Phạm Xuân Nguyên

Văn học Việt Nam: nỗi buồn tiểu thuyết

 

 




Đó là thực trạng văn học Việt Nam hai năm đầu thế kỷ 21.
Trong bài nhìn lại văn học năm 2001 (Tạp chí Sinh viên Việt Nam, số tết Nhâm Ngọ), khi viết về kết quả cuộc thi tiểu thuyết (1998 - 2000) của Hội Nhà Văn Việt Nam, tôi có dẫn ra một đoạn trong báo cáo của Hội đồng chung khảo (do nhà văn Nguyễn Trí Huân phó tổng thư ký hội trình bày) như sau: "Còn rất vắng bóng tiểu thuyết viết về cuộc sống đương đại. Càng thưa vắng hơn các tác giả trẻ, ở các độ tuổi 30, 40 trong đội ngũ các cây bút tham gia cuộc thi. Vì sao thế? Vì còn chưa đủ độ từng trải, sự tích lũy, sự kết tinh, độ lùi? Còn mải mê với các thể loại ngắn? Còn rụt rè, dè dặt, thiếu tự tin? Hay còn đang e ngại về một sự cách tân không được đón nhận, do sự thiếu cởi mở, không thỏa đáng của người đọc, sự giám định?" (Báo Văn Nghệ số 37, 15/9/2001). Tôi cho đó là một nhận định sát thực tế, nhưng không dũng cảm. Bởi vì tuy thưa vắng, nhưng cuộc thi ấy đã có một tiểu thuyết viết về đề tài đương đại ("Cơ hội của Chúa") của một tác giả trẻ (Nguyễn Việt Hà) được tìm đọc và tranh cãi. Đó là tác phẩm có tìm tòi về nghệ thuật tiểu thuyết, và có cách nhìn tiểu thuyết đối với cuộc sống và con người được phản ánh. Trao giải hay không là quyền nhận định và đánh giá của ban chung khảo, nhưng trong báo cáo tổng kết không nhắc đến nó để thấy một nhân tố mới của nhà văn viết tiểu thuyết nước ta là một điều khó hiểu và khó biện minh của những người tổ chức cuộc thi với mong muốn tạo đà thúc đẩy cho thể loại văn học quan trọng này trong văn học Việt Nam đương đại. (Cũng trong bài viết trên, tôi có nhắc đến một tiểu thuyết dự thi khác rất xứng đáng được giải nhưng đã bị bỏ qua khi chấm và khi tổng kết, nhưng Trong năm 2002, có ba sự kiện liên quan đến tiểu thuyết.


Ngày 14/8, cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống" (199 - 2002) do Bộ Công An và Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức đã tổng kết và trao thưởng. Trong ba tác phẩm được giải loại A có hai tiểu thuyết, trong đó cuốn "Một thế giới không đàn bà" của tác giả Bùi Anh Tấn là tiểu thuyết đầu tiên trong văn học Việt Nam viết về hiện tượng đồng tính luyến ái (homosexsualite). Giá trị tiểu thuyết của các tiểu thuyết được giải cuộc thi này không có gì đáng nói.
Tháng 8, tiểu thuyết "Đi tìm nhân vật" của Tạ Duy Anh (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc) ra đời. Tháng 10, tiểu thuyết "Cõi người rung chuông tận thế" của Hồ Anh Thái (Nhà xuất bản Đà Nẵng) ra đời. Hai tác giả này thuộc loại những nhà văn tiểu thuyết của văn học ta. Cuốn của Tạ Duy Anh là một cuốn khá, đạt đến một tầm cỡ tiểu thuyết nhất định, và nếu chỉ đau đời mà không đau nghề thì khó viết được, nhất là trong mặt bằng thấp của tiểu thuyết Việt Nam hiện nay. Nhưng tiểu thuyết đó đã chưa được có đời sống dư luận văn học của nó, đáng tiếc một cơ hội bị bỏ qua cho tác phẩm và thể loại. Trong trường hợp này không thấy sự lo toan cho tương lai tiểu thuyết nước nhà của HNVVN ở đâu cả. Cuốn của Hồ Anh Thái may mắn hơn cuốn bạn, nó đang đi vào đời sống, đang gây dư luận, vì cái gây chú ý ở nó cũng là sự tìm tòi cách viết.
Tháng 11, Hội Nhà Văn Việt Nam mở một trại sáng tác tiểu thuyết kéo dài hơn một tháng tại Đại Lải, và nhân đó đã có một cuộc hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết". Ông tổng thư ký hội đánh giá cuộc hội thảo là "có hàm lượng văn hóa cao, xới lên nhiều vấn đề về nghiệp, thực trạng và tương lai của tiểu thuyết hết sức sâu sắc" (Tạp chí Nhà Văn, số 12/2002, tr. 52). Nhưng xem cung cách tổ chức hội thảo và đọc 12 tham luận tại đó, tôi mới hiểu vì sao HNV cứ báo động tình trạng tiểu thuyết nước nhà sút kém mà không vực được nó dậy. Những câu hỏi ông phó hội nêu ra mà tôi dẫn ở trên đã được chính hội trả lời ở đây. Không một nhà tiểu thuyết gọi là trẻ nào được mời tham dự hội thảo. Không một nhà phê bình nghiên cứu nào có mặt. Chưa kể, những cuộc hội thảo nghề nghiệp như thế này còn cần phải mời những dịch giả đã có công đưa lại cho văn học nước nhà những tiểu thuyết có giá trị và cách tân của các tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới. Bởi vì, như báo cáo của Trung tâm thông tin văn học của hội đã nhận định: "Nhìn chung, kênh thông tin của nhà văn hẹp. Đây là một hạn chế rất đáng tiếc. Tiếp nhận ít, nghèo nàn về hiểu biết, lại tự thỏa mãn với những chân lý thông lệ, không tiếp cận với những khám phá mới mẻ, đặc biệt về mặt lý luận, tầm nhìn, sức nghĩ cạn hẹp, tất nhiên là ảnh hưởng tới sức sáng tạo" (Tạp chí Nhà Văn, số 3/2002, tr. 156). Các tham luận vẫn thường lắp lại những ý chung chung, nói ở đâu cũng được, nói lúc nào cũng được, chỉ cái cần nói là viết tiểu thuyết thế nào thì được nói ít nhất.


Tuy nhiên ở hội thảo này tôi chú ý hai ý kiến.


Một ý kiến phản lý luận tiểu thuyết cần tranh luận: "Tiểu thuyết đòi hỏi sự trải nghiệm khắt khe và một tâm thức sáng tạo tương đối ổn định trong khi cuộc đời với tư cách là đối tượng phản ánh lại luôn biến động, hết nhọc nhằn bao cấp đến ngổn ngang thị trường, nhiều giá trị chưa xác định" (Chu Lai, tr. 69). Lý luận tiểu thuyết M. Backhtin coi tiểu thuyết là thể loại tiếp xúc với khu vực hiện tại đang diễn ra, chưa định hình, còn nhiều biến đổi, do đó nó phá bỏ khoảng cách sử thi, nó dân chủ trong quan hệ thẩm mỹ với hiện thực, với đối tượng, với độc giả. Lý luận tiểu thuyết của O. Y. Gatset đòi tiểu thuyết phải biệt lập trong thế giới riêng của thể loại, chặt đứt quan hệ với hiện thực, để phản ảnh hiện thực sâu hơn, cao hơn. Những lý thuyết này đã được dịch giới thiệu trên tạp chí Văn học nước ngoài của HNVVN.


Một ý kiến phản cơ chế cần được ủng hộ: "HNV nên làm việc với cấp trên, cho phép nhà xuất bản của HNV có đặc quyền thu nhận toàn bộ những tác phẩm của những người viết mà các nhà xuất bản khác thấy gai góc, "có vấn đề" khó hoặc chưa sử dụng được, những tác phẩm ở dạng thử nghiệm về thi pháp tiểu thuyết, về đề tài phản ánh, về những khu vực lâu nay bị cấm kị. Những tác phẩm này có thể được in dưới dạng nào đó (micro phim, đĩa mềm, hoặc in với số lượng rất hạn chế 100 đến 200 bản) không phát hành, tuyên truyền rộng rãi. Nhưng phải coi như tài sản quốc gia - bởi sản phẩm của nhà văn khi hoàn thành, mặc nhiên không còn là của riêng anh nữa mà là tài sản xã hội. Biết đâu, chỉ vài năm sau, vài chục năm sau, đây sẽ là những tác phẩm giá trị" (Hoàng Minh Tường, tr. 65). Đề nghị này có thể nghe ra kỳ cục, buồn cười, vì lẽ tự nhiên sáng tác của nhà văn viết ra không vi phạm pháp luật là được tự do xuất bản, phát hành, và chỉ chịu thử thách của thời gian và người đọc thôi. Nhưng đề nghị này là mạnh bạo và nghiêm túc trong hoàn cảnh văn học Việt Nam và rất có tính khả thi.


Và để nỗi buồn tiểu thuyết Việt Nam không triền miên kéo dài năm này qua năm khác, hết hội thảo này đến hội thảo khác, mà không có triển vọng khá lên, trong khi nhà văn Việt Nam có những khả năng tiểu thuyết thực sự, nhất là lớp mới và lớp trẻ, cùng với đề nghị về xuất bản ở trên, tôi thêm một đề nghị về phê bình. Đó là, mỗi khi có một cuốn tiểu thuyết hay, đáng chú ý, có gợi mở về nghề nghiệp, dù của nội hay của ngoại, báo Văn Nghệ nên đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc và đăng tải các ý kiến lên một cách trung thực. Lấy, chẳng hạn, Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Báu vật của đời (Mạc Ngôn), Trống thiếc (G. Grass)... Việc này trong tầm tay của báo và của ông tổng báo cũng là ông tổng hội. Còn nhiều việc phải làm, nhất là về lý luận và nghiên cứu, để khơi thông mạch chảy của tiểu thuyết Việt Nam cho nó dồi dào sức nước để ra được đại dương, nhưng trước hết các cơ quan báo chí xuất bản của HNVVN hẵng cứ làm được vai trò mở cửa đó cho các tác phẩm gọi là tiểu thuyết cái đã.


Vì: "Hội Nhà văn là một tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chữ nghề nghiệp đặt ở vị trí cuối cùng nhưng chính vì nó mà tổ chức của chúng ta được ra đời. Song vai trò nghề nghiệp, vai trò vì nó chúng ta tồn tại, lại mờ nhạt" (Đình Kính, tr. 81).
Nỗi buồn tiểu thuyết của văn học Việt Nam qua cách điều hành của HNVVN, do vậy, quả là... rất tiểu thuyết.
 


Tokyo 3.1.2003