Tạ Trọng Hiệp và tập Hải Trình Chí Lược của Phan Huy Chú


Tháng 12 năm 1994, nhà xuất bản Association de l'Archipel tại Paris phát hành tuyển tập thứ 25 của hội, cuốn sách biên khảo song ngữ Pháp-Việt, tựa đề Phan Huy Chú Hải Trình Chí Lược -Récit sommaire d'un voyage en mer 1833- do Phan Huy Lê, Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu. Ðây là một công trình biên khảo nghiêm túc hiếm có, với sự cộng tác Pháp Việt.

Cuốn sách chia làm ba phần. Phần đầu về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Huy Chú. Phần thứ nhì về Nhãn quan phái viên đi Hạ Châu. Và phần thứ ba là bản dịch tập du ký Hải Trình Chí Lược của Phan Huy Chú, với phần chú giải quan trọng.
 

Phan Huy Chú sinh năm 1782, mất năm 1840, là tác giả tập Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, bộ bách khoa toàn thư đầu tiên và có giá trị hàng đầu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí được Phan Huy Chú soạn trong 10 năm, làm nhà trong núi Sài Sơn, đóng cửa tạ khách, từ tuổi 27 đến tuổi 37. Tác phẩm này đã đưa Phan Huy Chú lên vị trí nhà bác học lớn của Việt Nam. Trong phần cuộc đời và sự nghiệp của Phan Huy Chú, không những người đọc được biết về điều kiện làm việc và quan lộ của Phan Huy Chú, với những nét mới chưa được công bố từ trước đến giờ, về tiểu sử của ông, về dòng họ Phan Huy, sự kết hợp với dòng họ Ngô Thì, hai dòng họ có truyền thống văn học lớn vào bậc nhất nước Việt thời ấy.
 

Về phần nhãn quan của phái viên đi Hạ Châu, các dịch giả và soạn giả dẫn giải về bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế và địa lý của các chuyến đi sứ dưới thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ đời Minh Mạng, về vùng Hạ Châu, tức là vùng Nam Dương quần đảo. Vì chuyến đi Âu Châu năm 1840 đã không thành công, các sứ giả không được Paris và Luân Ðôn tiếp kiến, nên triều đình Huế đã phái người đi Hạ Châu để tìm hiểu những hoạt động kinh tế, chính trị và quân sự của Tây phương.
Trong phần dịch Hải Trình Chí Lược, người đọc được biết về nội dung chuyến đi, qua lời tường thuật của học giả Phan Huy Chú. Lộ trình bắt đầu từ Ðà Nẵng, qua Ðèo cả, xuống Mũi Né - Phan Thiết, tới Singapour tức Tân Gia Ba, rồi dọc theo đảo Sumatra tới thủ đô Batavia nằm trên đảo Java. Và người đọc còn được mở rộng tầm nhìn về bối cảnh lịch sử và văn hóa Việt Nam trong sự giao tiếp giữa Việt Nam và các vùng lân cận, ở thế kỷ XIX.
Sau cùng là những địa đồ, tranh ảnh, minh họa được lựa chọn kỹ càng cho cuốn sách. Ðiều mà chúng ta thường thấy rất thiếu trong các công trình nghiên cứu sử địa của Việt Nam từ trước đến giờ.
 

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách giá trị và hiếm hoi này với độc giả. Và giáo sư Tạ Trọng Hiệp, một trong ba soạn giả của cuốn sách, sẽ nói chuyện với chúng ta hôm nay về bối cảnh mở cửa của nhà Nguyễn ra nước ngoài, cách đây hơn 100 năm.

*
*   *


 


Thụy Khuê: Thưa anh Tạ Trọng Hiệp, trong trường hợp nào tập du ký Hải Trình Chí Lược của Phan Huy Chú đã được dịch, chú giải và in thành sách?
Tạ Trọng Hiệp: Tôi cùng với hai bạn đồng nghiệp được may mắn tìm ra một tài liệu mà trong rất nhiều thời gian nghiên cứu đã săn tìm mà không thấy: Trong thời gian hơn một thế kỷ nay, có dấu vết ghi rằng trong chuyến công du cho vua Minh Mạng sang Batavia thì Phan Huy Chú, khi về, có trình lên vua một tập du ký nhan đề là Hải Trình Chí Lược. Từ đó đến nay, không ai có dịp nhìn thấy văn bản tập du ký này. Có thể, vì trong những năm chiến tranh, khó mà xúc tiến việc tìm kiếm. Năm 1962, cụ Trần Văn Giáp, bây giờ đã qua đời rồi, có giới thiệu một bản chép đầy đủ tài liệu đó. Nhưng năm 1962, Việt Nam cũng còn đang rắc rối cho nên không ai chú ý lắm. Tôi có chú ý nhưng không có cách nào để xin một bản chụp tài liệu đó được. Thế rồi hai chục năm sau, nhân chuyến gặp gỡ nhà sử học Phan Huy Lê, bà bạn đồng nghiệp của tôi là Claudine Salmon và tôi có bàn với anh ấy là nếu tìm ra được tài liệu đó, thì ta nên giới thiệu. Ðấy là một lý do thuộc về tư liệu học; tức là không phải hễ muốn có tài liệu là có. Và có những khoảng thời gian mà lịch sử rộng lượng với người nghiên cứu, giúp chúng tôi đến với nó một cách dễ dàng.
Khoảng 1991-1992 chúng tôi được cầm trong tay một bản chụp photocopie bản thảo này, trong đó Phan Huy Chú ghi khá chi tiết thời gian khởi hành từ thủ đô Huế; qua các chặng đường khi đi tàu thủy ở Việt Nam, theo duyên hải miền Trung, tàu hướng phía Ðông Nam, đi tới hai nơi, cái đích cuối cùng là Batavia. Nhưng trước đó ngừng ở Singapour, sau mới đến Batavia.
Tập du kí này để lại cho chúng ta như một cái..., có thể nói là một tập ảnh chụp, theo lối viết croquis, về các sinh hoạt mà một người đến tận nơi nhận xét và ghi chép khi có dịp may mắn đi ra nước ngoài.
 
 

TK: Anh làm công việc nghiên cứu đã lâu, tại sao lại có sự lựa chọn đưa quyển sách ra lúc này, mà không đưa cuốn sách khác?
TTH: Cuốn sách của chúng tôi được in vào cuối năm 94, đầu năm 95. Tóm tắt có hai điều đáng nói, đó là:
 Ðiều thứ nhất: Cuốn này lâu nay có được giới nghiên cứu biết đến tên, nhưng không ai có hoàn cảnh tìm ra văn bản đầy đủ. Nhờ sự hợp tác với giáo sư Phan Huy Lê ở trong nước, chúng tôi được cái may mắn cầm trong tay bản chụp nguyên bản tập du ký đó; và rất nhanh, chúng tôi đã hợp đồng với nhau cùng dịch, cùng chú giải để giới thiệu cho nhanh một tư liệu mà chúng tôi đánh giá là có giá trị lịch sử khá lớn.
Về mặt thực tế thì bây giờ sách mới ra được vì có sự gặp gỡ giữa ba người cùng nghề Hán Nôm với nhau tức là anh Lê, bà Claudine Salmon và tôi. Mỗi người đưa vào cuốn sách dịch và chú giải này, phần sở trường của mình.
Về tiểu sử, nhân giới thiệu cuốn sách của Phan Huy Chú có lẽ cũng phải đem lại một cái gì phong phú và mới chăng, về thân thế và sự nghiệp Phan Huy Chú. Phần này là phần đóng góp của anh Lê. Anh Lê cũng là dòng giõi của tác giả, và họ Phan Huy bây giờ vẫn còn nhiều người.
Ðiểm thứ nhất  là nội dung cuốn du ký này nói về chuyến đi Singapour và sau đó, miêu tả rất kỹ thủ đô Batavia, lúc đó do người Hòa Lan thống trị. Thì cái phần văn hóa và thông tin lịch sử về Singapour và Batavia, trong ba chúng tôi, người nắm được sâu sắc nhất là bà Claudine Salmon. Bạn đọc sẽ thấy chú giải nhiều khi dài hơn cả nguyên văn. Những chú giải này đem lại nhiều điều rất bổ ích cho bản dịch; đó là phần đóng góp của bà Salmon. Còn tôi, ngoài việc chú giải về địa danh, còn nắm vững và đảm bảo việc đọc văn bản chữ Hán của Phan Huy Chú, tương đối đừng có nhiều sơ hở sai lầm quá buồn cười, để cho các bậc thức giả đọc đến cũng không đến nỗi phải nhức đầu. Ðó là phần đóng góp của tôi. Cả ba chép lại thì ra được tác phẩm với cái bìa xinh xắn như Thụy Khuê biết đấy.
Còn tại sao lại đưa sách ra, vào lúc này? Có thể nói rằng lúc này lịch sử bắt đầu khoan hồng với người nghiên cứu chăng? Có thể một phần do Việt Nam mấy năm nay mở cửa cho nên sự qua lại, hợp tác và xin tài liệu với đồng nghiệp trong nước dễ hơn xưa. Ðó là điều dễ nói nhất. Ðiều thứ hai nữa là, trong khi đọc văn bản này, chúng tôi, cũng như các bạn đều đang sống trong giai đoạn tạm gọi là thời hậu chiến của thế giới, đối với Việt Nam và những nước Ðông Dương thì chiến tranh hình như vẫn còn kéo dài cho đến gần đây; và bây giờ đến giai đoạn người ta muốn và cần nối lại với các nước láng giềng. Cố nhiên chủ yếu là về mặt kinh tế, về mặt đào tạo con người. Và người Việt Nam bây giờ khám phá ra là Việt Nam không thể sống cô lập, không nên sống cô lập; và đúng lúc đó lại hiện ra một bài học rất cổ điển của lịch sử: Chúng ta không phải là người đầu tiên đi thăm dò những con đường sang láng giềng. Trước khi có nền thưộc địa của Tây phương, đối với một số nước ở Phi Châu hay Á Châu, thì các nước đó đã từng có những mối quan  hệ về nhiều mặt với nhau rồi:

 - Thứ nhất là về chính trị.
 - Thứ hai, tạm gọi là về kinh tế, tài chính. Trong đó, từ thế kỷ XVIII trở đi, thì rất rõ vai trò mà ai cũng biết, của người Hoa đi từ Trung Quốc, chủ yếu là từ tỉnh Phúc Kiến và hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, ra nước ngoài sinh cơ lập nghiệp và buôn bán; tạo ra một màng lưới nhân sự và thương nghiệp giữa Trung Quốc và các nước lân cận, vùng Ðông Nam Á.
 Tất cả những hiện tượng này đề được phản ánh trong tập ghi chép của Phan Huy Chú, nhân ông đi công tác sang Indonesia năm 1832-1833.
Vấn đề đầu tiên của người được đi ra nước ngoài là vấn đề bất thông ngôn ngữ. Câu hỏi khi bắt đầu đọc Phan Huy Chú là: Ông ấy biết tiếng Hòa Lan hay biết tiếng Indonesia hồi đó ra sao? Theo chúng tôi biết thì ông ấy cũng như nhiều sứ giả, mà sau đó vua Nguyễn gửi đi như Lý Văn Phức và Cao Bá Quát v.v... làm việc ở những vùng đó một thời gian ngắn hay dài và có thu lượm được nhiều thông tin khá chính xác, là qua môi giới, môi trường của những người Hoa, cùng văn hóa chữ Hán với họ. Trong số người này, có người có trình độ văn hóa không thấp, đã tiếp đón họ trong thời gian họ đến công tác; lại còn thết tiệc hoặc dẫn họ đi thăm thắng cảnh và giải thích cho họ thêm về hoạt động của chính quyền ở những vùng đó. Thông tin của Phan Huy Chú có hai nguồn: Thứ nhất là mắt thấy, tai nghe; sự quan sát của một người như Phan Huy Chú, có trình độ văn hóa cao. Và thứ hai là người Hoa tại địa phương cung cấp. Ðấy là điều mà chúng tôi thấy rất rõ.
Hình như, nếu tôi không lầm -tôi không phải là người nghiên cứu về sử hiện đại- thì tôi thấy rằng ở Ðông Nam Á có hai yếu tố rất quan trọng, khi chúng xung đột với nhau, và khi nào chúng hợp tác với nhau lại rất tốt cho mọi người: Một bên là các nền văn hóa bản xứ của từng nước, và các chính quyền mỗi nước, một bên là sức năng động của tập thể Hoa kiều ở các nước ấy. Ðây là một hiện tượng đã có, đang có và tôi nghĩ là sẽ còn tồn tại trong rất nhiều năm, ít nhất là ở Ðông Nam Á, là cái vùng mà ít nhiều, tôi đã có dịp đi thăm. Tôi thấy phần đông gần giống như tình trạng mô tả trong cuốn sách của Phan Huy Chú.
 
 

TK: Thưa anh, cùng thời điểm này, triều đình Huế, ngoài Phan Huy Chú, còn gửi những sứ giả khác như Lý Văn Phức, Cao Bá Quát, v.v... Theo anh, triều đình Huế gửi đi với mục đích gì?
TTH: Theo như một bài mà giáo sư Trần Kinh Hòa (Chen Ching-ho) đã viết ra, mà chúng tôi cũng giới thiệu gần đây, dịch ra và đăng trong Tập san của trường Viễn Ðông Bác Cổ, trong đó có ghi niên biểu rất rõ về toàn bộ các chuyến công du của triều đình Nguyễn sang các nước lân cận. Thời tiền Gia Long, đã bắt đầu có một số chuyện đi các nước chung quanh Việt Nam, lúc đó những nước này đã ở trong tay người Anh hay người Hòa Lan rồi. Những chuyến đi này chỉ có một mục đích là phục vụ cho chiến tranh: Nguyễn Ánh cần mua tầu, mua thuyền, mua súng.
Sau khi Gia Long lên ngôi, thì ta thấy một hiện tượng rất lạ: Người mang tiếng là vay nợ Tây phương nhiều nhất, và gần như là mang tội rước voi dẵm mả tổ -là ông Gia Long- rất cảnh giác với Tây phương. Trong thời gian Gia Long cầm quyền từ 1802-1820, không gửi chuyến công du nào đi Ðông Nam Á cả. Ðóng cửa xây dựng đất nước.
Nhưng từ Minh Mạng trở đi thì Minh Mạng không thể tiếp tục chính sách đóng cửa của cha mình nữa. Năm 1817, người Anh chính thức sáng lập ra Singapour. Và rất nhanh, chỉ một vài năm sau là Singapour đã phát triển thành thương cảng lớn nhất vùng Ðông Nam Á, vượt qua rất nhanh một thương cảng nhỏ hơn mà người Hòa Lan đặt ở vùng đất gần Singapour.
Ðồng thời, trước năm Phan Huy Chú ra đi (1832) thì năm 30-31 đã có hai, ba chuyến rất đáng chú ý: Lý Văn Phức được gửi đi Bengale, qua nơi đó xem chính sách người Anh ở Ấn Ðộ như thế nào. Rồi năm 31, có một sứ giả mà sau này tên tuổi rất nổi tiếng là Phan Thanh Giản, lúc đó còn rất trẻ, đã được, cùng với một hạ thần hay chữ là Hà Tôn Quyền, đi công cán ở Batavia. Phan Huy Chú không phải là người đầu tiên đi công cán ở Batavia.
Sau đó, năm 1844 đến phiên Cao Bá Quát.
Như vậy, nhà Nguyễn từ Minh Mạng trở đi, cho tới đầu đời Tự Ðức, có một chính sách khá rõ: Gửi những đoàn công sai đi làm hai, ba công tác. Thứ nhất là thông tin. Ðiều này ghi rõ trong Ðại Nam Thực Lục: Gần như mỗi lần vua đều tiếp đón các phái bộ trước khi họ ra đi. Và dặn họ rất kỹ. Có một chuyến, phái đoàn Phan Huy Chú đi thăm Trung Quốc. Trước khi đi, vua dặn, sang bên đó cố mua tài liệu sách cổ và cả những sách mà bên đó người ta không in, nhưng có giá trị thông tin, phải ghi lại để báo cáo tình hình xã hội bên Trung Quốc. Chuyến đi Trung Quốc đó, phái bộ Phan Huy Chú hình như không làm công tác chu đáo và đã bị vua quở trách khá nặng nề.
Ðó là mục đích thứ nhất, cần được thông tin về những gì đã xảy ra và đang xảy ra chung quanh nước Việt Nam. Tây phương đã xuất hiện với những tầu chiến, với những thương cảng, những lối làm ăn có tổ chức, thương nghiệp. Những điều này vừa là một hấp dẫn, vừa là một đe dọa, đối với người Việt Nam. Và cái công thức mà tôi vừa nói đó, có lẽ ngày hôm nay vẫn còn giá trị: Vừa hấp dẫn, vừa đe dọa, và là một thách thức mà ta phải cố gắng tìm cách đương đầu. Có lợi cho ta chăng? Mối lợi đó, đối với các vua triều Nguyễn thì rõ lắm; trong Phan Huy Chú có nói và trong nhiều chuyến công du khác cũng có nói đến:
Thứ nhất là đi buôn bán cho triều đình. Vua tự dành cho mình độc quyền nhập cảng một số mặt hàng tiêu dùng, xa xỉ phẩm cho triều đình, cho các bà hậu, vợ các vua lớn. Hoặc là chính triều đình cần một số xa xỉ phẩm như lụa, vải vóc, hương liệu, v.v...
Thứ hai là bán. Ðiểm này vua có ý dấu. Nhưng nếu ta dò kỹ một số tài liệu, cũng thấy là có một số mặt hàng như gạo và hình như có cả thuốc phiện nữa,... cấm dân chúng, cấm các nhà tư nhân không được bán ra nước ngoài. Nhưng mà chính nhà vua -hình như- lại bán những cái đó. Ðây là một việc rất tế nhị mà chính quyền nhà Nguyễn đã cố gắng giải quyết trên đầu dân. Dân không được tham dự vào. Cố nhiên, lâu lâu cũng có những ông hoàng nhận hối lộ của những thế lực tư nhân Hoa kiều, mà làm. Họ cũng đi vào những con đường tạm gọi là tham nhũng. Có lẽ điều này cũng còn tính cách thời sự ngày hôm nay, chưa hoàn toàn hết.

Ðấy là về chính sách nhà Nguyễn. Tóm lại có hai nhu cầu:

1. Thông tin về mặt chính trị và quân sự về sự đe dọa của Tây phương;
2. Tìm hiểu xem họ tổ chức thương nghiệp như thế nào, đồng thời mua bán với họ một số hàng hóa.

 

TK: Việc triều đình Huế gửi sứ giả ra ngoài để thăm dò tình hình và buôn bán, và khi trở về, họ tâu lên vua những bản điều trần canh tân đất nước mà vua không nghe, với việc thời nay, có gì khác hoặc giống nhau không, thưa anh?
TTH: Câu hỏi của Thụy Khuê đặt ra là một vấn đề rất lớn cho sử học, mà không thể tiện khẳng định bây giờ; vì chúng tôi mới đang ở đoạn đầu của sự thăm dò thôi. Tôi có một vài cảm tưởng, dựa trên cơ sở tài liệu của các sứ giả mà tôi đã được đọc kể từ đầu đời Minh Mạng cho đến hết đời Tự Ðức. Một trong những cuốn du ký cuối cùng đáng suy nghĩ là du ký của phái bộ Phan Thanh Giản sang Paris năm 1863. Người cầm bút là Phạm Phú Thứ, sau chuyến đó, về thì có thực hiện một số hành động canh tân, dịch sách khoa học, kỹ thuật của người Anh, người Mỹ, qua bản dịch chữ Hán ở Trung Quốc. Theo đó, ta có thể hình dung được là cuộc mở cửa của Việt Nam, nhìn ra nước ngoài, đã khởi sự những năm đó. Và hôm nay, vẫn đang tiếp tục.
Cuộc mở cửa này bị gián đoạn bởi một thế kỷ Pháp thuộc. Nhưng bây giờ, đang nối lại với quá khứ thời nhà Nguyễn. Ở hai đầu mốc này, có điều gì giống nhau và khác nhau không?

Về nội dung thì những giao tiếp với ngoại giới, được phía thường dân, hoặc giới quan lại, hoặc phía lãnh đạo có những ấn tượng, những suy nghĩ, và những thay đổi như thế nào trong vũ trụ quan, trong nhân sinh quan của họ? Tôi thấy hình như có một cái gì giống nhau giữa hai giai đoạn.
Trong suốt đời Minh Mạng và đời Thiệu Trị, một số không nhỏ những phái đoàn đi Batavia. Sau Phan Huy Chú thì có những phái đoàn khác, do một người rất nhạy bén về việc này, hồi đó được vua tin cẩn lắm -theo một sử liệu Tây phương-, dẫn đầu là ông Ðào Trí Phú -có con gái là một bà thiếp của vua Thiệu Trị, tiếng Pháp họ viết là le beau père de l'Empereur-. Ông này được giao sứ mệnh đi mua thuyền bằng đồng hay bằng thép của người Anh hay người Hòa Lan, có súng đại bác đem về để trang bị. Có thể nói là để đổi mới quân đội Việt Nam. Các vua mình, tuy tình trạng ngân sách eo hẹp, đã có cố gắng khá lớn để mua những tầu khá đắt. Có khi mua về còn phải thuê thêm cả đoàn thủy thủ và sĩ quan của Tây phương để bảo hành trong một thời gian, trong khi người mình học cách sử dụng và sửa chữa máy móc.
Vậy thì có cố gắng. Không phải đợi đến Nguyễn Trường Tộ hay về sau, các vua nhà Nguyễn mới biết công nhận sự ưu thắng, thế mạnh của Tây phương về mặt kỹ thuật. Và hình như bây giờ cũng thế, người mình cũng rất nhậy bén trong sự tìm hiểu, sử dụng, sắm mua và tháo ra, ráp lại những linh kiện, những bộ máy phức tạp, hiện đại của Tây phương về điện não, informatique, điện tử, v.v... Người mình học rất nhanh về mặt kỹ thuật, tôi tạm gọi là cái know-how, cái savoir faire, để sử dụng thực tế thôi.

Còn về tinh thần thì thế nào? Ðiểm này, tôi hơi bi quan, vì tôi thấy hình như người mình thay đổi về vũ trụ quan, nhân sinh quan, thay đổi quan niệm về khoa học, rất chậm. Và ai cũng biết là những dịp mở cửa của vua nhà Nguyễn, đã không được thể hiện kịp thời, để khi người Pháp đổ bộ vào Việt Nam, thì Việt Nam có đủ sức chống trả lại, hoặc có đủ thông tin về những thế lực lớn trên thế giới trên chiến trường ngoại giao quốc tế. Như Nguyễn Trường Tộ đã khuyên vua Nguyễn là nên làm sao gây ra cuộc cạnh tranh giữa Anh và Pháp để vô hiệu hóa cả hai cường quốc này. Thái Lan đã thành công. Tuy không biết Nguyễn Trường Tộ nhưng Thái Lan đã làm đúng như Nguyễn Trường Tộ. Cả Anh lẫn Pháp đều bó tay nhau trước ngưỡng cửa Thái Lan và không đem quân đánh Thái Lan, điều mà Nguyễn Trường Tộ mong cho ta, và ta đã không làm được.
Vậy trong sự học hỏi, có ít nhất hai điểm:

1. Hiểu tinh thần khoa học của người ta cho đúng;
2. Hiểu tình hình xã hội và chính trị thế giới như thế nào để có một lập trường và đường lối ngoại giao cho có kết quả. Ta còn yếu thì ta vô hiệu hóa những kẻ mạnh hơn ta. Ðiểm này thì thỉnh thoảng Việt Nam cũng có một chút thành công, nhưng tôi sợ là chưa  nhiều lắm.

 

TK: Thưa anh, một người bạn của anh là giáo sư Nguyễn Văn Trung, trên đài RFI, sau khi đi dự hội nghị Aix en Provence về, có nói là trong tình trạng hiện nay, thì Việt Nam chưa thể có một nền khoa học xã hội, theo đúng nghĩa của nó. Anh nghĩ sao về vấn đề này? Và cuốn Hải Trình Ký Lược vừa được công bố, có thể xem như là một phương cách nghiên cứu cổ theo đúng phương pháp khoa học, làm tới nơi, tới chốn mà phần nhiều những tác phẩm nghiên cứu hiện hành của ta, chưa đạt được?
TTH: Về mặt công bố tài liệu và chú giải như chúng tôi đã thử làm đó, thì nó thuộc về quy cách chung của các nước, khi họ gặp tài liệu cổ và họ muốn đưa ra để cho người bây giờ đọc. Công việc của chúng tôi không có gì đặc biệt đâu. Chỉ có cố gắng và thiện chí làm cho thật tốt đấy thôi. Trước khi đi xa, tôi xin phép trở lại một hai điểm ghi trong bản du ký của Phan Huy Chú.
Thời đại của Phan Huy Chú chưa phải là thời đại để người ta đặt những vấn đề như thời đại Nguyễn Trường Tộ. Nhưng Phan Huy Chú cũng đã ghi rằng, ở thành phố Batavia, có kỷ luật, đời sống có tổ chức, luật pháp rất nghiêm chỉnh. Cho nên nạn tham nhũng gần như không có. Ðấy là những điều mà Phan Huy Chú đã cố gắng nói với vua một cách kín đáo, là Tây phương không chỉ hơn mình về mặt súng mạnh, tầu mạnh, mà cả về mặt tổ chức luật pháp, -cái gọi là nhà nước pháp quyền-.
Phan Huy Chú, năm 1832 mà đã ghi được những điều đó; ngày hôm nay, bức tường ngăn chặn thông tin đã xóa bỏ giữa Việt Nam và thế giới rồi; tôi nghĩ là đáng lẽ những người làm khoa học xã hội, phải nên được hỗ trợ, do chính quyền hay do độc giả, chú ý đến sử học. Hỗ trợ để cho công cuộc nghiên cứu được phát triển hơn nữa. Chúng tôi mới chỉ làm được những công việc nho nhỏ. Còn nhiều tài liệu đáng giới thiệu lắm.
Về câu nhận định của anh Trung về sự cần ra đời mà chưa thấy ra đời, một nền khoa học xã hội chân chính ở Việt Nam, tôi cũng có một vài ý kiến, nhưng có lẽ nên dành cho một buổi nào khác để thảo luận cho đúng tầm quan trọng của câu hỏi. Hôm nay, tôi chỉ có một hai ý để đáp cho đúng câu hỏi của Thụy Khuê thôi, là hình như trong truyền thống Việt Nam, người mình cố định trong sự giữ nề nếp tinh thần cố hữu. Cho nên sự thay đổi về lập trường để đi vào khoa học thế giới, nó chậm lắm.
Ðiểm thứ hai nữa là, -ngay cuốn Phan Huy Chú này cũng là một minh chứng đau thương đấy- nếu có tài liệu thông tin tốt, thì nó phải nằm riêng cho vua quan dùng, không được công bố. Cho đến ngày hôm nay mới được công bố, đây cũng là một điều lạ. Có lẽ truyền thống này vẫn còn tồn tại ngày hôm nay: Người ta chưa hiểu rằng cần phổ biến thông tin mọi mặt để cho cả nước được thông tin rộng rãi. Có lẽ điểm này là một vấn đề còn phải bàn thêm. Hôm nay tôi tạm đáp như thế thôi.
 
 

TK: Người đọc bản dịch Hải Trình Chí Lược còn để ý một nhân vật thứ nhì nữa là Cao Bá Quát, và riêng anh, anh đã dành rất nhiều thì giờ cho Cao Bá Quát trong công việc nghiên cứu của anh.
TTH: Tôi rất muốn được nói về Cao Bá Quát. Xin cảm ơn Thụy Khuê đã đặt câu hỏi.
Cao Bá Quát là một tên rất quen thuộc với người có đọc một chút về văn học sử Việt Nam. Tôi chưa dám nhận là chuyên gia về Cao Bá Quát, vì tôi chưa được đọc nhiều về ông, nhưng mà nhân nghiên cứu về Phan Huy Chú, rồi nhân Cao Bá Quát cũng được đi công du sang Batavia năm 1844, cho nên gần đây, bà Claudine Salmon và tôi có viết được một bài ngắn, giới thiệu những bài thơ mà Cao Bá Quát đã viết trong thời gian đi Batavia.
Ông không viết du ký văn xuôi, hay một bản tường trình đầy đủ như Phan Huy Chú. Cao Bá Quát chủ yếu là nhà thơ, nhà tư tưởng lớn trong thơ. Hiện nay còn lại hơn mười mấy bài thơ, ghi dấu vết đi Batavia; một số bài đã được giới thiệu trong nhiều tuyển tập về thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, ở trong nước, từ mấy chục năm nay. Chúng tôi chưa có dịp tham khảo tất cả các bản thơ chữ Hán của Cao Bá Quát. Theo lược thuật của nhóm ông Vũ Khiêu ở ngoài Bắc, thì bây giờ còn mấy nghìn bài thơ Cao Bá Quát chứ không phải ít đâu. Riêng về Batavia thì có ít thôi. Nhưng có một hai bài mà nhóm Vũ Khiêu chưa chú ý giới thiệu, chúng tôi cố gắng giới thiệu và bình luận cho thấy tất cả ý nghĩa và nội dung chính trị của nhà tư tưởng và nhà thơ Cao Bá Quát.
Khi đứng trước hiện tượng đang phát triển khắp nơi, chung quanh Việt Nam những năm 1840 trở đi, và đến đời Tự Ðức thì càng rõ: Chỉ 10 năm sau chuyến đi của Cao Bá Quát quân Pháp đã đổ bộ vào Ðà Nẵng rồi, thời gian lúc ấy, gần như là đã gấp rút lắm. Về viễn tượng ấy, Cao Bá Quát để lại một bài thơ, một bài rất dài mà Cao Bá Quát tặng một người bạn cùng đi sứ với ông, đó là ông Trần Tú Dĩnh, một nhà nho rất ít được giới thiệu. Cái tên Trần Tú Dĩnh (alias Trần Ngộ Hiên) đối với nhiều người, có thể còn xa lạ. Nhưng ông ấy lại là một người đồng chí của Cao Bá Quát.
Bài thơ này dài nhất trong những bài thơ đi Batavia của Cao Bá Quát; ông gọi là một bài 16 vần, chia ra làm 32 khúc, mỗi khúc 4 câu. Dùng những hình tượng mượn trong văn học cổ điển Trung Quốc để nói về tình hình lúc đó: Tây phương xuất hiện như thế nào? Trung Quốc và Việt Nam đang bất lực như thế nào? Ðấy là một tiếng kêu cứu rất lớn và rất sáng suốt. Cao Bá Quát quả thật là đúng như hôm nay ta đã đánh giá, là một người rất đáng chú ý, một tâm hồn lớn. Và riêng tôi là người hay chú ý đến những nhà văn nổi loạn như thế, tôi đã dành rất nhiều năm để thử nghiên cứu, và nếu không lười quá, hôm nào tôi cũng viết về một người ở Trung Quốc như Kim Thánh Thán.
Kim Thánh Thán có một cái chung cục rất giống Cao Bá Quát, là cả hai người này đều mang tiếng là nổi loạn trong thời gian còn sống, và đều đã bị chính quyền của mình cắt đầu, giết chết. Ðây là một thứ truyền thống tôi cho là khá ác liệt và khá bền bỉ ở Việt Nam, là hễ ai có cá tính, ngóc đầu lên, thì ta lại dìm xuống.

Cao Bá Quát trong chuyến đi đó, thấy rõ nhiều vấn đề lắm. Và điều thu hoạch thứ hai của Cao Bá Quát, là ông gần như phủ nhận văn học nhà nho mà người ta đã nhồi vào đầu ông, từ lúc còn đi học. Tôi xin được phép đọc hai ba câu thơ của Cao Bá Quát viết sai khi đi Batavia về. Mấy năm sau, ở Ðà Nẵng, ông viết một bài thơ dài, tôi trích mấy câu dịch ra văn xuôi:

Tự tùng phiếm hải lịch ba sơn (1)
Thủy giác lục hợp hà mang mang
Hướng tích văn chương đẳng nhi hí
Thế gian thùy thị chân nam tử
Uổng cái bình sinh đọc thư sử
Ðại ý là: Từ chuyến đi thuyền trên biển sang tới Batavia, thì mới hiểu rằng trong cõi trần hoàn này rất rộng lớn và thấy rằng những chuyện văn chương mà tôi học được từ xưa, đều là chuyện trò chơi con trẻ cả. Và ông ấy ước rằng: Nếu trong thế gian này, có người nào là chân nam tử tức là người có bản lĩnh thật sự, thì mong người đó đừng uổng công, cái công bình sinh đời Cao Bá Quát đã bỏ ra rất nhiều năm để đọc thư và đọc sử.
Một nhà nho phủ nhận cái vốn liếng văn hóa cổ truyền. Lúc đó, ông đã khám phá ra, nó là một cái gì vụn vặt và sáo hủ, mà nhà nho đứng trong thời đại đó, có lẽ nên quẳng đi để đương đầu với những vấn đề mới của đất nước. Thì đây là một trong những nét mạnh; ta không ngạc nhiên khi gặp nó dưới ngòi bút Cao Bá Quát. Lâu nay ông vẫn nổi tiếng vì những câu như thế.
Có lẽ đây là dịp để gợi cho mọi người chú ý nhiều hơn nữa về Cao Bá Quát. Cao Bá Quát có một giá trị tượng trưng. Là người rất có cá tính. Không phải là người như Nguyễn Trường Tộ hay Phan Chu Trinh, đứng ra hô hào cải cách giáo dục, v.v... Nhưng mà ít ra là với thời đại của mình, Cao Bá Quát là người đi xa nhất trong sự phủ nhận cái vốn văn hóa cổ điển mà người ta đã nhồi sọ cho mình.
 
 

TK: Thưa anh, một câu hỏi rất ngắn thôi, ngày nay có nhiều trường hợp Cao Bá Quát không?
TTH: Có lẽ vẫn chưa hết. Nhưng mà bây giờ người ta, người cầm quyền tinh vi hơn. Họ không cần chặt đầu. Họ cứ để cho chết dần chết mòn mà vẫn được tiếng là: Chúng tôi dân chủ đấy, có đàn áp ai đâu.

TK: Xin cám ơn anh Tạ Trọng Hiệp

Chú thích:
(1) ba sơn = Batavia