Nói chuyện với TS Phạm Bích Hợp

Nếu buổi ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Dân tộc tiến hành trong một phòng họp lớn của khách sạn Tây loại xịn "Continental" giữa TPHCM thì ngược lại, trụ sở của Trung tâm lại chỉ là căn phố xinh xắn nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ðó cũng là nhà riêng của chị (tôi không muốn dùng chữ "bà" dễ khiến người ta hình dung sai về người nữ giám đốc tuổi quý tỵ này), nơi tôi thực hiện cuộc trao đổi sau nhiều lần thuyết phục chị nhận lời. Người phụ nữ đầy bản lĩnh (dám làm) và tài năng (làm được) đã lập nên một cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội tư nhân đầu tiên ở nước ta, vẫn còn "hơi bị ngại" báo chí ở thời điểm tròn một tuổi của đứa con tinh thần (sợ bị "quở quang" chăng?). Vả lại, sang năm là "năm tuổi" của chị...

Thuận Thiên


Thuận Thiên: Bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc, tâm lý dân tộc, ... các hội thảo ăn theo hai chữ "dân tộc" nở rộ như hoa xuân... Trong chuyện mở ra Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Dân tộc này có gì là "sản phẩm theo mùa" không, thưa chị?
Phạm Bích Hợp: Chẳng theo mùa mà cũng chẳng có ý nghĩa gì sâu xa. Chỉ xuất phát từ một say mê hứng thú cá nhân. Từ những năm 1973-1974, lúc còn là cô sinh viên khoa Sử 20, 21 tuổi, tôi đã quan tâm đến những chuyện mà lúc đó mình chưa hiểu bao nhiêu. Chẳng hạn như tại sao ở Trung Quốc người ta phát động "chiến dịch bắt chim sẻ"? Về sau tôi biết rằng những vấn đề tâm lý chính trị như thế, thực chất là vấn đề tâm lý dân tộc. Sau năm 1980, vào TPHCM, tôi học tiếng Pháp và được đọc nhiều sách của người Pháp nghiên cứu về các dân tộc thuộc địa, tôi trở nên mê bộ môn này. Rồi từ trường phái Pháp, tìm hiểu qua trường phái Ðức, Mỹ, tôi quyết định chọn con đường nghiên cứu tâm lý dân tộc. Nhưng ở nước ta chưa có chuyên ngành này, tôi phải học Cao học Tâm lý học rồi Cao học Dân tộc học riêng rẽ với nhau. Sau hàng chục năm tích lũy tư liệu và suy nghĩ, tôi công bố công trình mà mình mong muốn trở thành sách dạy ở bậc cử nhân "Tâm lý dân tộc, tính cách và bản sắc". Ðợi mãi chưa biết bao giờ đại học của ta mới mở chuyên ngành tâm lý dân tộc, tháng 12 năm 1999, với sự hưởng ứng của nhiều nhà khoa học xã hội, tôi nộp đơn lên Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường TPHCM xin phép mở rộng Trung tâm, và được chấp nhận.
 

TT: Cho đến nay nhiều người còn thắc mắc: sao có thể có một cơ sở tư nhân nghiên cứu về lĩnh vực dễ "đau đầu" thế nhỉ? Chắc bà giám đốc có "gốc" lớn lắm về chính trị, kinh tế? Lại có người đoán già, đoán non: tâm lý dân tộc đang là món hàng thời thượng, chắc là ... bán được lắm?
PBH: Chính tôi lại thắc mắc tại sao nhiều người gặp tôi cứ úp mở hỏi có phải tôi là cơ sở của ... công an, hoặc ngược lại, cơ sở của ... nước ngoài? Tôi xin phép mở trung tâm theo đúng các quy định hiện hành. Tiền thì dựa vào ... túi của bản thân và gia đình, trí lực thì dựa vào bạn bè, các nhà nghiên cứu. Còn bán ư? Dĩ nhiên sản phẩm trí tuệ cũng là hàng hóa, nhưng hiện tại thì chưa bán được. Công trình đầu tiên của trung tâm là cuốn sách tập hợp những bài viết tham dự cuộc tọa đàm "Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ" in có 1.000 cuốn, bán chưa đủ chi phí. Hai đề tài nghiên cứu đăng ký với TP. Hồ Chí Minh: "Tìm hiểu tâm lý người dân trong chủ trương thực hiện cải cách hành chính của TPHCM", "Nghiên cứu nguồn gốc tâm lý và xã hội của một số thói quen xấu đang gây tổn hại nặng nề đến bộ mặt văn minh đô thị; đề xuất các giải pháp cụ thể và hữu hiệu nhằm từng bước xóa bỏ triệt để các hành vi đó, phục vụ cho công tác quản lý đô thị của thành phố", người xét duyệt khen "hay", nhưng ... không duyệt vì ..."không đúng hướng" (?). Tôi cũng đang đợi trả lời của Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường về đề tài "Khả năng thích ứng tâm lý của người Việt Nam vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Song trung tâm của tôi hoàn toàn không bị trói buộc bởi chuyện lý tài vì xuất phát của nó là nhu cầu tinh thần của bản thân, và chừng mực nào đó tôi cũng muốn tham gia làm rõ hơn tâm hồn VN để thấy những gì nên củng cố, những gì phải thay đổi. Tôi đã đi nghiên cứu nhiều vùng, tôi thấy ở nhiều nơi người dân chịu nghèo khổ, bất công một cách vô lý, chính vì không hiểu được chính mình.
 

TT: Thời gian qua, để hiểu mình chúng ta có xu hướng gọi là "về nguồn", nhưng trong xu hướng ấy ngày càng có thể  thấy rõ sự tôn vinh một chiều quá khứ, sự hạn chế của khẩu hiệu "bảo vệ bản sắc", sự lạm dụng "văn hóa làng". Có người đã nhận xét: Chưa bao giờ bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính lại thời thượng như bây giờ!
PBH: Tôi cho đó chỉ là một phản ứng tâm lý hơi có màu sắc hoảng hốt trước những cái mới mà mình chưa mường tượng, định hình được; đó cũng là một nét tâm lý dân tộc, hậu quả của tình trạng khép kín mấy nghìn năm. Tôn trọng quá khứ là đúng đắn, nhưng khư khư ôm lấy quá khứ là khiên cưỡng và duy ý chí. Những cái đang diễn ra cũng góp vào sự hình thành truyền thống và sẽ trở thành truyền thống trong tương lai. Cũng có những tâm lý mang tính tích cực trong hoàn cảnh quá khứ, nhưng có thể trở thành hạn chế cho sự phát triển đất nước hôm nay. Theo tôi, có lẽ thái độ đúng đắn nhất là tôn trọng sự thực khách quan, tự tin để xây dựng  và đón chờ cái mới.

TT: Cuộc hội thảo mới đây mà Trung tâm tổ chức khá thành công ở Hà Nội đã tập trung vào chủ đề "Tâm lý dân tộc và phát triển", những vấn đề tâm lý nào được các nhà nghiên cứu mổ xẻ nhiều nhất?
PBH: Ba chủ đề được trao đổi nhiều nhất, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Tôi chỉ xin tóm lược một số ý kiến nổi bật.

1. Vai trò của cá nhân và mối quan hệ của cá nhân với cộng đồng. Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Tâm lý - Viện trưởng Viện Tâm lý Ðỗ Long, "tính cá nhân, ý thức cá nhân cần được xem xét như một động lực phát triển, nhưng cái tôi của người Việt Nam chưa được xác định, chưa tách bạch với cộng đồng, chính vì thế cá nhân không có điều kiện phát triển và đóng góp vào sự vận động của xã hội, mà đôi khi còn trở thành cản ngại cho sự phát triển". Luật sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng: "Cơ chế xã hội coi trọng tập thể hơn cá nhân nên đã làm lu mờ cá nhân, xóa nhòa tinh thần trách nhiệm cá nhân... Tóm lại, con người cá nhân chân chính của chúng ta chưa mạnh nên rất khó chiến thắng chính bản thân mình để góp phần phát triển đất nước". Nhưng từ một góc độ khác, đạo diễn Ðỗ Minh Tuấn lại cho rằng người Việt Nam có cái tôi rất lớn, chính ý thức về cái tôi đó đã tạo ra hàng loạt các "ông vua" hiện nay!

2. Vai trò của người trí thức. Nhà báo Nguyễn Văn Thành đặt vấn đề đầu tiên với hàng loạt câu hỏi: Việt Nam có giới trí thức hay không? Họ là ai? Họ có vai trò gì trong lịch sử hay chỉ đứng sau các nhà chính trị? Liệu sắp tới, họ có chiến thắng được nỗi ngại ngùng để góp phần giải đáp các vấn nạn của xã hội? Ngay lập tức rất nhiều ý kiến được đưa ra, phần lớn đều thống nhất cho rằng Việt Nam mới chỉ có sĩ phu chứ chưa có trí thức, họ là những viên chức ngày nay, giống như quan lại ngày xưa, họ chưa có vai trò độc lập tự do để thực hiện những ý tưởng, những khát vọng của giới mình. Ngoài ra, các khái niệm về "tự do tư tưởng và liêm khiết trí tuệ", "tháp ngà và dấn thân", tương quan giữa "tri và hành, thiện và ác" ... cũng được đua ra trao đổi sôi nổi. Ý kiến của linh mục Thiện Cẩm rất đáng quan tâm, khi ông cho rằng: "Người trí thức chúng ta cũng như những cây nến nhỏ, vấn đề là chúng ta cần phải biết kết lại để trở thành một ngọn đuốc sáng tỏa đến mọi nơi chứ không phải chỉ là phương tiện cho những ai đó muốn dùng để soi tới những nơi họ cần".

3. Thực và giả. Giáo sư Phan Ðình Diệu đã đưa ra lời khái quát rất đúng rằng: "cái giả chẳng những đang là một thói quen mà còn trở thành một đạo lý". Trên diễn đàn, trong hội nghị, ở nhà trường ... lắm khi người ta nói giả hơn là nói thật và hài lòng với việc cùng nhau che đậy những sự thật ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra. Tinh thần tôn trọng sự thật có lẽ là một giá trị thấp kém nhất trong đời sống tâm lý của không ít người Việt Nam hôm nay, trong khi nó lại là cần thiết để đồng thuận và phát triển. Bởi vì người ta chỉ có thể đồng thuận trên căn bản cùng thừa nhận những sự thật. Và sự phát triển tự nó không thể chấp nhận một tình trạng vờ vịt làm giả vờ và nói dối lẫn nhau. Cũng đã có một vài chính khách tung ra lời kêu gọi "hãy nhìn thẳng vào sự thật", nhưng sau đó sự thật vẫn là cái người ta biết rõ nhưng lại tự thấy nên tránh là hơn. Nếu không vượt qua được nghịch lý này thì không thể nói đến lòng tự tin và tự trọng cho chúng ta và cho con em chúng ta. Bởi vì trọng sự thật là thước đo đầu tiên của lòng tự trọng.


TT: Từ góc độ tâm lý dân tộc, chị nhìn thế nào về khả năng thích ứng của người Việt Nam trước triển vọng "toàn cầu hóa"?
PBH: Thì ta cứ coi đó như một hiện tượng tất yếu. Tôi tin là với trí thông minh vốn có của con người Việt Nam, chúng ta sẽ tìm ra cách thức để chung sống với nhiều hiện tượng chứ không chỉ hiện tượng ấy. Ta cứ nhẹ nhàng, chẳng cần quan trọng hóa, ta cứ chủ động chuẩn bị xây dựng đường lối của mình để thích ứng và điều chỉnh những sự quá đà.

TT: Xin cảm ơn chị giám đốc.

Thuận Thiên thực hiện
(Báo Lao Ðộng ngày 19/1/2001)