Phạm Xuân Nguyên

Người lính chưa ra khỏi rừng1




Chân lý của buổi rạng đông
(Thư gửi già Hêm - Ernest Hemingway)
 

 Thoáng chốc đã trăm năm trôi vèo, già Hêm ơi, từ cái năm 1899 cuối thế kỷ trước đến cái năm 1999 cuối thế kỷ và cuối thiên niên kỷ này. “Trăm năm trong cõi người ta”, thi hào Nguyễn Du của người Việt chúng tôi mất trước khi già ra đời ngót tám mươi năm đã khái quát một câu mở đầu như vậy khi ngồi chiêm nghiệm tính sổ đoạn trường của một đời người trải qua một cuộc bể dâu “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Cụ Nguyễn cũng lại thấy “trăm năm thì ngắn một ngày dài ghê”. Già có thấy vậy không? Một đời người của già trải một cuộc nội chiến, hai cuộc Thế chiến, tấm thân quăng quật đã nhiều nơi, ngấm cảnh đời đã nhiều, ngẫm sự đời đã lắm, đã gióng hồi “chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls, 1940), đã nói lời “giã từ vũ khí” ( A Farewell to Arms, 1929), đã hồ nghi tự hỏi “có và không có” (To Have and Have Not, 1937), đã tin tưởng “mặt trời vẫn mọc” (The Sun Also Rises, 1926), đã muốn tìm về “bên kia sông dưới những hàng cây” (Across the River and into the Trees, 1950), đã buồn thế giới “đàn ông thiếu đàn bà” (Men Without Women, 1927), đã nản kết cục “kẻ thắng không được gì” (Winner Take Nothing, 1933), đã có lúc tuyệt vọng ‘chết trong chiều” (Death in the Afternoon, 1932), đã có khi hiên ngang “ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea, 1952), một đời ấy cuối cùng tự tìm lấy cái chết cho mình bằng một phát đạn do tay mình bắn vào đầu mình, ôi cái tháng bảy nghiệt ngã, già sinh tháng ấy và tử cũng vào tháng ấy. Mà có căn nghiệp hay không (như người đông phương chúng tôi thường tin), ông bố của già - một thầy thuốc, một tay săn bắn và đi câu, cũng đã tự kết thúc đời mình, khi ấy già đang là một thanh niên “tam thập nhi”. Thôi, để cái chuyện huyết thống di truyền lại cho các nhà tự nhiên khoa học. Hậu thế chỉ quan tâm: cái chết của già Hêm là vì sao?
 Mừng sinh nhật bách niên của cha, con trai thứ hai của già - ông lão Patric năm nay 71 tuổi - đã cho ra đời cuốn sách nhan đề “Chân lý của buổi rạng đông”. Ðó là phân nửa bản thảo tập bút ký viết về cuộc đi săn ở châu Phi lần hai, nhưng viết đã được gần 800 trang thì già bất ngờ bỏ dở. Báo Der Spiegel (Ðức) trong bài điểm  cuốn sách này viết (tôi dẫn lại theo bản tiếng Nga): “Có thể ông ý thức được rằng tác phẩm của ông chỉ là sự lặp lại câu chuyện về chuyến đi lần trước đến những chỗ mà ông đã mô tả trong cuốn “Những quả đồi xanh châu Phi”. Cũng có thể ông cảm thấy không thể tìm lại được nữa phong cách của mình và một giọng điệu mới”. Chắc già ưng lập luận giải thích đó. Người tự chết là người tuyệt vọng lớn lao, do đó, là người có sức mạnh lớn lao, và họ muốn giữ một phẩm giá, ít nhất là cho mình. Người thường đã vậy, nhà văn càng vậy, huống chi lại là một con người và một nhà văn như già Hêm. Chỉ ngòi bút đã hết hứng viết mới bắt nổi Hemingway tìm đến cái chết. Ðời văn khi văn đã hết thì đời không còn lý do tồn tại. Ông con của già đặt tên cuốn sách di cảo của cha mình như thế là có ý lắm, thâm thúy đấy. Buổi rạng đông sáng ngày 2.7.1961 ấy già nâng khẩu súng lên bắn vào đầu mình thì dường như là để chứng nghiệm cái điều cổ nhân đông phương nói ‘sinh ư nghiệp tử ư nghiệp”. Già Hêm già từ cõi thế, rời khỏi văn đàn như vậy đấy, vào lúc rạng đông, bằng một tiếng nổ trong thinh không. Trước đó đã hai lần già tìm cách chết: một lần từ trong máy bay trực thăng nhảy ra, một lần lao mình vào cánh quạt đang quay. Sự bất quá tam, lần thứ ba già đã thành công, cái chết đã phải thua ý chí của già.
 Nhưng (ôi cái chữ “nhưng” đáng nguyền rủa, song le ngôn ngữ không có lỗi, chỉ mong già thứ lỗi cho kẻ hậu sinh) có chăng trong cái chết của già một sự làm dáng tô điểm cho mình, một vẻ anh hùng già luôn muốn tạo ra, và thật sự già đã tạo ra được một truyền thuyết, một hình ảnh về chính mình. Hễ nói về già Hêm là người ta không thể không nói đến điều này. Cả trong từ điển cũng vậy. Mục từ Hemingway (tr.1427-1429) trong Le Nouveau Dictionnaire des Auteurs (lần in mới cập nhật 1994, Paul de Roux chủ biên) viết ngay vào đầu: “Có truyền thuyết Hemingway cũng như có truyền thuyết Fitzgerald, và trong cả hai trường hợp, truyền thuyết gần như dựa hoàn toàn trên sự thay thế tác giả vào tác phẩm . Nhưng người ta thấy rõ trường hợp đầu từ khi bản thân tác giả đã khóa hẳn nó lại bằng vụ tự sát của ông. Cần phải nói rằng truyền thuyết này, chính Hemingway, nếu không phải người tạo ra thì cũng là người luôn luôn nuôi dưỡng nó, ít nhất là một cách khách quan, cố làm cho cuộc đời ông dường như hoàn toàn phù hợp với nó”. Trong bài viết của tờ báo Ðức về cuốn sách của già do con trai già biên soạn nêu trên có đoạn: “Ðối với Hemingway hình ảnh riêng của mình bao giờ cũng rất quan trọng. Trong cuốn sách này ông vẫn cố tỏ ra trung thành với hình ảnh đã được tạo nên qua các tác phẩm đầu tiên của ông. Ông già Hemingway là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên đạt thành công trong việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khuếch trương được không chỉ các cuốn sách của mình, mà cả bản thân mình nữa. Ông đã bóc lột công chúng của mình lâu đến nỗi rốt cuộc ông trở nên nổi tiếng hơn cả các tác phẩm của mình”. “Bóc lột”, già nghe cái từ ấy được không? Cho đến nay tại Mỹ, trên những hòn đảo cạnh Florida - nơi già có sống mấy năm, người ta vẫn tổ chức các cuộc thi tìm người có ngoại hình giống nhà văn Hemingway nhất, già thấy thế là vui hay buồn. Ngẫm ra sự bất tử của tác phẩm quan trọng và lớn lao hơn sự bất tử của nhà văn viết ra chúng, “người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ”, một nhà thơ Việt Nam đã rút ra được bài học này khi về thăm quê Nguyễn Du. Nói theo lời lẽ thông tục của bình dân nước Việt chúng tôi tận cuối thế kỷ hai mươi này thì sự chăm sóc quá đáng của già về hình ảnh của mình như vậy là “hơi bị đánh bóng” mình đấy, là “ăn hơi dầy” đấy, già Hêm ạ. Nhưng cái chết khỏa lấp tất cả và đặt lại các giá trị. Biết chết cũng khó như biết sống, nhất là với những người nổi tiếng. Gần chín mươi năm sau ngày sinh và gần ba mươi năm sau ngày mất của già có một nhà văn đã buộc tội và giải tội cho già quanh cái chuyện bất tử hay không bất tử này. Nhà văn đó gốc Czech sống ở Pháp tên gọi Milan Kundera kém già đúng ba chục tuổi  hiện còn sống và viết rất hay. Trong cuốn tiểu thuyết “Sự bất tử” (L’Immortalité, 1988) Milan Kundera đã để cho Ernest Hemingway và Johann Wolfgang von Goethe gặp nhau ở thế giới bên kia, cùng nhau đi dạo và luận bàn về hình ảnh của mình để lại cho hậu thế. Nếu già và cụ Goethe đã đọc tác phẩm này rồi chắc cả hai phải cám ơn ông tác giả lắm lắm. Tôi có may mắn chuyển ngữ cuốn này ra tiếng Việt, đã đăng tạp chí sắp in thành sách, tôi xin trích một đoạn đối thoại giữa hai nhà văn sinh cách nhau tròn thế kỷ rưỡi nói qua miệng một nhà văn cuối thế kỷ hai mươi về một chuyện không riêng gì của già đâu, già Hêm ạ, mà chung cho cả giới văn chương nghệ thuật.
 “Tôi hoàn toàn không chống lại việc để những cuốn sách của tôi thành bất tử. Tôi đã viết chúng theo cách để không ai có thể bỏ đi một chữ nào trong đó. Ðể chúng tồn tại dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng bản thân tôi, với tư cách là một con người, là Ernest Hemingway, tôi muốn phỉ nhổ vào sự bất tử”.
 “Tôi rất hiểu anh, Ernest ạ. Nhưng đáng ra anh phải thận trọng hơn khi còn sống. Bây giờ thì đã muộn rồi!”.
 “Thận trọng hơn ư? Anh ám chỉ thói huênh hoang của tôi phải không? Phải, khi còn trẻ tôi thích huênh hoang ghê lắm, thích phô trương trước mặt mọi người. Nhưng xin anh hãy tin, tôi không phải là một con quái vật để những khi đó lại nghĩ về sự bất tử! Một lần, khi chợt hiểu ra chuyện đó, tôi hoảng cả người. Từ đấy tôi đã hàng ngàn lần yêu cầu mọi người đừng chõ mũi vào cuộc đời tôi. Nhưng tôi càng yêu cầu thì tình hình càng tệ hơn. Ðể khuất mặt họ tôi phải chuyển sang sống ở Cu Ba. Khi được giải Nobel, tôi từ chối đến Stockholm nhận giải. Tôi đang nói với anh là tôi muốn phỉ nhổ vào sự bất tử, và tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng: khi lần đầu biết cái sự đó đang vây bọc tôi, tôi đã khiếp sợ hơn cả khi nghĩ về cái chết. Con người có thể chấm dứt cuộc đời. Nhưng không thể chấm dứt sự bất tử. Chỉ cần sự bất tử đặt anh lên tàu, thế là anh đã không thể rời khỏi nó, thậm chí nếu có tự bắn vào mình thì anh vẫn phải nằm lại trên boong tàu cùng với sự tự sát của mình, và đó là một cơn ác mộng, Johann ạ, một cơn ác mộng thật sự. Tôi nằm chết trên boong tàu, nhìn thấy vây quanh mình là bốn bà vợ, họ ngồi xổm và bốn người như một viết lại những điều họ biết về tôi, phía sau họ là con trai tôi cũng viết, cả con mụ yêu tinh Gertrude Stein cũng có mặt ở đấy và viết, rồi tất cả bạn bè của tôi cũng xúm lại kể to lên mọi chuyện đồn đại về tôi mà họ từng được nghe, từ đấy hàng trăm nhà báo cầm máy ghi âm chen chúc nhau để ghi lại, rồi hàng loạt giáo sư đại học khắp nước Mỹ đem đống tài liệu đó ra phân loại, nghiên cứu, phát triển thành hàng trăm bài báo, cuốn sách”.
 Già chắc chưa yên được đâu, già Hêm. Nhà tiểu thuyết ấy còn thử thách già chán đã. Ông ta để cho Goethe luận với già về cái chết: “Những sự bận tâm lo lắng để tô vẽ cho hình ảnh của chính mình là sự non nớt bất hạnh của con người. Thật khó mà dửng dưng với hình ảnh riêng của mình! Thái độ dửng dưng như thế vượt quá sức con người. Con người có được thái độ đó chỉ sau khi chết đi. Mà cũng không phải lập tức có được. Phải qua một thời gian dài sau khi chết. Anh chưa đến được điều đó đâu. Anh còn phải đợi ít nhất là hai ba chục năm nữa trước khi anh hoàn toàn ý thức được rằng con người là phải chết và từ đó biết rút ra những kết luận cần thiết. Sớm hơn chưa được gì cả đâu. Làm người phải chết là kinh nghiệm sơ đẳng nhất của loài người, nhưng vậy mà con người không bao giờ có khả năng chấp nhận nó, hiểu nó và ứng xử phù hợp với nó. Con người không biết cách làm người phải chết. Còn khi chết đi, không biết cách thành người đã chết”. Vậy đấy, già Hêm ơi. Hôm nay hội thảo này tại một trường đại học Việt Nam kỷ niệm một trăm năm sinh của già, khắp nơi trên thế giới trong cái năm bản lề vắt sang thiên niên kỷ mới này cũng nhộn nhịp các hoạt động cho già tròn trăm tuổi, không biết người đọc giờ đây biết đến già ở tư cách nào nhiều hơn: Hemingway-nhà văn hay Hemingway-con người. Dẫu sao cuộc sống sau khi chết của già vẫn là điều đáng mong muốn của nhiều nhà văn.
 Người ta kể rằng trong bữa tiệc mừng già được giải thưởng Nobel văn học (1954) có một độc giả lên tiếng hỏi “Thưa ngài Hemingway, trong các tác phẩm của mình ngài thấy cuốn nào được nhất?”. Già lúc đó đang cầm cốc bia chung vui với mọi người đã đáp không ngần ngại: tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ”. Ðám đông người hâm mộ già bất ngờ, ngạc nhiên trước câu trả lời dứt khoát đó. Già có nhầm không đấy? Men bia hay men vinh quang đã làm già ngây ngất đến không nhớ nổi “Phía Tây không có gì lạ” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Ðức Erich Maria Remarque (Mở ngoặc nói nhỏ với già chuyện này: ông Remarque hơn già một tuổi, năm ngoái ông ấy cũng tròn trăm năm, vậy mà chúng tôi quên bẵng mất không ai nhắc nhở kỷ niệm gì cả, mặc dù các tiểu thuyết của Remarque rất được đọc và được trọng ở Việt Nam, ảnh hưởng của ông ấy đối với các cây bút viết về chiến tranh của chúng tôi không nhỏ, thật là chúng tôi đã có lỗi với Remarque, đã ứng xử không đẹp với ông ấy, ở chốn vĩnh hằng nếu hai vị có gặp nhau xin già dẹp bớt chút tự ái cá nhân lại mà nói giùm một lời tạ lỗi Remarque hộ chúng tôi, cám ơn già nhiều, đóng ngoặc, trở lại câu nói của già). Già đùa chăng? Hay già đang trong lúc ở đỉnh cao danh vọng sự nghiệp của mình thấy không cần phải che giấu nữa mối ghen tị bực bội bao lâu nay âm ỉ trong lòng đối với người đồng nghiệp cầm bút ở bên kia Thái Bình Dương? Sao đi nữa thì đó cũng là một lời thú nhận. Xét về số lượng bản in (tirage) và mức độ nổi tiếng thì Phía Tây không có gì lạ vượt xa Giã từ vũ khí. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều nói lên sự vô nghĩa của chiến tranh, phơi bày số phận của “thế hệ mất mát” trải qua chiến tranh thấy đời mình trống rỗng, tan tác. Cụm từ “lost generation” già nghe được từ miệng bà bạn văn Gertrude Stein và hình như lúc đầu già định lấy cụm từ đó đặt tên cho cuốn tiểu thuyết này thì phải. Chính thức tác giả của cụm từ định danh rất sâu sắc và đau đớn cho một thế hệ đó là một ông chủ khách sạn. Gertrude Stein kể: “Ông ta nói rằng mỗi người đàn ông trở thành người văn minh trong khoảng giữa mười tám và hai lăm tuổi. Nếu nó không trải qua kinh nghiệm cần thiết trong độ tuổi đó thì sẽ không thành người văn minh. Những người đàn ông đến tuổi mười tám phải ra trận là đã bỏ qua thời kỳ này và không bao giờ trở thành người văn minh được. Họ là thế hệ mất mát”. Chuyển sang tiếng Việt “lost generation” rất khó dịch, gọi là “thế hệ mất mát”, “thế hệ lầm lạc” hay “thế hệ vất đi” cũng chỉ là tương đối, nhưng hình ảnh của một thế hệ đó đã được già thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm viết về chiến tranh của mình. Già cũng đừng nên ghen với Remark làm gì, cả già cả ông ấy đều để lại dấu ấn sâu đậm trong văn chương thế giới, nhất là văn chương của những xứ sở trải qua chiến tranh như Việt Nam chúng tôi. Lối viết của già, “văn phong Hemingway”, rất gây ấn tượng. Lại vẫn Milan Kundera ca ngợi già “những cuốn sách của ông vừa cúi xuống tận mặt đất vừa bay lên đến vòm trời nghệ thuật”. Ðó là một thứ văn phong đơn giản, rõ ràng, có động thái bên trong, có tính ngầm văn bản, đầy các câu đối thoại “băm nhỏ” của các nhân vật và hầu như hoàn toàn vắng bóng những sự đánh giá của tác giả về cái đang xảy ra và những sự chú giải, bình luận. Già đã nêu lên lý thuyết ‘tảng băng trôi” rất cần thiết và bổ ích cho nghề văn. Văn chương là ẩn ở bề sau bề sâu của mỗi con chữ, phải ghi lại cuộc sống ở không gian bốn chiều chứ không chỉ ba chiều, phải mang lại cho người đọc “tất cả tình cảm, hình tượng và âm thanh”. Trên hết, nghề văn phải khách quan, phải tôn trọng sự thật và phải vì con người. Già đã kiên trì một nguyên tắc: để viết được “thứ văn trung thực giản dị về con người” thì ngoài tài năng ra nhà văn nhất thiết phải có một “lương tâm tuyệt đối bất biến giống như mẫu thước mét đặt ở Paris vậy”. Già Hêm đã sống và viết đúng lương tâm mình. Phát đạn tự chấm dứt cuộc sống của già cũng chính bay ra từ lương tâm ấy. Sau gần bốn chục năm già nằm xuống, mặc mọi chuyện đồn thổi thêu dệt quanh cuộc đời già, Hemingway vẫn là một nhân vật lớn của văn chương thế giới thế kỷ XX. Già đã bất tử rồi đó, sự bất tử chân chính. Hay nói như  M. Kundera, sự bất tử lớn “ký ức về một con người trong ý thức của những ai không quen biết người đó”, khác với sự bất tử nhỏ “ký ức về một con người trong ý thức của những ai biết người đó”.
 Trở lại Gertrude Stein một chút, già Hêm nhé. Tình bạn vui vẻ nhiêu khê rắc rối của già với người phụ nữ hơn mình 25 tuổi này đã góp một phần đáng kể vào văn nghiệp của già, tên tuổi bà ta cũng gắn liền với truyền thuyết về già. Tại salon của người phụ nữ Mỹ sống ở Paris này hồi đầu thế kỷ đã từng có mặt các văn nghệ sĩ lừng danh châu Âu và thế giới như Picasso, Matisse, Picabia…, do đó bà được coi như là người tiên phong khám phá ra chủ nghĩa hiện đại trong văn học. Già xuất hiện ở đó vào tháng Ba 1920, khi ấy chàng Hêm hai mươi mốt tuổi, vừa cưới vợ và đang là một cộng tác viên trẻ nhiều triển vọng của tờ “Toronto Daily Star”, còn Gertrude ở tuổi bốn mươi sáu. Ðọc cuốn tiểu thuyết đầu tay chàng Hêm đưa cho buổi đầu, Gertrude không thích, bà nhận xét “nó có quá nhiều đoạn mô tả mà lại mô tả rất tồi”, tác giả phải viết lại và phải tập trung viết cho ra trò. Thơ của chàng thì bà thích, thấy chúng “thẳng thắn, có vẻ Kipling”. Truyện ngắn của chàng bà cũng thích, trừ truyện “Vùng Michigan chúng tôi” vì nó có các cảnh “sex” lộ liễu quá. Già còn nhớ không, bà ấy khen truyện đó viết tốt, nhưng “đơn giản là inaccrochable, không thể chấp nhận được”, giống như một bức tranh họa sĩ vẽ xong nhưng không thể đem ra bày vì nó khiếm nhã, và không một nhà sưu tập nào dám mua vì không thể treo nó trên tường được. Trong truyện có chi tiết nữ nhân vật than phiền về kích thước “cái ấy” của nam nhân vật, Gertrude cho viết như vậy là tác giả chỉ để thỏa mãn khoái cảm của mình mà quên mất những đòi hỏi của thị hiếu văn học. Sau này trong một lần trò chuyện thân mật Gertrude đã nói thẳng với Hemingway về chuyện đồng tính luyến ái (homosexual mà ở Việt nam gọi là “bêđê” ấy, già ạ). Câu chuyện đã được già ghi lại trong tác phẩm “Hội hè thường xuyên” (A Moveable Feast). Bà bạn của già chê già “quá dốt” trong chuyện này. Theo bà, cánh “bêđê” nữ sống thành cặp hạnh phúc hơn cánh “bêđê” nam, vì chuyện này ở nữ không ghê tởm như ở nam. Cố nhiên, già Hêm, khi đó là chàng Hêm, có quan điểm về chuyện viết cũng như chuyện đời khác với bà Gertrude. Nhưng có những lời khuyên của bà có ích cho chàng. Ví như lối viết cô đúc, rành mạch kiểu báo của chàng đã được hoàn thiện thêm nhờ lời khuyên của bà về việc sử dụng nhịp điệu và thủ pháp điệp trong văn học. Ví như bà khuyên chàng bỏ nghề báo, sống tằn tiện để tập trung vào nghề văn, già còn nhớ những lời của bà ấy chứ, “nếu anh cứ tiếp tục làm báo thì anh sẽ thôi nhìn các sự vật, mà chỉ còn nhìn từ ngữ không thôi, điều đó là không hợp chút nào nếu như anh tất nhiên muốn trở thành một nhà văn”. Ví như bà khuyên chàng phải sắp xếp cuộc sống riêng sao cho nó thúc đẩy được nghiệp văn, đến mức ngay khi có mặt vợ chàng đấy bà vẫn bảo chàng nên dành tiền mua tranh, chớ nên chi phí quá nhiều cho việc may mặc, nhất là sắm đồ cho vợ. Cô vợ trẻ của chàng, tôi nhớ là Hadly già nhỉ, nghe thế rồi nhìn lại bà Gertrude ăn mặc lụng thụng, rất lấy làm lo lắng. Cái mặc đối với bà ấy chỉ cần tiện lợi và bền chắc là được, nói như người Việt chúng tôi là bà ấy thuộc loại người ‘ăn chắc mặc bền”. Dẫu sao lời khuyên nhịn mặc để mua tranh cũng là một ý hay, già có nghe theo ý của Gertrude hay không tôi không được biết, nhưng tôi nghĩ việc đó cũng là cần thiết cho các nhà văn nói chung. Còn với bà bạn văn của mình, Hemingway năm 1933 đã bắt đầu đoạn tuyệt quan hệ vì có những mâu thuẫn bất đồng giữa hai người, và cả trong nhóm salon Gertrude, không thể giải quyết. Sau một cuộc tranh cãi kéo dài, cuối cùng Gertrude nói :”Hemingway này, anh có đến chín mươi phần trăm là một kẻ nhỏ nhen hẹp hòi”. - “Có thể hạ xuống tám mươi phần trăm được không?” -  Hemingway hỏi lại. - “Không, không thể được” - Gertrude đáp. Ðộc mồm độc miệng hơn nữa, bà ấy so sánh già với một họa sĩ và nhận xét cả hai người: “Ðang còn hiện tại mà đã bốc mùi bảo tàng”. Chắc hồi đó chàng Hêm “cú” lắm khi phải nghe những lời như vậy. Bây nhớ có nhớ lại quãng đời Paris đó già chắc cũng vẫn buồn vui lẫn lộn. Mà năm 1964 khi cuốn sách “Hội hè thường xuyên” già viết về chuyện của hai người được xuất bản thì cả già cả bà ấy đã không còn nữa. Mọi chuyện bực bội sẽ trôi đi theo thời gian. Cái  chính là Gertrude đã đóng một vai trò khá quan trọng trong văn nghiệp Hemingway. Vả chăng ngay cả khi không thích già nữa bà ấy vẫn thú nhận là có phần “yếu đuối” đối với già. Thôi thì đàn ông cánh mình phải nên rộng lượng với những thói thất thường của đám các cô các bà, nhất đó lại là các nữ văn sĩ, già Hêm ạ.
 Năm 1972 giữa những ngày chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt ở nước chúng tôi, nhà thơ xô viết Evgheni Evtushenko sang thăm đã ngạc nhiên cảm phục thấy dưới đạn bom người Việt Nam vẫn dịch và đọc Hemingway. Và Evtushenko đã viết bài thơ nhan đề “Hemingway ở Việt Nam” như một lời tâm sự, một thông điệp gửi tới già nói riêng, gửi tới các nhà văn thiết tha yêu hòa bình, yêu con người, yêu cuộc sống trên khắp hoàn cầu nói chung. Già hãy nghe điều tâm niệm của nhà thơ xô viết nói với già nhé:

 Tôi đâu có đủ quyền xét đoán công tâm
   khi Anh sống, cũng như khi Anh chết,
 Nhưng có một điều, khi tới đây, tôi biết
   rằng Anh không đi chệch hướng bao giờ.
 Ðối với nhà văn
   Không chịu bán mình
 Thì tự bắn vào đầu
   Cũng không là tự tử!
 Tự tử, đối với đời nghệ sĩ
   Là giữ mình không trong sạch vẹn toàn,
 Ðã chịu bán tài năng
   thì đắt, rẻ, mặc lòng
 Ðều từ đó hóa thành vô sỉ.
 Tự tử, đối với đời nghệ sĩ
 Ðâu phải viên đạn chì, hay một nút dây thừng,
 Bao kẻ sống phây phây, mặt mũi đỏ bừng
 Nhai thịt gà, uống rượu vang ừng ực,
 Nhưng khi ngồi vào bàn viết
 Thì té ra: họ tự tử lâu rồi!
 …Anh là người trung thực nhất đời
 Từ trận đánh trở về, mang nỗi đau cháy bỏng
 Anh lên đạn khẩu Willcheste cổ lỗ
 Chỉ bắn nỗi đau kia
   đâu bắn tấm lòng mình?
  (Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Bằng Việt)

 Bắn nỗi đau đâu bắn tấm lòng! Nhưng nỗi đau còn đó, già nằm xuống không nguôi được, những lớp người sau không nguôi được. Già sinh trước thế kỷ này một năm và đã sống hơn nửa thế kỷ một cuộc đời dữ dội, mạnh mẽ. Những cơn chấn động của thế kỷ, nửa trước già đã mang, nửa sau chúng tôi mang, tất cả gộp vào hành trang kinh nghiệm của nhân loại trên hành trình dằng dặc khổ ải đi tìm chính mình. Chuông nguyện hồn ai? John Don hỏi, Hemingway hỏi, mỗi người hỏi, nhân loại hỏi. Chuông nguyện hồn anh đấy! Và phát đạn vang lên.
 Chân lý của buổi rạng đông ở trong tiếng nổ ấy, phải không già Hêm?
 

Hà Nội X.1999
Phạm Xuân Nguyên