Ðồng thuận dân tộc để phát triển đất nước

 Trước hết xin cho phép tôi bày tỏ niềm vui mừng được đón tiếp ở đây nhiều nhà khoa học từ Bắc đến Nam, từ nhiều lĩnh vực hoạt động khoa học, văn hóa, xã hội khác nhau đã đến dự cuộc tọa đàm của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Dân tộc về chủ đề "Tâm lý dân tộc với con đường phát triển hiện đại".

 Tháng 4 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ", có sự tham dự của nhiều nhà trí thức Bắc Trung Nam. Từ cuộc tọa đàm ấy, một cuốn sách đã được xuất bản với cùng tiêu đề của cuộc tọa đàm. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trong dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Chúng tôi hy vọng sau cuộc tọa đàm này, với các tham luận mà chúng tôi đã nhận được, cùng những ý kiến phát biểu trong cuộc thảo luận tại đây cũng sẽ đưa tới một ấn phẩm mới, đánh dấu một bước tiến nữa trong việc nghiên cứu Tâm lý Dân tộc phục vụ thiết thực cho công cuộc phát triển đất nước.

 Trong số 20 bài tham luận gửi về Trung tâm, chúng tôi nhận thấy có ba chủ đề được các tác giả quan tâm nhiều nhất:

 1. Những đặc điểm phổ quát của văn hóa Việt Nam, trong đó các yếu tố truyền thống và nhu cầu đổi mới đã thu hút được 7 tác giả. Ở phần nghiên cứu này, có một số phát hiện và kiến nghị rất đáng quan tâm.

 2. Các khía cạnh cụ thể trong tâm lý văn hóa Việt Nam cũng đã được 6 tác giả phân tích từ các chiều cạnh triết học, sử học, tâm lý và ngôn ngữ... mang đến cho bạn đọc bức chân dung tương đối rõ nét về trạng thái tinh thần hiện nay của người Việt Nam.

 3. Chủ đề cuối cùng: văn hóa và phát triển. Bằng những kiến giải khoa học về mối tương quan giữa Tâm lý dân tộc với việc phát huy nội lực, tự do sáng tạo, hòa giải hòa hợp để hội nhập văn hóa và phát triển ở Việt Nam, đã được các nhà khoa học đề cập tới trong số tham luận còn lại.
 Tuy nhiên, nhiều vấn đề đưa ra mới chỉ dừng lại ở các giả thuyết, hy vọng trong buổi tọa đàm, với không khí cởi mở, chân tình, và tinh thần thiện chí, trách nhiệm của người trí thức, chúng ta sẽ làm rõ một số ý tưởng mang tính lý luận cũng như thực tiễn gần gũi với mục đích của cuộc họp hôm nay.

*


 Cuộc tọa đàm của chúng ta sẽ xoay quanh chủ đề "Tâm lý Dân tộc và con đường phát triển" với hai khái niệm chủ chốt có quan hệ với nhau: khái niệm Tâm lý Dân tộc  và khái niệm phát triển. Nhìn bề ngoài, ta thấy hai khái niệm ấy thuộc về những lĩnh vực hết sức xa nhau: một là lĩnh vực của Tâm lý với những hiện tượng thuộc về đời sống tinh thần, tình cảm, xúc cảm ..., một lĩnh vực khác thuộc về kinh tế, chủ yếu là đời sống kinh tế với những con số thống kê về các quá trình tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội, các thước đo bằng tiền tệ về mức sống giàu nghèo so sánh giữa các quốc gia. Khó có gì chung để bắt nối mối liên hệ giữa hai lĩnh vực đó.

 Nhưng không phải như vậy. Cái chung là có thật và rất cụ thể mà không phải chỉ là một ý niệm tổng quát rằng cứu cánh là ở con người, lĩnh vực nào cũng thuộc về con người, do con người và vì con người: không phải chỉ nhờ ở mối liên hệ trừu tượng ấy mà sự gắn kết Tâm lý học với khoa học phát triển mới tìm được tính hợp thức.

 Các nhà kinh tế học về phát triển đều biết rõ rằng họ không phải và không thể chỉ dừng lại ở các quá trình vật lý của nền kinh tế, ở khái niệm "cất cánh" của các nền kinh tế được mô tả như chiếc phi cơ lăn trên những đường băng. Họ hiểu rõ rằng giữa thế giới giàu và nghèo, giữa người giàu và người nghèo có biết bao nhiêu là mặc cảm, là ẩn ức, là bất hòa, kể cả thù hận trong chiều sâu của đời sống tâm lý. Phát triển là một kết quả vật thể nhưng nó lại là quá trình ở đó các yếu tố phi vật thể, yếu tố văn hóa, yếu tố tâm lý có vai trò vô cùng quan trọng.

 Ðể minh họa cho ý kiến trên đây về quan hệ giữa tâm lý và kinh tế, tôi xin dẫn ra đây một đoạn văn trong cuốn sách nổi tiếng của 4 nhà kinh tế ở đại học Harvard "Kinh tế học của sự phát triển". Cuốn sách này đã được dịch và xuất bản do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương từ 10 năm trước đây. Nguyên văn đoạn văn như sau:
 "Các chuẩn khác nhau được áp dụng ở các nơi khác nhau cho thấy sự nghèo đói không phải hoàn toàn là vấn đề mức sống tuyệt đối. Cơ sở thực của nó là tâm lý. Người nghèo là những người cảm thấy bị tước đoạt những cái mà người khác trong xã hội được hưởng thụ, những cái mà họ cho rằng chính họ cũng có phần ... theo ý nghĩa tâm lý ... Trước đây, người nông dân có thể so sánh tình trạng riêng của họ với những tình trạng tốt nhất trong làng xã. Bây giờ họ nhận thức ngày càng tăng thêm về mức sống của phần tốt nhất ở các thành phố của nước họ, và cả những tiêu chuẩn đang thịnh hành ở các nước giàu có. Như vậy, cảm giác bị tước đoạt có thể tăng thêm." (tr. 153-154)
 Trường phái kinh tế học Mác-xít thực sự đã dựa vào trạng thái tâm lý này để đi đến giải pháp về bất bình đẳng xã hội, căn cứ trên sự tước đoạt giai cấp hữu sản và xóa bỏ tư hữu bằng cách mạng xã hội. Nhưng đó mới chỉ là cái nghèo của cá nhân trong sự so sánh giữa người giàu và kẻ nghèo. Còn có cái nghèo của một dân tộc trong sự so sánh với các quốc gia khác. Và ở đấy có cả những ẩn ức sâu xa trong tâm lý nên ta mới có quyền nói đến "nỗi nhục đói nghèo, nỗi nhục lạc hậu" không kém gì nỗi nhục mất nước.
 

 Chuyện kinh tế trở thành chuyện vinh nhục. Và quả thật nếu người nghèo không có cái cảm giác nhục nhã thì họ khó mà cất đầu lên được. Cũng như vậy, nếu một quốc gia nghèo không có ý thức về sự nhục nhã thì họ chỉ còn có cách ngồi chờ nước ngoài bơm nhiên liệu vào cỗ máy kinh tế của họ mà cất cánh. Nội lực sẽ bằng con số không. Lòng trả thù và cả sự trả hận đối với chủ nghĩa thực dân rốt cuộc cũng chẳng cho một lối thoát nào dứt khoát ra khỏi sự nghèo khổ.

 Nước Việt Nam của chúng ta đang là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nó đã rửa được cái nhục mất nước, ở đó chúng ta có quyền chính đáng để tự hào. Nhưng hầu như trong đời sống tâm lý dân tộc, cái nhục đói nghèo mới chỉ được cảm nhận và cũng chưa đủ là một nhận thức sâu xa ở tất cả mọi người. Có phải vì vậy mà dân tộc ta chưa chuyển mình sang được một tâm thế khác có lợi cho cuộc chấn hưng nền kinh tế, lấy phát triển kinh tế là mục đích ưu tiên. Có phải do đó mà nó đang ở trạng thái ly tâm rất nặng, trạng thái này giải thích cho tình trạng lâu nay người ta phải chịu đựng một quốc nạn tham nhũng tràn lan như một bệnh vô phương cứu chữa? Có phải cũng do đó mà nguồn vốn tiềm tàng còn rất lớn trong nhân dân và những khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bị coi là loại "con nuôi", ở bên lề chứ không thể có vị trí ở trung tâm của nền kinh tế?

 Nói khác đi, cả kinh tế, chính trị và xã hội ta đang thiếu một môi trường tâm lý thuận lợi của toàn dân tộc để làm một cái gì đó quyết liệt và dứt khoát cho sự phát triển đất nước. Trên ngôn từ, ta vẫn nói đến cuộc cách mạng vĩ đại với vô số các phong trào thi đua ở khắp mọi nơi. Nhưng trong thực tế, cả một xã hội đang ở trạng thái ì. Nền kinh tế mới khởi động chứ chưa cất cánh. Cải cách hành chính vẫn luẩn quẩn không sao gỡ nổi những rối ren về bộ máy và lề lối. Nền giáo dục đang được một số Nghị sĩ kêu gọi phải "cách mạng" chứ không chỉ là cải cách, nhưng rất có thể nó còn sa sút hơn nữa một khi không ai dám nhìn thẳng và nói thẳng phải "cách mạng" từ khâu nào.

 Nền kinh tế, Bộ máy, đặc biệt là Con người của chúng ta hầu như chưa sẵn sàng cho sự phát triển. Và ở chiều sâu nhất của đời sống tâm lý, sự phát triển chưa được nhận thức như một mệnh lệnh thôi thúc để nảy nở các nguồn tri thức, trí tưởng tượng, các xúc cảm, các ham muốn và hoài bão của các thế hệ người Việt Nam. Sự phát triển chưa trở thành một Ðồng thuận Dân tộc, để có thể giải toả những sức ì tư tưởng, để chấm dứt những do dự, hòa giải những xung đột, để tạo một niềm tin tưởng lẫn nhau trong các quan hệ xã hội và cuối cùng để đồng tâm hiệp lực cho sự phát triển của quốc gia.
 

*


 Khái niệm Ðồng thuận (Consensus) mà chúng tôi dùng ở đây vốn được sử dụng rộng rãi trong tâm lý học xã hội, trong chính trị học, trong các ngành học về truyền thông đại chúng. Khái niệm này chỉ sự chấp thuận của một xã hội, một dân tộc, một quốc gia về những mục tiêu và giá trị chung, từ đó mà xử lý các xung đột làm triệt tiêu những hợp lực của xã hội. Ðôi khi người ta còn dùng đến những cụm từ cơ cấu đồng thuận để chỉ sự liên kết, liên ứng giữa các thể chế khác nhau từ kinh tế đến luật pháp, chính trị, giáo dục, trí thức ... để sao cho các thể chế này không đối chọi nhau, cái nọ vô hiệu hóa cái kia, cái nào cũng tự cho mình một lý lẽ  để tồn tại nhưng lại dẫn đến sự tan rã của cái tổng thể. Trong tâm lý dân tộc, đồng thuận là một trạng thái tinh thần bao trùm lên mọi khác biệt về chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, giai cấp, tầng lớp. Nó không hòa tan những khác biệt ấy, nhưng nó hòa giải những xung đột dù là dai dẳng hay nhất thời để đi đến sự hội tụ mọi nỗ lực cho mục tiêu chung của quốc gia. Người ta cũng có một sự so sánh khá tế nhị trên khái niệm đồng thuận này để thấy rằng có những dân tộc dễ đồng thuận hơn như người Mỹ, người Ðức, và có dân tộc khó đồng thuận hơn như người Pháp. Ðó là do các cơ cấu xã hội và truyền thống văn hóa khác nhau giữa các quốc gia.

 Dân tộc Việt Nam, theo quan điểm của chúng tôi là một dân tộc dễ đồng thuận. Về cơ cấu xã hội, ta không có sự phân hóa giai cấp khốc liệt. Ta cũng không có sự xung đột sắc tộc gay gắt. Xung đột giữa các tôn giáo cũng không. Nhiều thế kỷ ta không có tư tưởng độc tôn và quốc giáo chính thống. Ðây là yếu tố dễ cho đồng thuận.
 Tuy nhiên, nói dễ không có nghĩa là không có khó khăn. Dễ mặt này nhưng khó về mặt khác. Sức ly tâm là rất lớn và có thật, phần do truyền thống lịch sử để lại cũng có, phần do nhận thức của những người đương đại chúng ta cũng có. Ðã khiến cho quốc gia mấy lần bị chia cắt và thường xuyên phải mất sức do chủ nghĩa cục bộ địa phương, do chủ thuyết, do những sai lầm không đáng có của giới chức và do cả trình độ dân trí chưa cao của chúng ta. Ngoài mất sức ta còn mất khá nhiều thời gian để dàn xếp các khác biệt trong khi các dân tộc khác có thể tạm gác lại những khác biệt ấy để ưu tiên cho một mục tiêu chung, một con đường duy nhất ai nấy đều dấn tới.
 Ðể có thể phát triển được, chúng ta cần càng nhanh càng tốt sự đồng thuận của lòng người. Nếu thể chế chính trị một đường, thể chế kinh tế một nẻo thì sức ì tự nó sẽ sản sinh. Nếu sự đồng thuận không được ưu tiên, ít nhất cho một thời kỳ 20 đến 25 năm tới thì đất nước khó mà cất cánh được.
 

*


 Bối cảnh quốc tế đang có nhiều thuận lợi giúp cho dân tộc ta vốn dễ đồng thuận càng có cơ hội đi tới sự đồng thuận để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
 Bởi vì trong thời đại ngày nay, sự phát triển kinh tế là mục tiêu hết sức rõ ràng cả về lý thuyết lẫn trên thực tế. Phát triển hay là tan rã, ta có thể nói như vậy chăng? Sự ưu tiên cho phát triển là cơ sở để đồng thuận dân tộc.

 Chính vì thế mà người Trung Hoa đã phát minh ra công thức "Một quốc gia, hai chế độ", về thực chất là một kiểu diễn đạt khác đi của "thuyết hội tụ", theo tinh thần rất thực dụng của truyền thống Trung Quốc. Họ cần có Hồng Kông ở nguyên trạng, Ma Cao ở nguyên trạng và nếu có thể cả Ðài Loan nữa hội nhập vào sự phát triển của một nước Trung Quốc hiện đại. Nước Trung Quốc hiện đang ưu tiên cho sự phát triển kinh tế, cho sự làm giàu. Ðằng sau sự hòa giải và đồng thuận ấy ta vẫn thấy tinh thần "phi thương bất phú" với những hình ảnh nổi bật trong truyền thống mấy ngàn năm của Trung Quốc như Quản Trọng và Lã Bất Vi.

 Gần đây nhất, hai miền Nam Bắc Triều Tiên cũng đã khởi động sự đồng thuận dân tộc theo một cách khác có thể nói là ngoạn mục. Chưa phải là những thỏa hiệp chính trị, quân sự, kinh tế nào to tát, mà là những giọt nước mắt, những nụ cười mừng mừng tủi tủi của các gia đình vốn bị ly tán nay được gặp lại nhau. Một sự đồng thuận dân tộc rõ ràng từ tâm lý, từ nhu cầu bên trong của mỗi con người. Sự đồng thuận ấy cũng hé cho thấy một dân tộc đã bị nửa thế kỷ chia cắt nay đang hợp nhất để tranh thủ thời gian cho mục tiêu phát triển quốc gia.

 So với Trung Quốc và Triều Tiên, chúng ta có một lợi thế rất lớn là giang sơn đã quy về một mối. Trắc trở chăng chỉ còn là sự đồng thuận của lòng người. Ðó là câu hỏi của chúng ta sẽ cùng trao đổi, cùng nhau trả lời từ cách nhìn của tâm lý học dân tộc và cũng từ khoa học phát triển, trong tương quan chặt chẽ giữa sức sống kinh tế và sức sống tinh thần của một quốc gia, một dân tộc.

Thành phố Hồ Chí Minh, 12-2000
Phạm Bích Hợp