nghĩa khủng bố, theo tôi không thể dựa vào nguyên tắc "ăn miếng trả miếng", mà phải dựa vào cách nhìn rộng lớn hơn nhiều về những gì đã qua và những gì sẽ đến trên hành tinh chúng ta.

Triệt phá những ổ khủng bố là cần thiết. Loài người, như đã nói, không thể dung dưỡng một khối ung thư hết sức nguy hiểm trên cơ thể mình, không thể chọn con đường tự sát bằng sự dung dưỡng ấy. Nhưng chỉ hạn chế vào những sự đánh phá các ổ khủng bố ấy  thì lại rơi vào một trạng thái vô vọng: những tế bào ung thư vẫn tung hoành trong cơ thể và bất cứ lúc nào cũng có thể phát tác gây chết người.

Một đường lối chống khủng bố có hiệu quả đòi hỏi phải làm nhiều hơn thế, phải dọn sạch những mảnh đất nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố. Chỉ bằng những thủ đoạn dù có tân kỳ hay cao siêu đến đâu đi nữa, "trên tất cả mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự" như bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố cũng không thể thành công triệt để, nếu vẫn để cho mảnh đất nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố tồn tại.

Người phương Ðông chúng tôi hay nói đến chữ "tâm". Chính ở đây, vào lúc này, chữ tâm phải đóng vai trò chủ yếu trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Ðó là "một sự thanh toán lịch sử" công bằng, với những sự bù đắp cần thiết cho con cháu những người bị bán làm nô lệ trong thời kỳ "tích luỹ tư bản nguyên thuỷ". Ðó là thái độ cô bằng, không thiên vị trong cuộc xung đột giữa Israel và người Palestin. Ðó là sự giúp đỡ tận tình của Hoa Kỳ và phương Tây cho những người nghèo khổ và lạc hậu để họ cùng với phương Tây bước vào nền văn minh của loài người. Không, đây không phải là những cử chỉ từ thiện quen thuộc. Ðây là sự hàn gắn những vết nứt đang lớn dần một cách nguy hiểm trên cơ thể loài người chúng ta.

Ảo tưởng chăng? Có thể là như thế, nhưng là một ảo tưởng cần thiết mà sớm hay muộn, cộng đồng loài người sẽ phải đi tới. Càng đi tới sớm, cái giá phải trả càng rẻ. Và ngược lại, giống như chống ung thư, càng để lâu càng khó chữa, nếu không nói là không thể chữa khỏi được.

Ðã có đề xướng "lập một mặt trận thế giới chống khủng bố" của tổng thống Mỹ, điều đó  là cần thiết nhưng chưa đủ. Còn cần phải lập Liên minh thế giới chống nghèo khổ và lạc hậu nữa!

Ngày 18 tháng chín 2001
Nguyễn Kiến Giang