Phạm Xuân Nguyên

Buồn vui văn học năm cuối thế kỷ



     Khép lại cái năm có ba con 9 đứng sau số nghìn, nhìn lại văn học nước nhà, lòng buồn vui lẫn lộn. Văn học một năm như buổi chợ phiên. Cũng ồn ào, tấp nập. Cũng kẻ bán người mua. Cũng hàng đắt hàng rẻ. Cũng của thật của giả. Cũng thứ tươi thứ thiu. Cũng tăng giá hạ giá. Cũng bỏ vốn thu vốn. Cũng tranh giành cãi cọ. Cũng mặc cả đắn đo. Cũng nói thách nói tướng. Cũng người được kẻ mất. Cũng cháy chợ vỡ đình. Phiên chợ đã vãn, năm cùng tháng tận rồi, người coi chợ một năm nhìn, và nghe, và thấy, và ngẫm,  bây giờ đóng cửa chợ, lấy cuốn sổ ghi chép riêng ra đọc. Những dòng ghi học theo cách của Thánh Thán bày ra đây cho khách chợ đọc chơi.

 Sách ra nhiều, đủ các loại sách, đủ các dạng sách, đủ các "tít" sách. Bây giờ chỉ sợ thiếu tiền mua sách, không sợ thiếu sách để mua. Tuyển một người, tuyển nhiều người. Tuyển một năm, tuyển nhiều năm. Tuyển một nước, tuyển nhiều nước. Tuyển khu vực, tuyển thế giới. Giấy tốt, bìa bắt mắt, trình bày dễ coi, nhìn cuốn nào cũng thấy có vẻ mời chào. Sách nhiều nên cũng thêm nhiều nhà sách (ai đặt cái tên "nhà sách" nghe đúng và hay hơn nhiều những cái tên "hiệu sách", "cửa hàng sách", khách vào nhà sách tha hồ tự mình thoải mái lựa chọn). Các nhà sách đua nhau lớn diện tích, đẹp trang trí, tiện địa điểm. Quả là thế giới sách, nói không ngoa. Những năm trước đã được thế, năm 1999 còn được thế, các năm tới chắc vẫn được thế. Vậy, chẳng cũng sướng sao!

 Sách ra nhiều, nhưng sách đáng là tác phẩm đọc được không nhiều, là tác phẩm hay càng hiếm. Truyện ngắn vẫn là thể loại nổi trội về số lượng mà chất lượng chưa có gì đột biến. Tiểu thuyết và trường ca năm nay chừng như rộ lên nhưng còn chờ lắng lại. Ði giữa rừng sách trong các nhà sách kiếm một cuốn đọc chơi thì dễ, tìm một cuốn đọc thật thì khó. Tìm được rồi, đọc được rồi, mà việc khen chê thế nào cũng không đơn giản. Vậy, chẳng cũng buồn sao!

 Tác phẩm sáng tác "quậy" được không khí xôn xao trong năm là cuốn Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà. Một tác giả mới toe, dù không phải lần đầu xuất hiện. Cuốn tiểu thuyết hơn bốn trăm trang, bằng nội dung và cách viết của nó, đã khiến được độc giả không thể thờ ơ, đã kéo được giới trong nghề phải lên tiếng tranh cãi, đã không bị rơi vào sự im lặng tẻ vắng của bao cuốn sách khác. Vậy, chẳng cũng sướng sao!

 Cuộc tranh cãi quanh Cơ hội của Chúa, vẫn như bao lần, thường nhanh chóng bị chuyển từ văn chương sang thái độ, do một lối đọc văn như đọc vấn đề. Tác phẩm, ở phía bị phê phán, hiện ra như một bức tranh ảm đạm, bi quan về thực tại cuộc sống. Nhân vật hóa thành tác giả từ hành vi đến phát ngôn, từ chuyện quen xài rượu tây đến chuyện hay sính tiếng tây. To chuyện đến mức cả người và sách, cả người viết sách và người in sách, khéo mà bị mất cơ hội. Vậy, chẳng cũng buồn sao!

 May, tác phẩm có giá trị của nó. Những nhân vật trẻ trong đó là người của hôm nay. Tác giả là người của hôm nay. Họ nhìn cuộc sống bằng con mắt thế hệ mình, bằng con mắt hôm nay. Cách nhìn có thể khác, cái nhìn không khác. Do đó họ buồn bực nhưng không chán nản, đau khổ vẫn ham sống. Cuộc sống đang thử thách họ và họ đang đi tìm chính mình. Ðôi bạn trong tác phẩm là một mẫu mực hiếm có của tình bạn, rất hiện đại và rất nhân bản, một sáng tạo của người viết. Cách viết của tác phẩm linh hoạt, tự nhiên, có tính tiểu thuyết. Ðối với một tác giả mới, ở tác phẩm dài hơi đầu tiên, níu kéo được người đọc đến với mình, hẳn anh ta có một cái gì đó. Vậy, chẳng cũng sướng sao!

 Cố nhiên, "cái gì đó" có ở Nguyễn Việt Hà chưa chắc chắn, chưa ổn định. Anh sẽ phải sớm biết mình biết người sau thử thách đầu tiên này trên trường văn trận bút. Phê bình ở cái chợ văn chương xứ ta có vẻ thạo "đòn hội chợ". Quy kết, chụp mũ là hai cái đòn gánh thường sẵn sàng được giơ lên đánh đòn. Dân chợ ồn ào xúm lại xem cho rõ binh tình thì sự đã rồi. Trong cảnh lao xao đó, ai nghe được tiếng người điềm đạm nói rõ cái đúng sai, hay dở. Có một bài viết dài, tỉ mỉ, sâu sắc, vừa bám chắc văn bản tác phẩm vừa khái quát nâng cao lý luận, phân tích đúng và hay chỗ được chỗ chưa được của Cơ hội của Chúa, tiếc nó không được cơ xuất hiện. Bài đó in ra nhiều người sẽ vỡ lẽ: à ra phê bình văn học là thế. Vậy, chẳng cũng buồn sao!

 Phê bình là thế, nhưng ít người biết thế. Bởi vậy, tập sách Chân dung và đối thoại của Trần Ðăng Khoa đã gây tranh cãi trong giới ở chỗ thế nào là phê bình văn học. Nhà thơ "trẻ" đã ở bên kia ngưỡng "tứ thập nhi bất hoặc" viết chân dung các đồng nghiệp, đối thoại với các đồng nghiệp, tựu trung là nói chuyện văn chương, mà cũng là chuyện cuộc đời, chuyện thế thái nhân tình. Một lối viết tung tẩy, sinh động, có giọng riêng. Một cách nhìn chủ động, mạnh dạn về khá nhiều tác giả, tác phẩm đã ổn định, đã có vị trí. Cuốn sách đọc gây thích thú và khó chịu. Ðộc giả đổ xô nhau tìm mua, và đọc, và cười. Nhà xuất bản nối vòng quay in lại nhiều lần. In cả riêng một tập những bài viết quanh cuốn này. Xét về sự bán chạy của sách văn học, lại là sách phê bình, thì Chân dung và đối thoại quả là một hiện tượng. Vậy, chẳng cũng vui sao!

 Tập sách của Trần Ðăng Khoa là sự cảm nhận văn chương của một người sáng tác - một nhà thơ. Anh có cách thẩm thấu giá trị văn thơ của mình. Anh khá rành các chuyện bếp núc trong nghề. Anh có quan hệ gần gũi thân tình đến suồng sã với những đối tượng được khen chê. Anh có uy tín của một tài năng. Anh có một chỗ lập ngôn được bảo đảm. Ðó là những cái đã làm nên Trần Ðăng Khoa từ lâu nay trong thơ, giờ đây hiệu lực của nó vẫn còn khi anh chuyển sang cái viết ngoài thơ. Thành công của tập sách là nhờ vậy. Nhưng để tạo thành giá trị phê bình văn học thì thế vẫn chưa đủ. Viết phê bình cần kiến thức, cần lập luận và cần nhận định. Anh đưa ra nhiều nhận định, có những điều rất bạo, nhưng lập luận chưa chắc và kiến thức chưa đủ, khiến cho những nhận định còn lung lay và khập khiễng. Một số nhà phê bình không thích kiểu Trần Ðăng Khoa cứ nói vống lên, nói tung ra mà không chứng minh gì cả. Một số nhà sáng tác lại khen anh vượt lên mọi phê bình đã có, mở ra một phê bình mới, tập sách của anh là đích thực phê bình văn học. Lại có người bừng bừng nộ khí vu cho anh theo vết "phủ nhận", "lật đổ" ở đâu đó. Mọi chuyện đơn giản thôi, những bài viết của Trần Ðăng Khoa đậm chất dân dã, ít tính hàn lâm. Anh cứ lối anh đi. Và giới phê bình cứ theo nghiệp chuyên mà làm. Vậy, chẳng cũng buồn sao!

  Các nhà thơ, té ra, lại là những người lắm lời. Người cãi nhau nhiều nhất trong năm, có lẽ, vẫn là nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Cãi, đến như lu loa (bài trên Thế giới mới). Cãi, đến thành ra tự mâu thuẫn (bài trên Tri thức trẻ). Cãi trên mọi phương diện, mọi vấn đề, với mọi nhà. Cãi, đến nhàm tai chán miệng. Cãi, đến không còn ai cãi lại. Cãi, như không thể cãi. Cố nhiên, được cãi và cãi được là hai chuyện khác nhau. Cổ nhân bảo: nói phải có người nghe. Lại bảo: nói phải củ cải cũng nghe. Thơ ông đọc vẫn được, mà những bài ông viết đọc khó vô. Cái tâm chăng? Cái tài chăng? Giờ đây thấy vắng tiếng ông Hảo trên các trang báo mới là chuyện lạ, còn ông vẫn nói là chuyện thường. Vậy, chẳng cũng vui sao!

 Những cuộc thi văn thi thơ năm nào cũng có. Như một hình thức thúc dục viết. Như một cách cầu tài. Như một kiểu phát hành. Dưới góc độ nào mở cuộc thi cũng đều là được. Có thi thì có thưởng. Thưởng thấp hay cao, thưởng đúng hay trật, tùy ở tính chất mỗi cuộc và ban giám khảo mắt xanh hay mắt xám. Người đọc chỉ quan tâm duy nhất một điều: các tác phẩm được thưởng có chất lượng văn học xứng đáng, đích đáng hay không. Ngó qua mấy cuộc thi trong năm hay vắt từ năm trước qua năm nay ở Hội Nhà văn, báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội thấy không khí phẳng lặng, yên bình. Chưa nghe có tiếng "ồ, à" với một tác giả, một tác phẩm dự thi, để giật mình mừng vui. Ðâu như có cuộc đang tính kéo dài thêm thời hạn để chờ, may ra Vậy, chẳng cũng buồn sao!

 Hội Nhà văn, giải thưởng hàng năm, vẫn chưa ban bố. Không khí nghe chừng cũng là so bó đũa chọn cột cờ, mà khéo không cả bó chẳng được một cột. Mà thà cứ thế còn hơn. Thật có thì trao, không có thật thì thôi. Tuy nhiên, nếu mấy năm liền giải toàn cho loại làng nhàng thì cũng nên xét do bởi tại đâu chất lượng văn học không cao lên được. Ðiều này thuộc loại "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng khổ lắm, nói mãi, có biết cho đâu. Các tờ báo chí của Hội cũ nhiều mới ít và chất văn học thì hơi bị thấp. May còn tờ Văn Học Nước Ngoài, nhưng số hội viên thực đọc nó chắc không nhiều, một khi đã chịu đọc thiên hạ thế giới thì ở trong nước người ta sẽ biết e dè thận trọng mỗi khi định lên tiếng "phán" một điều gì về văn chương. Tờ mới Văn Học Việt Nam bằng tiếng Anh mới ra số đầu là ăn của sẵn (những bản dịch đã có), cái không sẵn thì lại sai. Ðưa văn chương nước nhà ra nước ngoài là một việc cực cần thiết, nhưng nếu làm không khéo (cả chọn lựa tác phẩm lẫn dịch thuật) sẽ là lợi bất cập hại. Cách đưa tốt nhất vẫn là nâng cao văn học Việt Nam ngang tầm nhân loại, "hữu xạ tự nhiên hương", bên ngoài sẽ tìm đọc và giới thiệu ta từ chính tiếng ta. Như một số tác giả thời kỳ đổi mới. Vậy, chẳng cũng vui sao?

 Chợ đã vãn, phiên chợ văn năm cuối thế kỷ. Nhìn lại buồn nhiều hơn vui, dẫu kẻ coi chợ trong những ghi chép sơ sài của mình đã cố cân đối vui buồn lẽ này lẽ kia. Thời khắc đang sống là buổi hoàng hôn của một thế kỷ và một thiên niên kỷ. Câu ca ai hát vẳng lên kia "Chiều chiều lại nhớ chiều chiều". Một thế kỷ văn chương quốc ngữ đã hiện đại hóa cơ bản văn học Việt Nam với giai đoạn bản lề then chốt 1932 - 45. Thế kỷ tới mặt hàng cần thiết và đắt giá ở chợ văn hàng năm là sự cập nhật hóa hiện đại. Những người cầm bút Việt Nam đã qua và đang đến phải cùng nỗ lực phá bỏ tính chất "tỉnh lẻ" của văn học nước nhà. Trước thềm một bình minh thế kỷ mới, khép lại cái năm Mèo 1999, kẻ coi chợ xin chào tạm biệt. Hẹn gặp lại ở những chợ phiên văn học sau.

Hà Nội
 những ngày lụt miền Trung