Từ nhiều nguồn tri thức đến một mục tiêu chung


 Chủ đề cuộc tọa đàm hôm nay là "Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ". Chủ đề cũng sẽ là mục tiêu cơ bản và lâu dài trong hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Dân tộc. Một mục tiêu như vậy có thể là quá lớn so với tầm vóc nhỏ bé của một tổ chức nghiên cứu khoa học tư nhân của chúng tôi. Lẽ ra phải có nhiều trung tâm nghiên cứu như vậy, ở cấp vùng cũng như ở cấp quốc gia. Song, đó là những bước đi sau này. Trước mắt, những việc làm nhỏ bé nhưng đúng hướng, dù sao cũng rất cần để ít ra là thử nghiệm những con đường đi tới mục tiêu rộng lớn đó.

 Chúng tôi đã bắt đầu công việc của Trung tâm với tất cả sự khiêm tốn nhưng cũng rất nhiều hy vọng. Ðó là niềm hy vọng ở sự cộng tác của các nhà khoa học và các vị hoạt động thực tiễn từ rất nhiều lĩnh vực chuyên môn và sở trường khác nhau. Sự có mặt với lòng nhiệt tình của quý vị hôm nay chứng tỏ niềm hy vọng của chúng tôi là có cơ sở chắc chắn.

 Dân tộc nào đã có một bề dày lịch sử, dân tộc ấy cũng sẽ quan tâm đến bề sâu tâm hồn của mình. "Tâm hồn của các dân tộc" là một danh từ quen thuộc trong mọi thứ ngôn ngữ. Ðiều này cũng phần nào giống như một con người, đến độ trưởng thành ai cũng sẽ tự đặt câu hỏi về nhân cách của mình. Các dân tộc cũng tự hỏi mình là ai, mình khác gì với thiên hạ, cái gì là căn tính của mình được nối tiếp từ quá khứ và truyền dẫn cho tương lai. Cái "ta" của mỗi dân tộc với những băn khoăn tự vấn thường cũng gắn liền với những thăng trầm của lịch sử. Người ta muốn biết các trạng thái tinh thần mà dân tộc mình đã sống và đang sống. Lúc thì đầy phấn khích và bay bổng. Khi khác thì trầm uất và hững hờ. Ðằng sau trạng thái tính tình và khí chất nhiều khi thất thường của các dân tộc lại cho thấy một cái gì đó khá ổn định, cắt nghĩa hành trình lịch sử của họ. Các sử gia là người hiểu hơn ai hết rằng thiếu vắng những trạng thái tinh thần ấy, thì lịch sử chỉ còn là những chuỗi sự kiện lạnh lùng, vô hồn và chẳng cách nào mà một quá khứ từ mấy ngàn năm lại có thể truyền cho thế hệ hôm nay hơi ấm của các truyền thống đầy sức sống.

 Một dân tộc muốn tự hiểu mình cũng đồng thời muốn hiểu bề sâu Tâm hồn của các dân tộc khác, của láng giềng, của bè bạn và cũng khó tránh khỏi tình thế đôi khi là của kẻ thù. Sự đa dạng của các chủng tộc, các sắc tộc, các nền văn hóa, các thị hiếu, các xúc cảm, các giá trị... nếu không được thấu hiểu, cảm thông và dung hóa sẽ trở thành đầu mối của các bất hòa, xung đột, của sự kỳ thị chủng tộc vô cùng tai hại. Chính nguồn tri thức phong phú về tâm hồn của các dân tộc là một nhu cầu bức thiết của thời đại chúng ta, khi mà nền kinh tế đang đi vào xu hướng toàn cầu hóa và văn hóa cũng sẽ ngày càng quốc tế hóa. Những nghiên cứu về Tâm lý các dân tộc ngay lúc khởi đầu đã xuất phát từ nguyện vọng cao cả của các học giả là làm cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, kính trọng nhau để sống hòa bình và hữu nghị. Từ đó, vô số định kiến có thể được gỡ bỏ vì chúng chỉ do sự thiếu hiểu biết mà ra.

 Tuy nhiên, một ngành khoa học nào đó cũng phải có tiếng nói riêng của nó, một thứ ngôn ngữ riêng với những chuẩn mực và phương pháp làm việc riêng. Ngành Tâm lý học Dân tộc liệu có hội đủ các điều kiện ấy?

 Người Ðức có thể là những người đầu tiên đưa ra khái niệm Tâm lý các Dân tộc (Volkerpsychologie). Hai học giả người Ðức là Lazarus và Steinthal, người thứ hai là một nhà ngôn ngữ học đã khởi xướng ngành học này vào năm 1851. Ðến năm 1860, hai ông đã chủ xướng tạp chí "Tâm lý học các Dân tộc và Ngôn ngữ học", xuất bản được 20 tập và tồn tại đến 30 năm.

 Trong tiếng Pháp, không có một từ ghép như tiếng Ðức, nên người ta dùng cả cụm từ Tâm lý học các Dân tộc với chữ dân tộc để ở số nhiều (Psychologie des Peuples). Với tiếng Anh, tình hình có khó khăn hơn, là do sự quan tâm đến Tâm lý học còn nằm trong giới hạn của khoa Nhân học. Người ta dùng từ Nhân học Tâm lý (Psychological Anthropology) để chỉ những nghiên cứu Tâm lý Dân tộc. Một số học giả đã đưa ra một từ ghép Ethnopsychology để chỉ ngành nghiên cứu tâm lý của các nhóm tộc người trong một Hợp chủng quốc như Hoa Kỳ chẳng hạn. Cả hai cách gọi trên đều xác nhận sự cần thiết và hợp thức của một khoa nghiên cứu Tâm lý các Dân tộc. Vấn đề chỉ còn đặt cho nó vào đâu. Vì thế,  khi dịch tên gọi của Trung tâm sang tiếng Anh, chúng tôi cũng đã tạm dùng danh từ Ethnopsychology.

 Về lịch sử của ngành học, thì ngay từ năm 1993 chúng tôi đã viết và xuất bản cuốn sách "Tâm lý Dân Tộc - Tính cách và bản sắc". Trong đó, chương II đã trình bày các luồng tư tưởng và trào lưu nghiên cứu Tâm lý Dân tộc trên thế giới. Chương III nói về nghiên cứu Tâm lý Dân tộc ở Việt Nam.

 Ðể khỏi mất thì giờ của quý vị, tôi chỉ xin lưu ý ở đây mấy vấn đề liên quan đến đối tượng và phương pháp của ngành học.

 - Tâm lý Dân tộc không phải là con số cộng tâm lý của các cá nhân và các nhóm xã hội trong lòng dân tộc ấy. Ðó là việc nghiên cứu các đặc điểm tâm lý hình thành từ hoàn cảnh địa lý cũng như quá trình lịch sử của các dân tộc và qua các con đường xã hội hóa mà chuyển thành những nhân tố được lặp lại, tương đối ổn định và bền vững trong Nhân cách các thành viên của dân tộc. Tất nhiên nó cũng mang tính lịch sử và không ngừng vận động.
 - Trường phái Ðức hầu như nhấn mạnh đến cấu trúc tinh thần và đặc điểm tính cách của các dân tộc. Còn ở Thụy Sĩ, trường phái của C.G. Jung lại nhấn mạnh đến Vô thức tập thể và Cổ mẫu, với các kiểu Tâm lý khác nhau ở các nhóm tộc người. Trường phái của A. Kardiner ở Mỹ thì lưu ý đến "Nhân cách căn bản" được hình thành từ thời thơ ấu. Trường phái của Lévy Bruhm ở Pháp nhấn mạnh các Biểu tượng tập thể.
 - Tâm lý Dân tộc bao hàm trong nó Tâm lý vùng, Tâm lý tộc người, Tâm lý quốc gia. Cách hiểu đó đã có từ khi một nhà địa lý chuyên nghiệp người Pháp là Georges Hardy cho xuất bản cuốn sách "Tâm lý học địa lý". Nhưng có lẽ phải đi xa hơn, và đặt vào trong Tâm lý Dân tộc tâm lý quần chúng ở các nhóm khác nhau, như sự tập hợp nhóm xã hội, nhóm tôn giáo, tập hợp nhóm thành thị hoặc nông thôn, thậm chí thành thị tiêu biểu, thành thị trung bình... Tóm lại, đối tượng nghiên cứu Tâm lý Dân tộc là rất rộng mở. Ngày nay ở Mỹ người ta cũng nhấn mạnh đến "Trạng thái tinh thần của Dân tộc" và từ Nation, theo họ, phải bao hàm những đường biên giới về tinh thần hơn là những đường biên giới thuần túy địa lý như cách hiểu thông thường. State of Mind là đối tượng nghiên cứu có hàm nghĩa về Tâm lý của các sắc tộc và các tiểu vùng nữa.
 Ở Việt Nam, mối quan tâm về đặc điểm Tâm lý Dân tộc có thể đã nổi lên từ các phong trào Duy tân, Ðông du. Ðó là lúc có nhu cầu so sánh dân tộc mình với người Tây phương thông qua sự có mặt của người Pháp và chế độ thống trị của họ. Nhu cầu thức tỉnh, tự xét và tự hiểu xem người mình tốt ở chỗ nào, xấu ở chỗ nào. Nhu cầu đó vẫn luôn luôn thôi thúc các học giả Việt Nam sau này như Phan Kế Bính, Ðào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Cao Xuân Huy... đi tìm xem có một Tâm tính Người Việt Nam hay không và nếu có thì những gì là mạnh hay yếu trong đó. Nếu ở Ðức, ở Pháp, ở Thụy Sĩ, các nhà Triết học, Tự nhiên học, Ðịa lý học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học... đã đi tiên phong, thì ở ta hầu như mối quan tâm về Tâm lý Dân tộc vẫn bị giới hạn nhiều trong giới văn học và sử học? Mà ngay ở đó, một lịch sử tinh thần của Dân tộc có lẽ còn đang được chờ đợi để nó mang lại hơi thở của các trạng thái tâm lý, trạng thái tinh thần cho các sự kiện đã và sẽ lùi về quá khứ xa xưa.

 Với đối tượng nghiên cứu như trên, Tâm lý Dân tộc chỉ có thể được tiếp cận bằng cách liên ngành. Phương pháp liên ngành hiện nay đã trở thành cách làm ngày càng phổ biến và có triển vọng trong các khoa học xã hội hiện nay, thay cho cách cô lập một mặt nào đó của đối tượng và tiếp cận nó bằng một chuyên môn hẹp như vẫn làm xưa nay.
 Khoa Nhân học có thể là một ví dụ rõ rệt nhất của các nỗ lực liên ngành nhằm nghiên cứu về con người từ rất nhiều chiều cạnh của nó. Từ lúc xuất hiện tên gọi "Anthropologie", người ta đã hiểu đó là một tập hợp các ngành khoa học mà đối tượng của nó là nghiên cứu con người. Như vậy nó cũng là một khoa học tự nhiên với một nhánh chuyên môn hóa chủ yếu nghiên cứu các chủng tộc người, được gọi là nhân học vật lý. Rồi những nhánh khác là Nhân học xã hội, Nhân học văn hóa. Người ta cũng sử dụng ở đây các nghiên cứu về Ngôn ngữ học, Tiền sử học, Sử học và sau này những phương pháp rất gần gũi với Xã hội học.

 Lợi thế của ngành Tâm lý học Dân tộc là ở chỗ nó có thể kế thừa các phương pháp đã được thử thách của ngành Tâm lý học Ðại cương và đặc biệt là Tâm lý học xã hội. Nó có thể phối hợp giữa Xã hội học và Tâm lý học xã hội, để nghiên cứu các trạng thái tinh thần dân tộc qua việc nghiên cứu các Vai trò và các Nhân cách được chờ đợi ở các dân tộc khác nhau. Nó có thể nhờ vào khoa Tiền sử học để nghiên cứu huyền thoại thường phản chiếu trong đó các kiểu mẫu tư duy, các dạng xúc cảm và trí tưởng tượng của các dân tộc. Tất nhiên là với Sử học, những nỗ lực liên ngành giữa Tâm lý học và Sử học còn quan trọng đến mức cần phải phát triển một nhánh Tâm lý học lịch sử với việc nhận ra những đặc trưng trong cách thức mà các dân tộc làm nên lịch sử của mình. Ngôn ngữ học được chờ đợi ở đây như một phương pháp tốt nhất để thực hiện sự so sánh các loại hình tư duy ở các dân tộc.

 Những ngành đặc biệt gần gũi với Tâm lý học Dân tộc, chắn hẳn là Dân tộc học, kể cả Dân tộc học mô tả và Dân tộc học tổng hợp. Nhân loại học văn hóa cũng vậy, ở đó đã phát sinh yêu cầu có một nhánh Nhân học tâm lý như chúng tôi đã nêu ở trên. Và cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng chính Phân tâm học là ngành có mối liên hệ chặt chẽ với Tâm lý học Dân tộc.

 Khi nói đến nghiên cứu liên ngành trong Tâm lý học Dân tộc, chúng tôi không hề muốn làm giảm nhẹ trách nhiệm của chính ngành học này là phải phát triển được một hệ phương pháp riêng cho nó với những cách tiếp cận riêng. Trong số đó, những cách tiếp cận về Nhân cách căn bản, về Cổ mẫu và Vô thức tập thể vẫn là những cách tiếp cận hoàn toàn có triển vọng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, khi triển khai nghiên cứu một vấn đề cụ thể, các nhà Tâm lý học Dân tộc muôn phải xuất phát từ các sự kiện trước nhất, tránh bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân và điều kiện như xưa nay vẫn thường làm. Chú trọng đến việc quan sát tinh tế và miêu tả chính xác, không nên vội vàng diễn giải, chỉ khi nào điều cảm nhận được củng cố bởi những số liệu định lượng, khi đó hãy phân tích và diễn giải.
 

*


 Sau hết, chúng tôi muốn có đôi lời về tính thiết thực của việc nghiên cứu Tâm lý Dân tộc vào lúc này. Ðây là một thời điểm đặc biệt trong lịch sử dân tộc ta, khi người Việt Nam phải tìm đến và huy động được Nội lực của mình để phát triển nhà nước thành một quốc gia công nghiệp và hiện đại.

 Không thể phát huy được nội lực nếu không hiểu nội tâm.
 Trong tập quán ngôn ngữ chính trị, người ta thường nói đến sức mạnh tinh thần, nguồn sức mạnh được cổ vũ cho các phong trào nào đó. Ðiều này hoàn toàn đúng, nhưng không đủ và đôi khi gây những ngộ nhận, có sự hiểu lầm rằng tinh thần dân tộc luôn luôn là một lực lượng mạnh mẽ.

 Sự thật, tinh thần dân tộc có khi mạnh và cũng có khi yếu, thậm chí có khi ở trạng thái tiêu cực, trạng thái trì trệ.
 Chẳng hạn, lòng yêu nước là một sức mạnh. Nhưng chúng ta còn nhớ lời Hồ Chủ tịch đã có lúc ví lòng yêu nước như những báu vật được cất trong hòm. Nó chỉ mạnh, chỉ hữu ích khi đem  ra dùng vào việc kháng chiến, kiến quốc. Bằng không, nó là thứ sở hữu không hiệu quả, nhiều khi không tụ lại mà tản mát đi.
 Trạng thái tinh thần dân tộc của chúng ta hôm nay ra sao? Ðó là một câu hỏi liên quan đến những sự việc rất cụ thể, rất thiết thực. Trong các tham luận gửi cho chúng tôi, có vị đã đặt câu hỏi rằng vì sao, một dân tộc đầy lòng tự tôn và mới đây đã chiến thắng hai đế quốc to, vậy mà chỉ ít năm sau đã mang một tâm lý tiêu dùng đầy thái độ vọng ngoại. Cũng có vị đặt vấn đề, vì sao một dân tộc hiếu học đến thế, mà ngày nay lại dễ dàng dấn sâu vào thương mại hóa với đầy rẫy tình trạng mua bán hư vị, hư danh. Còn giới trí thức bây giờ sao nhạt nhòa và thờ ơ làm vậy, mặc dầu trong quá khứ vẫn còn ngời ánh sáng những nguyên khí như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Ðình Chiểu...
 Liệu chúng ta có thể lấy tình trạng mệt mỏi về thể xác và tinh thần sau bao năm chiến tranh làm cách giải thích. Nếu vậy thì vì sao người Nhật, sau chiến tranh, hơn nữa sau chiến bại, họ lại nhanh chóng lấy lại được nguồn lực tinh thần để làm nên những thành tựu kinh tế thần kỳ.

 Tâm lý học Dân tộc có rất nhiều việc để làm với mục tiêu như chúng tôi đã nói, làm cho dân tộc ta tự hiểu mình hơn và càng hiểu hơn trong sự so sánh giữa mình với bạn bè năm châu bốn biển.

 Nguồn trí thức về lịch sử tinh thần của dân tộc ta có thể còn nghèo nàn sơ lược, do cách thức chúng ta làm phần lớn là kể bằng sử liệu, mà không thấy những gì đằng sau các sự kiện - những cái ở trong đầu và trong trái tim của con người. Còn nói đến các luồng tư tưởng, thì phần lớn ta nói đến khía cạnh Việt Nam hóa hơn là những gì đích thực Việt Nam. Cả đến Thần thánh của chúng ta cũng vậy, không mấy ai nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam theo chiều sâu Tâm lý người Việt, ở phía sau các thần tích, các lễ nghi.
 Cũng có sự nghèo nàn như vậy trong cách dạy tiếng Việt, dạy Việt văn. Ta không chú trọng đến cái Hồn, ít dạy cái Hồn mà nặng về cái xác của câu chữ chăng?
 Sẽ là thiếu xót nếu không nói đôi lời về những ứng dụng chờ đợi ở khu vực kinh tế. Lẽ nào là bản chất người Việt Nam không có cái mạnh của đầu óc doanh thương? Nếu vậy thì chủ nghĩa ức thương có gốc gác nào khác hơn là từ Nho học của ông Khổng Tử. Và tại sao cũng với ông Khổng Tử ấy, người Hoa lại là những nhà vô địch về thương mại?

 Chúng tôi không dám đi xa hơn nữa đến những lĩnh vực mà chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ có thẩm quyền hơn ai hết để nói rằng dân tộc ta đang ở thời điểm phải nhận rõ chính Tâm hồn của mình. Ðiều này không chỉ vì các lợi ích bức xúc hôn nay, mà quan trọng hơn thế, là vì ích lợi lâu dài của cả dân tộc thông qua sự nghiệp giáo dục các thế hệ trẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2000
Phạm Bích Hợp
Vietnam Arts & Culture