Phạm Xuân Nguyên

Một kiếp bên trời









    Chiều chiều là câu chuyện của một người già, của một nhà văn già, ngồi nhớ lại và kể lại đời mình, nhưng là đời của một nhà văn, nhưng là một nhà văn có cuộc đời dính dự vào nhiều việc nhiều người của một kiếp cầm bút, chuyện như vậy là chuyện buồn thương nhớ tiếc xót xa ân hận quên quên nhớ nhớ, có cái quên ngày trước nhớ bây giờ có cái nhớ bây giờ quên ngày sau, đang chuyện hôm nào về chuyện hôm nay từ chuyện hiện tại ngược chuyện quá khứ, giọng kể cứ nhẩn nha rõ là của một người già nhưng mà còn tinh tường còn mẫn trí còn tiệp liệp, giọng kể cứ buông thả nhấn nhá hóm hỉnh thâm trầm, nghe thì như gặp đâu nói đấy nhớ gì kể nấy mà thông một mạch liền một chuỗi, gấp sách lại thì đã chiều chiều vẫn văng vẳng bên tai tiếng gọi nghé. "Cuốn sách đời người đã đến đoạn ấy". Chuyện một đời người nhưng là đời của một thời và thời của một đời, tỉ mỉ việc tinh tường người, lắm cái hiểu được nhưng như chưa hiểu, lắm cái chưa hiểu mà như hiểu, kết cục thì "cũng là vậy thôi", "ấy đấy", "chỉ thế thôi", "cái sự đời thế vậy". Người già kể chuyện chiều chiều không của riêng mình, của bạn bè đồng nghiệp mình trong cùng một quốc gia lãnh thổ, người già này đi đã lắm  gặp đã nhiều thấy đã đầy những việc những người những cảnh ngộ cả ở ngoài biên cương xứ sở mà tương liên mà thấu cảm mà vận vào mình vào người, văn chương thì cũng là cuộc đời, đời thế ấy văn thế ấy "người đọc người thương nhau", dẫu đây hay kia người cầm bút cũng một thân phận con người một nỗi niềm ngậm ngùi, người già trải nghiệm rồi chiêm nghiệm rồi nghe tiếng gọi nghé văng văng trong ký ức tìm về lại cái làng quê của một thời một đời, trên đường đi hôm nay lại gặp người hôm qua, người không cố nhân nhưng chuyện là cố sự, mà cố sự cố nhân hay không cũng đã trọn một đời người một kiếp sống. Chiều chiều nửa hồi ký nửa tiểu thuyết, người già tác giả có duyên phận viết tự truyện từ trẻ, đọc tự truyện như đọc tiểu thuyết, cảnh thực đó người thực đó việc thực đó là tài liệu lại cũng là chất liệu, xâu chuỗi số phận những con người cụ thể có tên tuổi địa chỉ lai lịch lại thành ra số phận một nhân vật có tên chung một lớp người một loại người. Người già chiều chiều ngồi lục trí nhớ ở đây thản nhiên điềm tĩnh phơi trần con người mình qua các công việc, các ứng xử, các khôn dại được mất khen chê, người già vẫn còn khéo nhún nhường nói về mình, chuyện đau mấy buồn mấy nói ra có phần anh phần tôi dự vào trách nhiệm lấy không đổ cho ai được mà đổ cho ai được, dế mèn là chuyện ngày nảo ngày nao giờ là con ếch "tôi là con ếch Cu Ba, ở rừng thì da xanh thẫm lá rừng, ở ruộng mía thì lổ đổ màu lá mía, đến mùa hoa, lưng ếch chấm đỏ, chấm vàng như cánh hoa rơi", người già nói thế biết thế, tin thì tin không tin thì thôi, nghe thì bổ cho ai không nghe thì thiệt cho ai, ai biết, người già đây có bạn là ông Ngải xóm Ðồng rồi "ông nói cái gì ông cũng theo, nhưng thật ra xưa nay ông chỉ theo ông, theo bàn tay ông mà thôi", người già quý ông Ngải là vì thế, tìm về với ông lão nông dân đó như để học một cái gì ngấm một cái gì ngẫm một cái gì là vì thế, suốt hơn bốn chục năm qua từ cái đận đi thực tế sau một cuộc đấu tranh tư tưởng lớn, qua cái đận đi thực tế của một khóa học, đến cái đận chỉ về thăm về chơi không thôi. Ðọc Chiều chiều là đọc một tự thuật một hồi ký một bút ký như đọc già Hêm (Ernest Hemingway) mà trong sách già Tô (Tô Hoài) có nhắc đến có bình phẩm, nó là một tiểu thuyết-hồi tưởng, roman-mémoire, đó là nhan đề (xin nhấn mạnh là nhan đề) tác phẩm cuối cùng kịp hoàn thành của nhà văn Nga Anatoly Rybakov (1911-1998), người đã mang nặng đẻ đau (theo đúng nghĩa đen của từ này dùng cho một tác phẩm văn học) "những đứa con phố Arbat" ròng rã suốt ba mươi năm trời, cuốn sách Rybakov có nhiều nhân vật lịch sử cụ thể, chính khách và nhà văn, - Stalin và Khruschev, Gorbachev và Yeltsin, Kaverin và Tvardovski, Triphonov và Okudjava…, nhưng nhân vật chính là Thời Gian, một Thời Gian không hề bị thêm thắt tô vẽ, đích thực và vĩnh hằng, đang sống và đang thở, con người đối thoại với Thời Gian với những người đã sống đang sống những người cùng thời để nhận thức cái đã trôi qua cái đang xảy ra cái sẽ đi đến để hiểu thế nào vì sao thế kỷ này nhân loại này, Rybakov muốn nước Nga nhớ nhiều đến quá khứ để "suy nghĩ nhiều hơn, nhận thức bản thân sâu sắc hơn và vì vậy tìm cho mình đường đi đúng đắn hơn". "Tiểu thuyết-hồi tưởng" nằm trong tủ sách "Thế kỷ 20 của tôi" của nhà xuất bản Vagrius, cũng trong tủ sách đó có cuốn "Tấm hộ chiếu sói" của nhà thơ nhiều danh tiếng tai tiếng Evgheni Evtushenko mà tác giả gọi là "cuốn tiểu sử đúng lúc", mở vào sách ông thú nhận "Suốt cả cuộc đời, với sự nhanh nhạy chính xác như một chiếc máy ghi địa chấn, tôi đã hào hứng ghi lại tất cả những cơn chấn động và động đất của thế kỷ hai mươi, do đó đôi khi tôi đã không ghi lại được nhịp đập trái tim mình. Người ta gọi tôi là kẻ tự kỷ trung tâm, thực ra tôi là người chấn tâm. Nhưng những gì tôi viết ra - thậm chí không phải viết về mình - cũng là tôi. Còn những cái tôi viết như chỉ là về mình - đôi khi lại trở nên lớn hơn chỉ là tôi. Ðiều đó giống như bảng điện tâm đồ kép - của tôi và của thế kỷ hai mươi". Nhà văn Brazil Jorge Amado có cuốn "Hải trình ven bờ" ("Navigation de cabotage") phác thảo những hồi ức không bao giờ viết ra, nói không viết nhưng phác thảo cũng đã là viết, mà không viết không được, những người những việc khắp thế giới ông đã gặp đã trải trên những nẻo đường văn chương của thế kỷ đòi phải được ghi lại, dù là dưới dạng những mảnh vụn hồi ức, góp thêm một lời cắt nghĩa cuộc sống thế kỷ đầy biến động xáo trộn này. Ví như hồi ức của ông về cảnh tại nhà Ilya Erenbua ở Moskva đang trong bữa tiệc chào đón mình Quách Mạt Nhược đã điềm nhiên đặt cả hai tay lên bộ ngực hở của Valentina vợ K. Simonov trước mặt mọi người. "Tôi là con người và không cái gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi", "gửi em thế kỷ chúng ta niềm vui nỗi khổ đều qua vội vàng", câu đầu là một châm ngôn câu sau là một câu thơ tôi cũng chẳng nhớ hai câu của ai lúc nào chợt hiện về trong đầu lúc này thấy hợp cảnh hợp sách hợp người. Chiều chiều (và trước đó Cát bụi chân ai) vậy là nằm trong cùng một dòng chảy đặc biệt của văn chương thế giới thế kỷ, "không nỗi đau nào riêng của ai". Người già nhà văn già viết chuyện đời mình dụng công lắm mà cứ như không như bỡn, một tiếng gọi nghé trên đồng đủ để xâu chuỗi liên kết mọi chuyện kể trên gần sáu trăm trang sách tưởng như rời rạc lan man không đầu không cuối, "tôi lại về xóm Ðồng", con nghé bông nghé hoa ngày nọ ông khách hỏi mua nhà ta chẳng bán ông khách hỏi hoạn nhà ta chẳng cho đã qua thuở chơi dưng phải đi cày từ lâu đi cho đến bờ đẽo lại đập rợ vào lưng là vặt bước vào đi cho thẳng đường cày cho ngay đường bừa chân đi tai nghe dạ nhớ lấy chớ đi quàng phải đòn. Tiếng gọi nghe văng vẳng trong cánh đồng, cái tai người già còn thính, nhưng ông đã già, "Bốn phía phẳng lặng đồng không. Chẳng trông thấy ai gọi nghé. Chỉ là tai tôi phảng phất tưởng nhớ mà thôi". Kìa bóng ai như bóng người đang quảy gánh đi trên đường làng nhặt phân. Ðã qua đi rồi tuổi thơ, giọng hát khàn của ca sĩ trẻ đang ăn khách Phương Thanh tràn lan trên trang sách nhà văn bát thập Tô Hoài tôi đang đọc. Và câu thơ Huy Cận thuở hoa niên vọng lên trong một nét nhạc trầm của người cùng hội cùng thuyền đâu xa nắng chia nửa bãi chiều rồi. Và khúc ngâm đùa chơi của chàng lãng tử cố đô Hoàng Phủ Ngọc Tường đùa  thôi nhé thiên đường mộng ảo thế giới vỡ tan ngoài chân mây cầm giấc mơ xanh vàng tím đỏ ngoảnh lại nhìn - nấm mọc đầy tay. Chàng Giang Châu Tư Mã áo xanh và nàng ca kỹ tay đàn che nửa mặt hoa trên bến Tầm Dương đêm ấy cùng là một kiếp bên trời lận đận. Ðọc Tô Hoài thấy ra nhiều liên tưởng lắm. Ðó là sách Văn cũng là sách Ðời.

    Tôi mong được sống nhiều những chiều chiều trong văn học.

Hà Nội
 những ngày đẹp thu '1999