Tưởng niệm giáo sư Tạ Trọng Hiệp


Thụy Khuê: Thưa anh, chắc anh cũng như nhiều người bạn của anh Hiệp, bàng hoàng khi nghe tin anh Hiệp mất?
Ngô Ðức Thọ: Thưa chị, cám ơn chị đã gọi điện thoại cho tôi, báo tin anh Hiệp mất. Mấy hôm nay, trong giới quen biết nhau đã nhắc đến anh Tạ Trọng Hiệp, và tôi biết anh đã vào nằm viện, qua mấy người bạn Pháp hiện đang công tác với chúng tôi cho biết. Và tôi có người bạn, công tác bên bưu điện, biết rằng tôi rất thân với anh Hiệp, cho nên trước khi đi Sài Gòn, anh còn quay điện thoại báo cho biết là anh Hiệp ốm rất nặng. Nhưng tôi cũng rất sửng sốt khi biết tin anh mất. Bởi vì, Tết năm nay, đúng ngày mùng 2 Tết, tôi định mời anh Hiệp về nhà ăn Tết với chúng tôi, nhưng lúc bấy giờ anh ấy phải vội về Paris ngay. Trong chuyến sang làm việc này, tôi thấy anh rất vui vẻ và sức khỏe rất tốt. Chúng tôi không bao giờ ngờ đến chuyện anh ra đi hôm nay cả. Tôi rất xúc động. Tôi, vợ tôi và cả gia đình đều biết anh Hiệp.

Về trong nước thi ai cũng gọi anh Hiệp bằng anh hết, không nghĩ đến tuổi tác của anh.
Ngay cả khi anh nằm viện, tôi cũng không nghĩ là nặng. Vì tôi nghĩ, có thể anh chỉ phải mổ một cục nhọt thường, hoặc chữa cái xương sống hay gì đó thôi. Ðầu tiên thì không lưu ý, song về sau nghe tình hình của anh rất nguy, và cuối cùng đến cái tin rất là đau xót này.

Như vậy, năm nay, từ tháng 3 chúng ta đã mất đi bác Hãn, là điều đau đớn cho chúng ta, nhất là trong giới những người làm công tác di sản Hán Nôm như chúng tôi, lại càng đặc biệt quan tâm đến bác Hãn. Nói đến cái mất của anh Hiệp thì mọi người liên hệ ngay đến cái mất của cụ Hãn. Bác Hãn vừa mới ra đi, bây giờ người học trò của bác cũng mất. Chúng tôi rất hiểu là anh Hiệp luôn luôn tự nhận, và anh vinh dự được cái danh hiệu đó, đồng thời anh luôn luôn làm hết sức mình để tỏ ra anh xứng đáng là học trò của bác Hãn. Ðiều đó, tôi thấy rất đúng.
 

TK: Thưa anh, anh quen biết và làm việc với anh Hiệp từ bao giờ? Vì anh và anh Hiệp đều ở mỗi người một nơi?
NÐT: Thưa chị, tôi với anh Hiệp chỉ hoàn toàn quen biết nhau, trước hết là tình nghề nghiệp. Rồi từ nghề nghiệp chúng tôi trở thành tâm giao với nhau trong lĩnh vực công việc.
Tôi cũng phải ôn với chị là lần đầu tiên tôi được gặp anh Hiệp là lúc anh về nước, năm 79. Lần ấy cũng mới sơ giao thôi. Nhưng lần sau, anh về, kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi, chúng tôi thảo luận với nhau được nhiều hơn. Cả hai lần đó và những lần sau nữa, thì mọi người và trong đó có tôi, đều biết là anh Hiệp là một người đi theo con đường lấy sự hiểu biết, học hỏi của mình để tòng sự vào việc nghiên cứu Hán Nôm. Như chị biết, Hán Nôm có nhiều lãnh vực, có văn, có sử, có triết, có địa lý, v.v... Chúng tôi là những người làm công việc đó, thì chúng tôi rất quý anh Hiệp. Quý lắm.

Tôi biết anh Hiệp, thực ra là qua một bài viết của anh ấy trước hết, chứ không phải là qua con người của anh thôi. Tôi xin nói với chị đấy là khoảng thời gian Tập San Khoa Học Xã Hội của anh em bên đó tổ chức cho bác Hãn, có anh Hiệp tham gia rất tích cực; và tập san này có đăng bài của anh Hiệp. Tôi đọc bài này và sau đó tương giao ngay. Ðó là bài anh khảo đính Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn. Và tôi nghĩ rằng trong nước, nhiều người biết bài đó. Riêng tôi, thì đặc biệt là trúng nghề nghiệp của tôi, cho nên bài ấy tôi rất tâm đắc.
Ðiều tâm đắc -chưa nói đến chuyện chữ A chữ B gì trong đó- là đọc xong, tôi nói ngay với anh em lúc bấy giờ, chứ không đợi sau này (tập san đó không phải do anh Hiệp đưa về tặng chúng tôi, mà là qua một người khác, bên Thư Viện Quốc Gia, tôi được đọc). Tôi nói với anh em: Ðây, cụ Hãn nhiều người biết rồi -lúc ấy chúng tôi chưa rõ quan hệ của anh Hiệp cho lắm- nhưng ở Paris xa xôi, có người đang làm cái công việc như thế này đây! Ở trong nước, chúng tôi có bỏ sức làm thì cũng là điều hết sức tự nhiên. Nhưng ở chân trời phương Tây xa xôi, có cái ông này, ông Tạ Trọng Hiệp, người đáng quý của chúng ta đang làm công việc này.
Ðấy là vào năm 79.
 
 

TK: Bây giờ anh Hiệp đã mất, anh nghĩ sao về con đường anh Hiệp đã đi?
NÐT: Nói đến sự nghiệp anh Hiệp, bây giờ anh đã đi rồi, anh là một người bạn, đồng thời cũng là người cùng nghề, thì tôi có một tâm thức rất nhạy về vấn đề này.
Tôi biết rằng những người làm công việc này cũng có cái vinh quang của nó. Có vinh quang, chứ không thì không ai làm. Nhưng đồng thời cũng có cái khổ cực của nó. Mà những người đã làm công việc đó thì hiểu những người cùng đi con đường với mình, cùng chịu đựng như mình. Vì lượm được cái vinh quang thì rất khó, mà ngược lại, cái mệt mỏi, cái lao động, lao tâm, khổ tứ, thậm chí cái sai lầm rất nhiều. Chúng tôi biết ngay đây là những người bạn rất chân thực của mình. Ở đây, anh không thể nào trang sức nói dăm ba câu cho qua, để mọi người cùng tỏ. Ðây không phải chỗ, đây không phải tổ, bởi vì, làm cái nghề khảo chứng, khảo cứu này, chỉ người xem mới biết đấy là tâm huyết, đấy là cả cuộc đời.
Do đó mà tôi, đến bây giờ, tôi vẫn trọng anh Hiệp.

Anh ở bên ấy, anh qua Pháp từ những năm 50, thời lớp trước, anh quen nhiều... Tôi nghĩ rằng nếu anh tìm một vị trí làm việc về kinh tế, về hỏa xa, ... về ngành nào cũng không có gì là khó cả. Rất bình thường và cũng rất tốt. Nhưng anh lại chọn con đường như của bác Hãn. Con đường quý vô cùng, bởi vì chúng ta rất thiếu.

Gần dây thì mọi người đều hiểu rất rõ: Nếu chúng ta chậm một tý về khoa học tự nhiên thì có thể bổ xung được, không người này thì người kia; chưa có người nào phát hiện điện tử này, chắc sẽ nhập kỹ thuật được. Riêng cái di sản văn hoá này, nó không thật cụ thể; nhưng nếu bình diện nó thấp, hiểu biết quá khứ không tốt, thì ảnh hưởng đến nhiều chuyện văn học hiện đại. Ðiều này hiện nay trong nước đã biết rõ, từ anh em làm công tác quản lý, anh em cán bộ, tôi nghĩ là đã hiểu rõ. Duy có hiểu như thế nào và hành như thế nào?
Vì thế chúng tôi rất quý anh Hiệp ở điểm đó. Quý trong tâm. Tuy thời gian tâm giao, anh em làm việc với nhau thực sự không được nhiều, nhưng tâm giao qua bài viết. Lúc sau này, tôi có viết được bài nào nho nhỏ cũng trao đổi với anh. Và tôi biết rằng những ngày cuối cùng của anh -bây giờ tôi mới biết là cuối cùng- anh đã đọc rất say sưa và hứng thú, luận án của tôi về chữ huý, sắp xuất bản.
Ðấy là điều tôi quý anh.

Tôi chỉ tiếc một điểm là cái ý đồ của anh Hiệp trong vấn đề khảo đính Vân Ðài Loại Ngữ, vẫn chưa thực hiện được toàn vẹn. Tôi phải nhắc lại công việc tâm huyết ấy của anh: Anh Hiệp là người đầu tiên phát hiện ra: Có những vấn đề trong Vân Ðài Loại Ngữ cần phải xử lý.
Thực sự với chị là tôi quý anh Hiệp ở chỗ ấy. Quý lắm. Bởi vì, chị biết, trong đó có rất nhiều lời của Lê Quý Ðôn, nhưng cụ còn diễn rất nhiều lời của Tô Ðông Pha, Âu Dương Tu, v.v..., các tác gia Trung Quốc. Vậy thì đến đâu là chấm dứt câu nói của người đó? Ðến đâu bắt đầu lời của Lê Quý Ðôn?
Chúng tôi chỉ nghe một câu là mình à ra một cái! Chết! Cái việc như thế mà mình chưa ai chú ý tới! Việc này nghe nói thì rất đơn giản, bây giờ chỉ việc lấy sách Trung Quốc ra xem lại: Câu nào đến đâu? Của ai? Rồi làm hiệu đính thì dễ thôi. Tất nhiên còn nhiều vấn đề nữa, nhưng cái đó là chủ yếu.
Nhưng việc này phải kiên trì, chịu đựng. Anh rắp tâm làm việc ấy và anh đã làm một số chương rồi. Anh làm được Chương Phẩm Vật vô cùng quý giá kia, đăng ở Tập san Khoa Học Xã Hội rồi. Tiếc rằng, sau này, việc hợp tác -lúc ấy, anh định làm với một hai người nào đấy- không đẩy xa được. Về sau, mấy lần gặp anh tôi hỏi thì việc ấy chưa hoàn thành. Chúng tôi vẫn tiếc với nhau.

Anh Tạ Trọng Hiệp còn tham gia một việc mà mọi người ít nhắc đến anh. Hôm nay, qua chị, tôi phải nhắc lại là suốt từ năm 83 thì phải, cho đến bây giờ, với tư cách một cán bộ khoa học kỹ thuật ở bên Pháp, anh cộng tác với Viện Hán Nôm để soạn thảo quyển catalogue về Hán Nôm ở Việt Nam và cả nước ngoài, anh phụ trách cái mảng Hán Nôm ở nước ngoài.
Ngoài ra, anh phụ trách việc dịch những nội dung thư mục đó ra tiếng Pháp. Ở lãnh vực này, chắc chị cũng hiểu là rất khó. Dịch văn chương ra tiếng Pháp, bình thường thì có thể làm được, chính trị cũng có người làm được. Nhưng dịch một tên sách thì dịch như thế nào? Một tên sách về Phật giáo dịch như thế nào? Sách về đạo giáo dịch thế nào? Tóm lại, sách về văn học thì thậm chí có thể dịch, còn về triết học, về thiền tông, v.v..., về nho giáo thì anh ấy phải là một đầu óc uyên bác nhiều lãnh vực mới có thể làm được.
Ngành thư tịch học thì anh tập kết một cách rất vững vàng. Anh am hiểu những vấn đề của thư tịch Việt Nam, am hiểu những vấn đề của Trung Quốc.
Nhiều người nói với tôi, tôi chưa được trực tiếp xem những việc của anh, anh làm những référence, rồi những tạp chí thư tịch, lấy chiếu thông tin sách Trung Quốc v.v.. dề là tay phải của anh.
Không có một kiến văn như thế thì không thể làm một bộ sách như bộ Di Sản Hán Nôm. Bộ này đã được in rồi, chắc như chị đã thấy. Thì đấy, công của anh Tạ Trọng Hiệp rất lớn mặc dầu cái titre người ta chỉ ghi cho anh với dòng chữ nào đó thôi.
Tôi rất biết ơn anh Tạ Trọng Hiệp trong sự đóng góp của anh vào công trình đó, với viện chúng tôi, mặc dù tôi không phải là cán bộ phụ trách viện, thậm chí tôi không ở trong công trình đó -tôi làm một công trình khác-. Nhưng chúng tôi vẫn trao đổi với nhau. Bởi vì vấn đề học thuật của thư tịch học đã khó, vấn đề thư tịch học cổ lại càng khó hơn nữa.

Gần đây nhất, hiện bây giờ anh đang tham gia công trình mới mà anh cộng tác từ một hai năm nay với Viện Hán Nôm, anh tham gia về phía Pháp đối với Việt Nam, trong chương trình Tổng tập Văn Bia Ký Việt Nam từ thời trước Lý Trần đến giờ. Chương trình này phải nói là vĩ đại, đang mới bắt đầu. Anh Tạ Trọng Hiệp đã cùng với một hai nhà học giả, phía Pháp, cùng tham gia, và người ta rất kỳ vọng ở anh. Bởi vì, tôi thấy, anh chú giải rất cẩn thận những bia mà anh đã khảo chú và gửi cho tôi. Rõ ràng phải rất uyên bác mới có thể xử lý được những vấn đề này. Cụ thể là sáng nay, chúng tôi còn đang làm việc ở Viện -xin lỗi chị tôi nói chỗ này hơi dài, vì tôi muốn cho mọi người thấy rõ công anh Hiệp- có vấn đề như chú thích cái chuông Vân Bản mà hôm nay chúng tôi đang làm. Nếu chị về thăm Hà Nội, chị biết có cái chuông bày ở Viện Bảo Tàng Lịch Sử, mang tên là chuông Vân Bản, phát hiện ở Ðồ Sơn. Hôm nay chúng tôi khảo đính văn bản đó. Anh Hiệp đã gửi cho tôi một cái notice của anh, ghi chú về chuông đó, tôi thấy rất tuyệt. "Nếu xử lý như thế này, thì các anh phải ghi tên anh Tạ Trọng Hiệp", đó là câu tôi nói lúc 9 giờ sáng nay, tại Viện Hán Nôm. Mặc dầu là luận điểm của anh có thể là mười phần, anh đúng được một nửa, nhưng nửa đó là nửa bắt đầu, và về sau này, chúng tôi chỉ cần chỉnh lý lại thì sẽ trở thành một lý thuyết hoàn chỉnh về niên đại. Mọi người đều rất vui vẻ, và trong lúc đó, tôi nói: "Cái này phải ghi tên anh Tạ Trọng Hiệp bởi vì anh Tạ Trọng Hiệp cực kỳ tuyệt vời. Anh ấy dùng ngay chính luận điểm của tôi và anh đã xử lý. Chính tôi cũng không đọc ra chữ đó".

Một người như anh Tạ Trọng Hiệp, sang Pháp từ lâu, nhưng anh nghiên cứu không khác gì chúng tôi. Tâm hồn anh lại rất bình dị. Anh say sưa công việc hết sức. Tìm được một người như thế, say sưa công việc của mình, không dễ. Thật tổn thất. Tổn thất lớn. Bây giờ anh mất, chúng tôi chưa kịp nghĩ tới [sự] mất khả năng của anh. Ngay trước mắt, cụ thể là công trình văn bia đang triển khai giữa Viện Hán Nôm và EFEO(1) của Pháp, tôi nghĩ rằng về phía Pháp cũng thế; bà giáo sư Salmon đang làm việc với chúng tôi, là phu nhân của viện trưởng EFEO hiện nay, cũng có nói là sẽ có khó khăn, và sự ra đi của anh, về phía Pháp, cũng là một tổn thất rất lớn. Vì anh Hiệp là một cộng tác viên rất then chốt của Pháp, cùng hợp tác với Viện Hán Nôm.
Về tình nghĩa anh, Hiệp là một người, đối với chúng tôi, tâm giao. Do đó thân thiết. Thực ra chúng tôi không nhiều thì giờ để giao du, mà anh Hiệp cũng không bao giờ về nước để đi chơi. Nhiều người nói là anh Hiệp về nước là gì gì ... đó. Thật ra, anh về, là anh đến thăm chùa Ðọi, anh đi thăm chùa Sùng, Nghiêm, Diên Khánh, Diên Linh, ... Anh đòi đi Côn Sơn (tôi không hiểu rồi cuối cùng anh đã đi Côn Sơn chưa). Anh đến để khảo bia ký.
Sáng nay, tôi nhắc lại lời của anh, anh bảo: "Ðọc cái bia kia, ngồi ở vị trí này đọc không được." Tôi nói với bà Salmon: "Ông Hiệp bảo phải đứng dậy xem, ở chỗ kia cơ!" Ðứng dậy quả nhiên xem được!
Những nhiệm vụ ấy, chúng tôi quen quá rồi. Nhưng chúng tôi vẫn nhắc lại là để ôn cố với nhau, chứ không phải là một bài học.

Nói thế để chị thấy rằng, anh Hiệp, trong tấm lòng của chúng tôi, những người làm nghề, làm công tác nghiệp vụ di sản văn hoá này, chúng tôi nhắc đến anh luôn luôn. Mặc dầu chúng tôi không có nhiều thì giờ để du lịch. Gặp anh, hay đi đâu, là toàn qua công việc. Anh về đến Hà Nội, là chân ướt chấn ráo anh đi thăm, anh phỏng vấn. Và tôi cũng xin nói với chị rằng: Nhiều giới học giả Hà Nội, các giáo sư đại học tôi quen, các anh em nghiên cứu, đề ca ngợi anh Hiệp ở điểm này, -riêng tôi cũng đã chứng kiến rồi- nghe nói tình hình kinh tế của anh, tất nhiên là ở Pháp anh không phải là người giàu, nhưng anh đã mua sách rất nhiều. Anh mua sách rất nhiều tặng viện chúng tôi. Tôi nhớ năm 1981, 1982, anh tặng viện chúng tôi trước sau mấy lần, mỗi lần hàng tấn sách chứ không phải ít. Tôi xin nói với chị, bây giờ  một cuốn sách là phải mấy chục đô la, hoặc rẻ cũng phải năm, mười đô la, anh tặng cả khối sách, mà những sách đó đều là sách huấn mẫu học, sách từ điển học, những sách rất quý của Trung Quốc mà chúng tôi không mua được. Nghe nói sau này, anh vẫn tiếp tục, mỗi bản sách anh thường mua mấy exemplaire để gửi tặng bạn bè quen, mà toàn là sách Trung Quốc rất hiếm.

Một người rất quý của chúng tôi ở hải ngoại xa xôi như vậy, mà lòng rất giống chúng tôi, tình cảm giống chúng tôi, làm những việc mà chúng tôi rất trân trọng. Hôm nay anh đi xa. Trước hết là chúng ta mất một người bạn thân thiết, sau nữa là mất một nhà khoa học trong lĩnh vực này. Gần đây, tôi có gặp anh em nghiên cứu sinh trẻ của Pháp, nhiều người biết tiếng Anh, sang đây làm luận án docteur, cả người Việt lẫm Pháp, cả các cán bộ khoa học của Pháp, mọi người đều biết tên anh Tạ Trọng Hiệp. Chúng tôi đều nói với họ: Chúng ta biết giáo sư Hoàng Xuân Hãn là một danh tiếng rồi, nhưng còn ông Tạ Trọng Hiệp nữa. Một người như vậy rất hiếm, bởi vì anh đọc Hán Nôm rất giỏi, anh biết cổ văn Trung Quốc và Việt Nam rất vững. Anh lại biết tiếng Pháp rất giỏi. Thêm hai [ngoại] ngữ ấy, cố nhiên là tiếng Việt là tiếng thứ ba, anh cũng lại rất giỏi. Hội được cả ba điều kiện ấy ở Việt Nam đã khó, và [có] một người như vậy, ở bên Pháp, tôi nghĩ, lại càng khó hơn nữa. Ở Pháp có thể có người rất giỏi tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, nhưng lại biết những vấn đề cổ học Việt Nam, hơi khó. Ngược lại, ở Việt Nam mà tìm hai kiến văn về Pháp và hiểu biết về Hán ngữ cổ lại rất khó.

Nhân chị hỏi về anh, đây cũng chỗ bạn bè với nhau, mỗi người có hồi cố riêng, trong giờ phút lâm chung anh Tạ Trọng Hiệp, chúng tôi không được gặp, vậy nhờ chị chuyển lời đến các cháu, con anh Hiệp, đến chị Tạ Trọng Hiệp và bà con anh Hiệp ở Paris.

Về phía Việt Nam, hiện bây giờ có một số người đang quan tâm -mấy người ở cơ quan anh Hiệp bên Pháp, đang cộng tác ở đây, và có mấy nghiên cứu sinh người Pháp- hỏi tôi là có làm lễ truy điệu cho anh hay không? Tôi cũng đang bàng hoàng. Như chị lúc nãy, tôi nghe giọng chị rất xúc động, chị đang khóc, thì tôi cũng đang nói không ra hơi đây. Mấy lời tôi vừa nói, không chuẩn bị trước, xin chị xem lại cho. Ðó là những tình cảm thiêng liêng của tôi đối với anh Hiệp. Vì nghề nghiệp mà chúng tôi quen biết nhau, thân thiết nhau. Và cũng vì nghề nghiệp mà chúng tôi quý nhau.

Những năm tháng anh đã bỏ ra, rất lớn cho văn hoá nước nhà. Có điều cần phải mở ngoặc chú thích ngay là những điều anh đóng góp cho văn hoá Việt Nam tại Pháp, cũng có giá trị như anh ngồi đóng góp tại Hà Nội. Vì bản chất khoa học là quốc tế. Phải nói rõ như vậy. Bởi cái vị thế anh Hiệp có khác một tí, cho nên tôi luôn luôn nói rằng: Hoàn toàn là bây giờ chúng ta phải đề cao anh Hiệp. Anh Hiệp cũng không phải trẻ gì nữa -đây là [lời] tôi nói trước khi biết anh qua đời-, anh không phải trẻ, anh cũng hơn 60 rồi. Tích luỹ của anh, cố nhiên so với bác Hẫn thì anh là học trò thật, nhưng đấy là học trò của bậc đại học giả. Anh hoàn toàn xứng đáng là bậc thầy của bậc thầy nhiều người hiện bây giờ tuy có trọng trách, nhưng họ chưa có một mức thu hoạch, học tập, trau dồi, cái kiến văn như anh Hiệp được. Chúng ta phải rất trân trọng những người như anh. Chúng ta có nhiệm vụ, dù ở trong hay ngoài nước, phải làm cho sự nghiệp họ sống. Và tinh thần họ sống. Người ta hay lẫn lộn, quy chụp các vị trí lắm, chị ạ. Ngay cả vị trí trong nước và vị trí ở nước ngoài. Cũng nhiều vị trí lắm chứ không phải là một. Có người ở vị trí có tư cách độc lập, có thể hoạt động được theo kiểu riêng của mình. Cũng có người như anh Hiệp, tôi biết. Nhưng anh làm như vậy là chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi ở đâu đó có thể làm được như vậy là may lắm, nhưng mà chưa chắc đã làm được như anh. Giữa cái môi trường Paris như thế, anh sống được, lại làm được như vậy quá quý, tuyệt vời.

Bác Hãn là một bậc ở bên trên, rất cao. Anh Hiệp rất gần, và rất thân với chúng tôi.
 

Chú thích:
(1) Ecole Francaise d'Extrême Orient, Trường Viễn Ðông Bác Cổ