Góp phần nghiên cứu Lê Quí Ðôn
Khảo đính văn bản Vân Ðài Loại Ngữ và các bản dịch

Ðọc chương "Phẩm Vật"

Tạ Trọng Hiệp
Yếu mục

I. 1.Vân Ðài Loại Ngữ là gì?
    2. Vấn đề đọc Vân Ðài Loại Ngữ
    3. Phàm lệ
II. Ðọc chương "Phẩm vật", mục 1 đến mục 30
 

I.1. Vân Ðài Loại Ngữ là gì?

Trong cổ tịch Việt Nam trước đời Lê Quí Ðôn, có rất ít tác phẩm thuộc loại khảo cứu, nhất là hạng nghiên cứu độc lập của tư nhân. Cho nên sự nghiệp của Lê Quí Ðôn, tuy chưa bao giờ được in ra, đã sớm được trọng dụng, khơi mào cho sự quật khởi của nền sử học ngay từ sinh thời Lê Quí Ðôn liên tiếp đến thế kỉ chúng ta, từ nhóm sử thần đã viết lại sử Toàn thư và hoàn thành bản in Sử kí tiền biên đời Tây sơn (với Ngô Thì Nhậm), đến chặng Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, rồi đến các bộ Thực lục tiền biên, Cương mục và Nhất thống chí của Quốc sử quán đời Nguyễn: Ảnh hưởng của ông bàng bạc khắp nơi và văn ông được trích dẫn nhan nhản. Từ những năm 1960 đến nay, chúng ta lại càng chú ý đến Lê Quí Ðôn và dễ đọc trực tiếp một số tác phẩm căn bản như Kiến văn tiểu lụcPhủ biên tạp lục, ấy là nhờ có bản dịch tương đối tốt (gần đây được tái bản y nguyên trong bộ Lê Quí Ðôn toàn tập của viện sử học). Mà các bản dịch ấy sở dĩ có thể gọi là thành công, cố nhiên là vì các người biên tập có tinh thần phụ trách cao, biết chịu khó. Nhưng cũng vì hai tác phẩm kia tương đối dễ dịch, mà dễ dịch vì dễ đọc dễ hiểu: chủ đề được "khoanh vùng" một cách rất "dứt điểm", tư liệu trích dẫn tuy phong phú nhưng không tản mạn lởm chởm, mà nằm ngoan ngoãn trong khuôn khổ của bố cục, hơi văn thông xướng, mạch văn đi xuôi, có đầu, có đuôi có mạch lạc.

Còn Vân Ðài Loại Ngữ thì cục diện lại khác hẳn. Sách này có phải là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của nước ta, như có người đã khẳng định, hay không? Khó mà nói dứt khoát như thế, vì sách không có tính cách thuần nhất về mặt mức độ hoàn chỉnh và thành đạt đồng đều trong các bộ phận thành phần. Sách có nội dung bách khoa, lại có đại cương sáng sủa (xếp các hiện tượng nội tâm và vật chất vào trong 9 ngăn tức là chín chương), nhưng trong mỗi ngăn (= mỗi chương) thì các tiểu mục chưa có trật tự cho lắm, đã không có tiểu đề lại không được đúc vào một trình diễn có mạch lạc và hệ thống như ở hai cuốn Kiến văn tiểu lục và Phủ biên tạp lục. Mới đọc thoáng qua, có thể ngộ nhận rằng Vân Ðài Loại Ngữ chỉ là "Hộp thẻ ghi chép" của một con mọt sách tham lam và hiếu kì. Ðọc kĩ hơn một chút, ta thấy rằng Vân Ðài Loại Ngữ chứa nhiều hạng ghi chép: hạng thấp nhất, chỉ mới là kiến thức ghi vội, vụn vặt, cộc lốc, Lê Quí Ðôn chưa kịp sắp xếp lại, cũng chưa kịp biện luận hay bình phẩm gì cả. Cao hơn một bực là những mục có nhiều trích dẫn soi rọi lẫn nhau, bổ túc cho nhau: tuy chưa kịp bình phẩm nhưng đã có suy nghĩ, lọc lõi, và dụng công sắp xếp. Cao nhất, hoàn chỉnh nhất (gần như là kiểu bài nghiên cứu đăng trong tạp chí bây giờ) là những mục có trình độ khái quát hóa, có biện luận gốc ngọn, có dấu vết phê phán, tỏ rõ thái độ cầu học vừa nghiêm túc vừa độc lập của Lê Quí Ðôn.

Tóm lại, hình như Vân Ðài Loại Ngữ là một tập bút kí rất đa dạng của một sử gia bác học, ghi chép và biên soạn không đều tay trong nhiều hoàn cảnh khác nhau (khi thì ghi vội, khi thì có thì giờ dụng công nhiều hơn), có thể gượng nhận rằng đó là một thứ Bách khoa toàn thư, nhưng mà là Bách khoa toàn thư đang phôi thai, có khuynh hướng vươn tới chứ chưa đạt.

Dẫu sao thì ta cũng dễ đồng ý với nhau rằng Vân Ðài Loại Ngữ là thứ sách có giá trị, giới thiệu và bảo tồn cho ta nhiều sử liệu khó kiếm (chẳng hạn như các mục kê cứu về cây cỏ khoai lúa, thời cổ và ngay cả thời Lê Quí Ðôn nữa), và giúp ta tìm hiểu về tư tưởng Việt Nam trong thế kỉ XVIII xuyên qua những lời phê bình "tiên nho" phương Bắc của một nhà nho Việt Nam.
Vấn đề là: ngày nay muốn đọc Vân Ðài Loại Ngữ không phải là chuyện đơn giản. Vì sao? Xin phân giải ở đoạn dưới.
 

I.2. Vấn đề đọc Vân Ðài Loại Ngữ

Vấn đề phải đặt ra vì nhiều lẽ:
 

- Lẽ giản dị nhất, là khi đọc Vân Ðài Loại Ngữ ta cần và muốn phân biệt đâu là phần trích dẫn nguyên văn "tiên nho", và đâu là phần của riêng "Việt nho" Lê Quí Ðôn; trong mỗi tiểu mục, đường ranh ấy phải được thể hiện cho thật tách bạch. Nếu không thì ta phạm lỗi đem râu ông nọ cắm cằn bà kia, bình luận nhập nhằng, gán ghép oan uổng.

- Lẽ hơi phức tạp hơn, là làm sao mà vạch được ranh giới ấy nếu chỉ đọc văn bản Vân Ðài Loại Ngữ mà thôi, dẫu là bản chữ nho đi nữa, vì bản này không có dấu ngắt đoạn, không có dấu chấm câu, và không xuống hàng?

- Một lẽ thuộc về văn bản học sơ cấp, là trong bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ nho hiện hành, các đoạn văn trích dẫn có được chép chính xác hay không, hay đã bị cắt xén, chắp vá, thay đổi, chép sai mà có khi đến nỗi khó hiểu, khó dịch, dịch sai? Thay đổi, chép sai, là do ai? do ngay "thoại" mà Lê Quí Ðôn đã tham khảo, hay do chính Lê Quí Ðôn, hay chỉ do người chép bản Vân Ðài Loại Ngữ hiện hành?

- Vân Ðài Loại Ngữ là một khu rừng đa dạng, khi thì quang đãng dễ đi, chẳng cần chỉ dẫn lòng thòng cho thêm rối, khi thì u hiểm, lởm chởm gồ ghề, cần có hướng đạo mách đường, nghĩa là cần chú thích cho rõ (= vừa đích xác vừa gọn).


Còn vài lẽ khác nữa, tạm xin miễn kê ra, cho đỡ nhàm; mấy lẽ kể trên cũng đủ là những vấn đề tiên quyết phải giải quyết khi muốn đọc (và muốn giúp người khác đọc) sách Vân Ðài Loại Ngữ.

Vậy mà chưa có một vấn đề nào trong những vấn đề nêu trên đây được đặt ra (hay có đặt ra nhưng không giải quyết, thế mới lạ) trong 3 bản dịch Vân Ðài Loại Ngữ ta đang có (sau đây xin gọi tắt là A, B, C). Ba bản ấy (thật ra chỉ là hai) là:

- Bản A. Trần Văn Giáp dịch, Hà-nội 1962, 2 tập (có sự duyệt điểm của các lão nho túc học Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi, Phan Võ, và hiệu đính của cụ Cao Xuân Huy).
- Bản B. Tạ Quang Phát dịch, Sài-gòn 1972-1973, 3 tập.
- Bản C. Phạm Vũ, Lê Hiền "dịch", Sài-gòn 1973, 1 tập.


Ba bản bổ túc lẫn nhau. Ai chưa có A (A in ra đã lâu, chắc nay khó kiếm) có thể tạm dùng C (như ông Trần Nghĩa đã dùng, trong bài đăng ở Tạp chí văn học, 1976, số 6), bởi vì C hoàn toàn "mượn" y nguyên trọn vẹn A (chỉ bỏ lời giới thiệu A của Cao Xuân Huy và các bảng thông kiểm cuối A tập II), có khi mượn luôn những chú thích của Trần Văn Giáp, cả những khi Trần Văn Giáp chú thích sai lầm cũng cứ chép lại đúng từng chữ của Trần Văn Giáp ...

B hình như không tham khảo A, vì có nhiều chỗ cả A lẫn B đều lầm, mà lầm rất khác nhau (như ở IV.57 Tống Bạch Tục Thông điển, nghĩa là Tục Thông điển của Tống Bạch, bản A hiểu là "sách Tục Thông điển đời Tống", bản B thì hiểu là "sách Bạch tục thông điển đời Tống"; hoặc như ở II.19 có nói đến Tống Bạch và Thái Kham, cả A lẫn B đều không nhận thức sai lầm của bản chép tay, mỗi bên đọc sai một cách, A đọc là "Bạch Quì Kham đời Tống", B thì đọc ra "Chu-Bạch Thái-Kham" một tên bốn chữ y như tên người Nhật vậy ...).

Những trường hợp sai lầm mặt chữ, lỗ ngư thỉ hợi, trong các bản Vân Ðài Loại Ngữ chép tay, đã đánh lừa người dịch như vừa nêu trên đây, thật ra không nhiều, về đại thể các bản rất giống nhau, chứng tỏ rằng người mình chép bản chữ Hán các tác phẩm Lê Quí Ðôn không đến nỗi "ẩu" lắm. Mấy năm trước, tôi đã nghiệm ra điều này khi dò lại diện mạo ba bản chép Kiến văn tiểu lục; nay tôi đọc hai bản chép Vân Ðài Loại Ngữ (một bản trọn vẹn, chụp kèm bản dịch B; một bản thiếu chương IX, trong di chỉ của H. Maspero) mà có dò kĩ với bản dịch A (là một bản bám khá sát vào bản chữ Hán), cũng vẫn thấy như thế. Nghĩa là khi hai bản dịch A và B có những mắc míu, sơ hở, nhan nhản trên mỗi trang mỗi mục, đấy không phải là vì mắc phải cái nạn "tam sao thất bản" có thể chế ngự được bằng lề lối khảo dị thông thường.

Vậy thì cái vấn đề Vân Ðài Loại Ngữ khó đọc khó dịch, nó nằm ở chỗ khác. Trong Lời Nói Ðầu của bản dịch A, Trần Văn Giáp đã thấy nó rồi. Ông đặt vấn đề rất xác tạc, rằng tuy có điều kiện tập trung tám bản chép Vân Ðài Loại Ngữ nhưng "chỉ hiệu thù qua loa", không khảo dị, vì "sách Vân Ðài Loại Ngữ là một tập bút kí, dẫn dụng nhiều sách Trung-quốc ... Khi nào gặp chữ viết sai ... hay câu nào ý nghĩa nghi ngờ, chúng tôi lấy hẳn sách Trung-quốc ra tìm, tra hẳn nguyên văn cho chính xác". Chỉ tiếc rằng giải pháp đã được đề ra nhưng chưa được thực hiện trong bản A (trừ mươi mười lăm trường hợp tỏ rõ Trần Văn Giáp có thực sự "lấy hẳn sách Trung-quốc ra mà tìm").

Cả A lẫn B, "mỗi người một vẻ", rốt cuộc lại vẫn giống nhau: hai bản dịch mơ hồ, khó mà giúp ta đọc và khai thác Vân Ðài Loại Ngữ một cách chính xác rạch ròi.
Ngày nào ta thực hiện được lời nhận định của Trần Văn Giáp, ngày ấy ta mới đọc được Vân Ðài Loại Ngữ. Bài của tôi, trong kì này và trong những kì sau, chính là thử bắt đầu góp phần vào công việc khẩn yếu ấy: thử lấy hẳn sách Trung-quốc ra tìm, nghĩa là khảo hạch nguyên văn những trích dẫn trong Vân Ðài Loại Ngữ, nhờ đó mà có manh mối đích xác để vạch ra đường ranh nằm trong những mục vừa có trích dẫn vừa có lời nhận xét của Lê Quí Ðôn (= yêu cầu sơ đẳng, rất tầm thường nhưng rất cơ bản, mà người dịch phải thỏa mãn tới mức tối đa cho người đọc), đính chính được cái mơ hồ của những bản dịch A và B (mơ hồ vì ta không thấy được văn trích dẫn chấm dứt ở chỗ nào, lời bình luận của Lê Quí Ðôn bắt đầu từ chỗ nào); đồng thời nhờ khảo chứng sơ đẳng đó mà thấy được lề lối đọc sách của Lê Quí Ðôn (khi thì trích đơn độc một đoạn thuần nhất, khi thì cắt xén và chắp vá mấy đoạn trích từ mấy chỗ khác nhau), lại chữa được những chữ viết sai trong các bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ nho hiện hành, hoặc hiểu được chính xác hơn các đoạn không bị chép sai nhưng ý nghĩa lơ lửng mập mờ, vân vân.

Ðọc lại Vân Ðài Loại Ngữ bằng cách khảo đính này, thật ra không khó cho lắm, không hiểu tại sao các vị túc nho đã dịch (hoặc góp phần kiểm duyệt và hiệu đính) các bản A và B lại bỏ qua. Phải chăng vì không có đủ thì giờ (= vì bị trói bởi chính sách phục vụ kịp thời, một chính sách tốt nhưng có lẽ áp dụng hơi máy móc ...)? Hay vì thiếu tài liệu? Ðiều này thì có lí một phần nào, tuy cũng không đến nỗi nào. Có một số sách mà Lê Quí Ðôn tìm đọc được, ngày nay sau bao nhiêu vật đổi sao dời, mấy kì dâu bể, chúng ta không tìm ra nữa: sách mất tích hẳn, hoặc chỉ lưa lại một bản nằm kín đáo trong một vài thư viện xa vời, ta biết là còn đó nhưng không vươn tới được, như Cư gia tất dụng sự loại toàn tập (dẫn ở Vân Ðài Loại Ngữ, VIII.67 và IX.131) in đời Nguyên, nay còn tái bản đời Minh (chắc là bản Lê Quí Ðôn đã đọc), Ðạo phẩm (dẫn ở IX.161) của Hoàng Tỉnh-tăng (1490-1540), Quảng bác vật chí (1607) của Ðông Tư-trương (dẫn ở VII.42, IX.84 và 128), Tuy khấu kỉ lược (1674) của Ngô Vĩ-nghiệp (dẫn ở IV.111 và IX.123, 124), v.v... hẳn là Tạ Quang Phát khó tìm ra, chứ Trần Văn Giáp vẫn đọc được một phần lớn nếu chịu tìm trong Thư viện Khoa học Xã hội ở Hà-nội, mà chính ông đã cộng sự xây dựng trong suốt năm chục năm từ hồi nó còn là Thư viện của trường Bác cổ, ngày nay nơi ấy vẫn là nơi tiện nhất để dò lại những tài liệu mà tiền nhân (như Lê Quí Ðôn) đã đọc: không những là một trong những nơi còn có nhiều nhất sách in đời Minh và đầu đời Thanh, mà lại còn bảo tồn được nhiều thứ ấy dưới hình thức tái bản của ấn công Việt Nam trước thế kỉ XX, cho ta thấy ngày xưa người mình hay thích đọc những sách gì, gạn lọc chọn những thứ gì (= cả một chuỗi đề tài điều tra và nghiên cứu cần làm cho kĩ trước khi viết những bài những sách đại luận về lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hóa Việt Nam ...).

Có một hạng sách khác, soạn ra thời Trung-cổ (từ đời Hán đến cuối đời Ðường), gọi chung là dật thư nghĩa là văn-bản hoàn chỉnh đã mất ngay ở đất Trung-hoa từ mười mấy thế kỉ, ta dám quyết chắc rằng chính người đời Tống cũng không được đọc trực tiếp và trọn vẹn, đừng nói gì đến Lê Quí Ðôn. Những dật thư có liên quan đến văn hóa và đất nước ta, mà Lê Quí Ðôn có trích dẫn, như Giao châu kí của Lưu Trừng-chi đời Tấn, của Tăng Cổn đời Ðường, Nam Việt chí của Thẩm Hoài-viễn, v.v..., chỉ lưa lại dưới hình thức mảnh vụn trích dẫn trong chú thích của sách cổ như Thủy kinh, Hậu Hán-thư chí, Văn tuyển, Lĩnh biểu lục dị, hay trong các loại-thư như Sơ học kí, Nghệ văn loại tụ, Thái bình ngự lãm, Sự văn loại tụ, đó là chưa kể đến loại-thư đời Nguyên và đời Minh. Với hạng sách này, vấn đề không phải là thiếu tài liệu, mà là ngược lại: sách có nhiều quá, đồ sộ kếch sù, trích dẫn dật thư nhiều khi rất "ẩu" nghĩa là tùy tiện đổi chữ liên miên. Và vấn đề khi khảo đính Vân Ðài Loại Ngữ không phải là bạ đâu lấy đó, mà là phải dò ra xem Lê Quí Ðôn đã thực sự có dùng cổ chú nào, loại thư nào: tìm ra thoại mà Lê Quí Ðôn đã trích dẫn.
Người khảo đính Vân Ðài Loại Ngữ mà không khéo tay cho nhẹ, ắt sẽ phạm vào lỗi khắc chu cầu kiếm, quờ quạng như anh hát xẩm rờ voi, vì không nắm được đúng đắn manh mối nào đã dẫn từ dật thư đến văn bản hiện nay.
 

Khuôn khổ của Tập san Khoa học xã hội không phải là nơi đủ chỗ để đăng trọn vẹn khảo đính toàn bộ Vân Ðài Loại Ngữ. Tôi cũng chưa có thì giờ để đi thư viện tìm gốc tất cả các văn trích dẫn, tỉ như bộ tùng thư Thuyết phu đời Nguyên và Thuyết phu tục đời Minh, Lê Quí Ðôn đã dùng rất nhiều (khi thì có nêu rõ xuất xứ, như ở VIII.72 có nói "Ta thường đọc sách Vương thị đàm lục trong Thuyết phu"; ở IV.110 có nói: "Lê Trừng làm sách Nam ông mộng lục ... nay thấy chép trong Thuyết phu"; khi thì chỉ nói lơ lửng rằng "sách Thuyết phu có chép ...", như ở IV.35 c, 52, 77; VII.101 v.v...; khi thì có tác phẩm mà, nhờ tra danh mục trong Trung quốc tùng thư tổng lục, ta biết rằng văn bản chỉ có trong Thuyết phu mà thôi, nếu có bản khác thì đó là bản mới in ra sau khi Lê Quí Ðôn đã qua đời, vậy thoại Lê Quí Ðôn đã đọc chỉ có thể là thoại Thuyết phu, song Lê Quí Ðôn không dẫn tên bộ này, mà chỉ nêu ra tên tác phẩm nhỏ bé kia thôi, trường hợp như vậy rất nhiều; đối với Lê Quí Ðôn thì chẳng có gì là mơ hồ cả, vả có lẽ thuộc vào hoàn cảnh đọc vội và ghi vội, chứ ngày nay chúng ta phải tốn công mà dò ra gốc gác); hoặc như bộ Tam tài đồ hội của Vương Kì đời Minh, bộ này gồm 106 quyển, bộ Thuyết phu thì gồm 120 cù (= quyển) thu góp trên 700 tác phẩm: tôi biết là thư viện ở đây có cả, nhưng chưa tiện vào đó mà tóm cho đúng chỗ trang nào có câu văn trích trong Vân Ðài Loại Ngữ.

Cũng đỡ là chương "Phẩm vật" (= chương IX) trong Vân Ðài Loại Ngữ ít trích dẫn Thuyết phu; đồng thời những sách cần dùng nhiều để khảo đính chương IX ấy, như Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm, Trúc phả của Ðái Khải-chi, Quế hải ngu hành chí của Phạm Thành-đại, Tân chú Tư trị thông giám của Hồ tam-tỉnh, Quảng-đông tân ngữ (1680) của Khuất Ðại-quân (1630-1696), bộ Thuyết linh (1702, 1712) của Ngô Chấn-phương, và mấy loại-thư như Sơ học kí của Từ Kiên, Thiên trung kí của Trần Diệu-văn (1589), Bản thảo cương mục (1593) của Lí Thì-trân, và bộ Uyên giám loại hàm (1710), thì những năm gần đây đã được tái bản vừa tốt vừa tiện (= dễ tìm mua) hoặc bằng chụp ảnh bản cũ (bản mà Lê Quí Ðôn đã dùng!) hoặc xếp chữ mới nhưng có hiệu đính và ghi di điểm của bản ngày xưa. Hoặc chưa tái bản, như Thuyết linh, tùng thư này chỉ vỏn vẹn có 24 tập nên tuy phải vào thư viện mà hạch chứng, nhưng cũng dễ dò ra gốc văn.

Nhưng lẽ đó khiến tôi chọn đọc lại Vân Ðài Loại Ngữ với bạn đọc hôm nay khởi đầu bằng chương "Phẩm vật", một chương không văn chương triết lí như những chương khác, nhưng lại là chương dài nhất, thiết thực nhất, có tính bách khoa nhất trong Vân Ðài Loại Ngữ, vì vậy mà từ lâu nay đã có nhiều người chú í tham khảo, chủ yếu là để rút ra tài liệu soi rọi cho lịch sử thực vật học và nông nghiệp học. Hai đề tài này, ngày nay, lại càng khẩn yếu hữu dụng, cho nên các chương văn chương triết lí trong Vân Ðài Loại Ngữ "xin chờ năm sau" vậy, cần "phục vụ kịp thời" cho nhu cầu của đất nước hẵng. Trong chương IX này, không phải chỉ có tư liệu về "chim muông hoa quả" mà thôi, mà còn nhiều "điều hay" khác nữa, như có trích một đoạn văn bia chùa Ðọi (mục 11) mà các bạn biên tập bộ Thơ văn Lí Trần quên không dùng để hiệu đính tấm văn bia cổ kính mờ nát ấy; có mấy chục từ ngữ tiếng Việt thuộc về vốn từ vị cơ bản nhất (như: cái sàng, cái đòn gánh, cái đụn lúa, cái nhẫn đeo tay, cái phao câu, cái cuốc, chưa kể đến tên nôm của các giống lúa và cây cỏ), bổ túc cho mấy điều ghi chép nghèo nàn trong chương "Âm tự" mà gần đây ông Trương Chính có thống kê, trong Tạp chí Văn Học 1976, số 6, trang 58-60); có ghi một bài thơ do Chu Xán làm trong dịp sang sứ bên ta năm 1683 (ở mục 102) bổ túc cho bài của thầy Hoàng Xuân Hãn trong Tập san Khoa Học Xã Hội kì số 3 vừa qua; có điều trích dẫn Quản tử (mục 74) về cách nhận ra đất nào có mỏ kim chất, mới đọc xem ra rất ngớ ngẩn, gần đây lại có chuyên gia khen đoạn văn Quản tử ấy là một kinh nghiệm quí về khoáng vật học cổ đại!

Bạn đọc chịu khó đọc lại Vân Ðài Loại Ngữ với tôi, còn thấy nhiều nữa. Trước khi đi vào chính-văn, chương IX, chỉ còn vài điều cụ thể về lề lối khảo đính, xin trình trong "Phàm lệ" ở dưới, để bạn đọc đỡ bỡ ngỡ và bực mình khi đọc sự "đọc lại" của tôi.
 
 
 

I.3. Phàm lệ
 

1. Trong chương "Phẩm vật" có một số mục mà tôi chưa có điều kiện thì giờ và tài liệu để khảo đính, đành tạm bỏ qua cho đến khi có thời cơ thuận tiện sẽ trở lại những mục ấy. Vậy dưới đây chỉ là tuyển dịch những mục nào đã khá "chín muồi".
2. Cơ sở bản dịch là bản chữ Hán (không biết gốc từ đâu, nhưng chép khá tốt) chụp in kèm trong bản B của Tạ Quang Phát. So kĩ với bản dịch A của Trần Văn Giáp, thấy rõ rằng các bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ Hán giống nhau về căn bản, nghĩa là trong khi chưa có điều kiện dùng các bản mà Trần Văn Giáp đã tham khảo, vẫn có thể tạm dùng bản chụp của Tạ Quang Phát.

3. Sự phân đoạn và đánh số các mục trong bản A có đôi chỗ chưa hợp lí (= phân những điều nên gộp, gộp những điều nên phân), nhưng gây nhiều tiện lợi cho sự trưng dẫn và đối chiếu trong khi biện luận. Vậy tôi cũng theo số mục ấy. Ai chỉ có bản B (hay C), chỉ cần mượn được bản A vài giờ và viết vào bản của mình các số mục của bản A.

4. Khi cần nêu xuất sứ tài liệu dùng để khảo đính, tôi theo lề lối của học giả Trung-hoa, chỉ chua số quyển, hoặc kèm thêm tên chương, chứ không chua số tờ; nhưng bao giờ cũng chỉ rõ, khi dẫn dụng lần đầu, tên người biên soạn, hoặc tên người xuất bản, và thời điểm in ra. Riêng về Bản thảo cương mục, tôi dùng 2 bản, sẽ gọi là A và B, đều do nhà Nhân dân Vệ sinh xuất bản ở Bắc kinh; A: in năm 1957, chụp ảnh y-nguyên bản khắc gỗ của Trương Thiệu-đường (1885); B: bản hiệu đính dựa vào bản 1603, xếp chữ mới (giản thể), từ 1975 đã ra được 3 tập bao gồm 38 quyển.

5. Tôi tránh lạm dụng sự gọi tắt. Ðọc đến đây, chắc bạn đọc đã quen mắt với những chữ tắt như LQÐ=Lê Quí Ðôn, VÐLN=Vân Ðài Loại Ngữ. Nay chỉ thêm cách gọi tắt bốn tác phẩm dùng nhiều, là BTCM = Bản thảo cương mục (A và B); QÐTN = Quảng-đông tân ngữ; Thông giám = Tư trị thông giám, có chú thích của Hồ Tam-tỉnh; Uyên giám = Uyên giám loại hàm.

6. Mỗi mục dưới đây gồm có hai phần: phần chính, dịch văn Vân Ðài Loại Ngữ, cố phân biệt cho tách bạch văn trích dẫn và lời bình của Lê Quí Ðôn, bằng cách khép dấu nháy kép (") khi văn trích dẫn chấm dứt, lại đèo thêm hai vạch nghiêng (//) trước khi chép lời bình của Lê Quí Ðôn; những chỗ có chữ cần chú thích thêm sẽ in đậm. Phần phụ, cách phần chính bằng một hàng gạch ngang (----------), là khảo chứng, hiệu đính và chú giải, cố viết cho gọn và vừa đủ rõ để phục vụ tốt cho Lê Quí Ðôn và bạn đọc, tránh nặng lời khi nêu những sơ hở của hai bậc tiền bối Trần Văn Giáp và Tạ Quang Phát (vì mang ơn hai vị rất nhiều: không có hai bản dịch của họ thì còn sơi tôi mới dám võ vẽ khảo đính Vân Ðài Loại Ngữ).


Người anh của Mã Viện có nói: "Lương công bất thị nhân dĩ phác", một câu châm cảnh mà Hồ chủ tịch đã từng nhắc nhở các nhà sáng tác. Nay tôi lại đem cái "phác" của hai vị kia ra mà phanh phui, kể cũng thất đức lắm đó. Nhưng mục đích bài này không nhắm chuyện cá nhân, mà là muốn đặt ra một vấn đề về cổ học, và thử đề ra một giải pháp. Trong khi biện luận, không tránh được phải phê bình; cốt sao đừng viết ra chỉ vì "gặp tuần vạch lá, thỏa lòng tìm sâu". Kẻ hậu sinh làm sao quên được lời của Hoàng-phủ Thực mà Lê Quí Ðôn dẫn ở Vân Ðài Loại Ngữ, V.33 (A:1, tr. 244 = B:2, tr. 107): " Gần đây phong giáo khinh bạc, gắng gỏi hư trương để lấn nhau ... đọc sách chưa biết chấm câu đã dám chê bai ông Phục ông Trịnh". Ðáng gẫm lắm thay!

*
*     *





II. Ðọc chương Phẩm Vật (Vân Ðài Loại Ngữ, IX)

1. Kinh Dịch nói: "(Ðầy rẫy) khoảng giữa trời và đất, rặt là muôn vật." (Tự quái, 1) // Muôn vật đều có lẽ đương nhiên, lại có cớ sở dĩ nhiên; suy lẽ và tìm cớ, có thể lấy một lời trùm cả: "tự nhiên" mà thôi. Nhà cửa, đồ dùng, thuyền bè xe cộ, áo quần, món ăn thức uống, vật nào cũng có một lẽ ... (miễn dịch tiếp) ...
----------
Mục này, chỉ có câu đầu là trích Dịch mà thôi, mà tước bỏ chữ nằm ở đầu câu, là doanh (đầy rẫy). Sau đó là lời bàn của Lê Quí Ðôn đặt nền móng triết lí cho cả chương. Hơi tiếc rằng trong mục có công dụng "khai mòn kiến sơn" này, Lê Quí Ðôn dùng rặt những ý niệm và từ ngữ của Tống nho, hai anh em họ Trình (Y-xuyên và Minh-đạo) và Chu-tử là những người xướng ra những chữ như tự nhiên chi lí (xem Vân Ðài Loại Ngữ, VI.11), vạn vật giai hữu lí, lí đương nhiên và lí sở dĩ nhiên, mở cuốn Ðại học chương cú của thầy Chu ngay trong tiết 5 đã gặp rồi. Ai không tin, có thể tìm đọc cuốn Ðại cương triết học Trung-quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, I, 204-208, 217, 530-531. Trong kinh Dịch, làm gì có những thứ đó? Bản B tưởng rằng câu văn Dịch chỉ chấm dứt với câu "một lời trùm cả: tự nhiên mà thôi". Bản A không chép dấu nháy kép, làm như cả mục 1 đều là Dịch cả.
 
 

2. Sơ học kí (q. 24, 2: Thành quách): "Hoài nam tử (1: Nguyên đạo huấn) chép rằng Cổn (cha vua Ðại Vũ) làm ra thành; Ngô Việt xuân thu chép rằng Cổn đắp thành để giữ vua, làm ra quách để giữ dân. Ðấy là khởi thủy của thành quách."
----------
Mục 2 trọn vẹn là trích Sơ học kí, kể cả câu cuối cùng, hoặc trích trực tiếp, hoặc xuyên qua Uyên giám 340. Mục này, và mục 3, 21, 65, 68, 71, 130, trích những truyền thuyết về khởi thủy sáng tác ra một số đồ vật. Tôi tuyển dịch một vài mục chỉ để minh họa phép khảo đính: nhờ phép này mà biết được chỗ nào có hay không có lời bàn của Lê Quí Ðôn. Trong mục 2, không có.
 
 
 

3. Hoài nam tử (19: Tu vụ huấn) chép rằng Thuấn làm nhà, đắp tường, lợp mái, khiến người ta biết bỏ hang hốc mà đều có nhà cửa." Ðấy là khởi thủy (của tường và nhà) vậy.
----------
Nhờ khảo chứng mà đính chính được chữ Thuấn bị chép sai ra chữ Thùy (mặt chữ gần giống nhau) trong các bản Vân Ðài Loại Ngữ, làm lầm cả A lẫn B. Lại biết rằng khi ghi mục 3 này Lê Quí Ðôn không có đọc trực tiếp Hoài nam tử: trong sách này không có câu nhận xét nằm ở cuối mục. Câu này, cũng như câu cuối mục 2, là của các tác giả Sơ học kí (24, 12: Tường bích); bốn chữ nhận xét của Sơ học kí (thử, kì thủy dã) bị người sao chép Vân Ðài Loại Ngữ (hoặc chính là Lê Quí Ðôn ?) đổi ra "thử, tương ốc chi thủy dã", cho rõ nghĩa hơn, lại đổi mấy chữ trong Hoài nam tử (các hữu gia thất = ai nấy đều có nhà cửa) ra 3 chữ "tựu cung thất" (bản B dịch sát là "đến ở nơi cung thất"). Trong Hán văn, không có dấu chấm câu, cho nên khi gặp những câu nhận xét của Sơ học kí (= một thứ tiền thân của Vân Ðài Loại Ngữ! vừa có trích dẫn, lại có khi có nhận xét), người thì tưởng rằng câu ấy là của Lê Quí Ðôn (như trong bản A), bên Tàu thì lại có người tưởng đó là của Hoài nam tử, vì không nhận ra thể thức trích dẫn của Sơ học kí: xem Uyên giám 350, và các dẫn chứng khác trong cuốn hiệu đính Hoài nam tử của Lưu Văn-điển (tập năm), một người nổi tiếng về hiệu đính học! Thế mới biết "Bắc nho" cũng có nhiều hạng ...
 
 

4. (miễn dịch lại, văn không có gì là khó).
Chỉ cần chua xuất xứ đích xác thôi. Mục 4 chắp vá 3 chú thích về 2 kinh điển khác nhau: 1) một đoạn trong Luận ngữ 10 (Hương đảng) tiết 4 (câu "Lập bất trung môn, hành bất lí quắc"), với lời sớ của Hình Bính đời Tống (trong Thập tam kinh chú sớ), và lời bàn của Chu-tử trong Ngữ lục 38 (từ đó chuyển sang Luận ngữ tập chú trong Tứ thư đại toàn 5); 2) một câu ("Tân nhập bất trung môn ...") trong Lễ kí (chương Ngọc tảo, 2), với lời sớ của Khổng Dĩnh Ðạt: tức là lời mà Lê Quí Ðôn gọi một cách mơ hồ là "tiên nho nói rằng".
 
 

5. Trạch cũng gọi là đệ, ý nói có thứ đệ cao thấp.
----------
Ðây là âm huấn rất gượng ép của Hán nho. Ðiều lạ là bản chữ Hán Vân Ðài Loại Ngữ nói là trích từ sách Phong thổ kí của Chu Sử: vẻn vẹn có 5 chữ mà có đến ba điều lầm: 1) bản B hiểu 5 chữ "Chu Sử Phong thổ kí" là "Phần Phong thổ kí trong sách Chu Sử"; 2) bản A không đính chính được rằng ông họ Chu đó tên là Xử (như trong xuất xử, xử tử); 3) Phong thổ kí là một dật thư (như Trần Văn Giáp đã chú thích), những mẩu vụn còn lưa trong các loại thư không có âm huấn đó. Chính ra đó là một chú giải của Mạnh Khang trong Tiền Hán thư (Cao-đế kỉ, hạ), mà không có chữ "cũng" (diệc), từ đó chuyển sang Sơ học kí 24, 8 (Trạch) mà có thêm chữ "cũng", lại chuyển sang Uyên giám 345 với cái xuất xứ mơ hồ: Sơ học kí.

9. "Trong Cổ nhạc phủ có bài ca của vợ Bách-lí Hề: ... Ức biệt thì .. xuy diễm di. (= nhớ khi chia tay nhau ... lấy chắn cửa nấu cơm ...). Nguyệt lệnh chương cú của Thái Ung nói rằng kiện là cái đòn gài để chắn cánh cửa, có khi gọi là diễm di".
----------
Trọn vẹn mục 9 này là cắt xén một đoạn trong một cuốn mà Vân Ðài Loại Ngữ trích dẫn khá nhiều (khi thì nêu rõ xuất xứ, khi thì chỉ kể tên tác giả, hay chỉ kể tên sách, khi thì chẳng kịp chua gì cả, như ở mục 9 này), là Nhan thị gia huấn của Nhan Chi-suy (531-591) (tên ông ta đọc là suy chứ không nên đọc là thôi), chương 17 (Thư chứng), có chép đủ 6 vế (mục 9 chỉ giữ lại có 2 vế, lại đổi chữ ức ra chữ lâm) của khúc thứ nhất trong bài ca Bách-lí Hề gồm cả thảy 3 khúc (nay còn chép cả 3 trong loại thư Bắc đường thư sao, 28; và bộ Nhạc phủ thi tập, 60, của Quách Mậu-thiến, trong Tứ bộ tùng san). Bản B có dịch khúc thứ nhất. Tôi chưa biết thoại Nhan thi gia huấn trong Thuyết phu, 71 (= thoại mà Lê Quí Ðôn đã đọc) chép ra sao, chứ bản Vân Ðài Loại Ngữ hiện hành đã chép sai chữ kiện (có bộ mộc, hoặc bộ kim, bên chữ kiến là "dựng lên, làm ra") ra chữ kiến mất bộ tả bàng, khiến một danh từ biến ra một động từ (A dịch là "làm", B dịch là "dựng"); lại chép sai chữ chỉ (là "dừng", "ngăn chặn", "chắn") thêm một nét ngang ở trên, hóa ra chữ chính (khiến cả A lẫn B đều dịch là "ngay ngắn").
 
 

11. (a) Bác vật chí chép rằng ở Giang lăng có cái đài rất to ... (xuất xứ: có thể là Sơ học kí 28, 6: Ðài; Thiên trung kí 15; Uyên giám 346).
Chử cung cố sự chép rằng Lâm-xuyên-vương (Lưu) Nghĩa-khánh (403-444) khi tại trấn có dựng ở bãi La-công một cái quán rất to, mà chỉ có một cột (gọi là Nhất trụ quán".// Cổ nhân có kẻ cũng đã hiếu kì!
----------
Tên sách ở đoạn 2, nên theo Uyên giám 343 để chữa chữ chép sai ra Chư (ngôn + giả). Lưu Nghĩa-khánh, người hoàng phái đời Lưu Tống, là tác giả tập bút kí nổi tiếng là Thế thuyết tân ngữ. Nhân đọc điều chép về Nhất trụ quán, Lê Quí Ðôn sảy nhớ liên hệ tới một kì quan của người Việt, miêu tả trong tấm bia chùa Ðọi mà chắc hồi sinh thời Lê Quí Ðôn nó còn khá nguyên vẹn, tiếc rằng ông không để lại một bản sao đầy đủ hơn, mà chỉ lấy có vài câu như sau:
11 (b)// Chùa Diên-hựu ở phía tây đô thành nước ta, trùng tu từ năm Long-phù thứ nhất (1101) đời Lí, cũng chỉ có một cột. Xét văn bia tháp Sùng-thiện diên-(linh) (1121) ở (chùa) núi (Long)-đội có chép (99 chữ) như sau ... (xin miễn trích) ... Vậy có thể thấy được thời ấy xây dựng khéo đẹp.
----------
99 chữ trích trên đây, tôi không chép, cũng không dịch lại, vì công việc đơn thương độc mã này vừa rườm mắt bạn đọc vừa vô vọng. Ngày nào được về xem bản rập mới của Viện Nghệ-thuật, cùng bản cũ của thầy Hoàng, có lẽ tôi sẽ trở lại đoạn này. Hôm nay chỉ có ý nhắc với giới chuyên môn rằng trong Vân Ðài Loại Ngữ này có gần 100 chữ may chi có thể góp phần vào việc đọc bài bia gần đây mới được công bố một cách kì khôi bằng chữ Hán giản thể trong tập Thơ văn Lí Trần, I, của viện Văn học. Ðoạn trích trong mục 11 này tương ứng (với vài dị điểm) với những trang 391 (chữ Hán kiểu mới!), 398 (phiên âm) và 405 (dịch); một phần đoạn ấy đã được dịch trong Lí Thường Kiệt tập II của bản sư, ông Trần Quốc Vượng cũng có dịch.
 
 

18, và 22. (dẫn Tam tài đồ hội của Vương Kì, tên tự là Nguyên-hàn), ghi từ ngữ tiếng Việt: vựa chứa thóc, tròn gọi là độn, danh từ này gần với tiếng ta (= gần với đụn); Sư cốc giới, nay nước ta tục gọi là cái sàng; đòn để gánh, nước ta tục gọi là đòn gánh; các thứ có tên chung là cược, nước ta tục gọi là cái cuốc.
----------
Tôi chưa đọc Tam tài đồ hội, nên chưa khảo đính gì về hai mục 18 và 22. Chỉ là muốn ghi những tư liệu tiếng nôm mà lâu nay ít ai đi dò trong chương IX này.
 
 

25. Ðiệm (cũng đọc là đàm) là chiếu tre. Chú thích (của Hồ Tam-tỉnh) trong Thông giám (quyển 283, năm 942, tháng mười) nói rằng "giác đàm" là chẻ tre vót thành sợi nhỏ mà ken lại, giữ (?) lấy đốt-tre, cạo vỏ xanh, nhẵn bóng dễ ưa. Người Nam-man có khi lấy dây mây trắng làm chiếu ấy."// Trong Thượng thư, thiên Cố mệnh (xem bản dịch của Nhượng Tống, trang 179) có câu "Phu trùng miệt tịch" (= trải chồng chiếu đan bằng tre), tức là thứ ấy; lại có câu "Phu trùng duẩn tịch" (= trải chồng chiếu măng tre) mà sư Tán-ninh có nói ... (lược đoạn cuối, vì tôi chưa tham khảo được thoại nằm trong Thuyết phu 105, tác phẩm trứ danh của vị này là Duẩn phả).
----------
Khi nào tìm ra gốc gác đích xác về xuất xứ văn trích trong Vân Ðài Loại Ngữ thì tôi chua ngay chi tiết vắn tắt bên cạnh tên sách, để tránh chú thích hơi lòng thòng. Trong mấy mục trên kia, tôi đã chua như thế, riêng với những sách như Thông giám (có kèm chú thích của họ Hồ) thì càng dễ mách xuất xứ, vì đó là sử biên niên: tôi theo gương bản sư trong cuốn Lí Thường Kiệt, mỗi khi nêu xuất xứ ở sử Toàn thư chỉ cần chua rằng sự việc nằm ở năm nào tháng nào, là đủ chính xác và dễ kiếm cho người đọc rồi. Với sử Thông giám cũng vậy.
Trong thiên Cố mệnh có bốn đoạn nói về 4 thứ chiếu khác nhau, thuộc về bốn phương đông tây nam bắc, đều bắt đầu bằng hai chữ phu trùng; chữ phu mặt chữ hơi giống chữ sổ, nên bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ Hán đã chép sai chữ phu thứ hai ra chữ sổ, sự sai đó không có gì là đáng lạ. Ðáng lạ là các vị hiệu duyệt bản A đã không giác ra cái lầm bé tí ấy.
 
 

26. Trong (Uyên giám) loại hàm (quyển 377) có trích dẫn sách Lục thao: đời Kiệt Trụ phụ nữ mặc áo gấm vóc ngồi trên chiếu bọc lăng hoàn ...".// Ðời thượng cổ đã có chế tạo quí đẹp rứa đó.
----------
Sau hai chữ lăng hoàn (không phải lăng nhung, như A đã đọc lầm) là hết đoạn trích dẫn Lục thao trong Uyên giám; chưa biết tại sao bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ Hán lại thêm mấy chữ "thường có đến 300 phụ nữ". Tôi chưa khảo được.
 
 

29. (nói về hai kiểu ghế khác nhau. Trọn vẹn mục này, kể cả sơ khởi nêu ra tên Trình Ðại-xương, 1123-1195, là dẫn trực tiếp lời chú thích rất dài của Hồ Tam-tỉnh trong Thông giám quyển 242, ngày tân mão năm Trường-khánh thứ hai đời Mục-tông, vào tháng chạp = 20 tháng giêng 823. Bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ Hán tước bớt mấy chữ, khiến đoạn cuối rất mơ hồ, cả hai bản A và B đều hiểu sai ý họ Hồ. Nay tôi không hiệu đính, mà "tra hẳn nguyên văn", dịch lại như sau. Xin nhắc lại: tất cả mục này là văn của Hồ Tam-tỉnh, kể cả điều trưng dẫn sách Diễn phồn lộ của Trình Ðại-xương):
(a) "Diễn phồn lộ" của Trình Ðại-xương chép rằng: "Ghế giao-sàng bây giờ, chế tác là do từ mọi rợ, nên buổi đầu gọi là "hồ sàng". Nhà Tùy kiêng lời sấm có chữ "hồ", đổi tên là "giao sàng". Vua Ðường Mục-tông ngự trên ghế thừng lớn (đại thằng sàng) tiếp kiến bầy tôi ở điện Tử-thần, vậy thì ghế ấy lại có tên là "thằng-sàng".
(b) Tôi (= Hồ Tam-tỉnh) xét rằng giao sàng và thằng sàng, nay nhà nào cũng có, mà là hai kiểu khác nhau: 1) giao sàng đặt tréo cẳng ngỗng thanh gỗ làm chân, hai chân trước và hai chân sau đều có thanh gỗ ngang, dưới đáy phẳng, khiến đặt xuống đất thì yên; đầu trên chân ghế, trước và sau cũng có đặt thanh gỗ ngang, phần trên phẳng, thanh ngang ấy có khoan lỗ để xỏ dây thừng, khiến có thể ngồi lên được; chỗ chân ghế tréo cẳng ngỗng cũng khoét lỗ, lấy sắt xỏ qua: gấp ghế lại thì cắp nách được, duỗi ra thì ngồi được. Vì chân nó giao nhau (= tréo), nên gọi là giao sàng. 2) thằng sàng thì làm bằng ván cây, người ta ngồi lên trên đủ rộng để đằng trước có thể co gối, đằng sau có cái dựa lưng, hai bên phải trái có chỗ tì tay, lại có chỗ gác cùi chỏ, bốn chân ở dưới sát đất".
 
 

30. Thông giám (quyển 176, năm 584) của Ôn-công (Tư-mã Quang, 1019-1086) chép rằng Hậu-chủ nhà Trần (= Thúc-bảo, 582-589) khi có chính sự lớn (= khi lâm triều) thì thường dựa ẩn nang. Chú thích (của Hồ Tam-tỉnh): ẩn nang làm bằng cái túi có nhét đồ tế nhuyễn (= lụa là, v.v...), đặt cạnh chỗ ngồi, ngồi mỏi thì nghiêng mình co khủyu mà dựa vào".// Tức là cái ỷ tử bây giờ. (Nhan thị) Gia huấn (chương 8: Miễn học) của Nhan Chi-suy có câu: "bằng ban-ti ẩn nang" (dựa vào cái ẩn nang bằng tơ lụa có vằn hoa)
----------
Gốc của Thông giám 176 là truyện Trương Quí-phi trong Nam sử (= truyện Trương Lệ-hoa). Ðoạn này đã được ông Hồ Thân-chi chú giải khá rõ, lại được ông Lê Quế-đường góp thêm tài liệu, thế mà rất tiếc hai dịch giả bản A và B đã không chịu khó đọc cho tốt:
- Ỷ tử là cái đồ để dựa khuỷu tay, không phải là cái ghế dựa. Nó là cái gối tay tức là cái ẩn nang, trong tiếng phổ thông bên Tàu gọi là cái kháo chẩm (gối dựa).
- Ðoạn trích Nhan thị gia huấn không có trong bản Vân Ðài Loại Ngữ chữ Hán chụp ảnh trong bản Tạ Quang Phát; Trần Văn Giáp có điều kiện tham khảo bản đủ hơn, mà vì không khảo đính lên gốc, nên bị sai lầm của bản chép tay đánh lừa: đã không giác ra được rằng người ta viết ti lầm ra tôn (hai chữ hơi giống nhau, vì đều có chữ hệ ở hữu bàng), lại tưởng rằng ban tôn là tên người, nên bản A dịch 5 chữ bằng ban-ti ẩn-nang của họ Nhan ra "tựa vào cái ẩn nang của Ban tôn"; dịch vậy cũng biết là không trôi, nên đành có chú thích (A, tập 2, trang 134): "Câu này không hiểu nghĩa, e có sai chữ gì đấy!"
- Xin thêm một văn liệu Việt Nam. Ai có đọc bài Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Ðĩnh Chi chắc còn nhớ câu đầu: "Khách hữu: ẩn kỉ cao trai...": ẩn là dựa, (chữ trong Mạnh tử. IV.11).
 

(còn nữa)
(trích Tập san Khoa Học Xã Hội, số 5, tháng 12-1978, trang 63-80)
Hợp Lưu số 34