Tạ Trọng Hiệp


ÐỌC CUỐN HIỆU CHÚ "BÍCH CÂU KÌ NGỘ" (1)
CUẢ ÔNG HOÀNG XUÂN HÃN



 Từ mười năm nay, nước ta đã khôi phục được chủ quyền, ai cũng nghĩ rằng văn hoá dân tộc hẳn phải phát triển mạnh lắm, vì có thúc đẩy của nhu cầu nhà trường và sự "khát đọc" của người dân một nước độc lập muốn hiểu rõ quá khứ của mình để vững thêm niềm tin vào hiện tại và tương lai.
 Ta không khỏi buồn  -và ngạc nhiên- khi thấy rằng, cho đến hôm nay, công tác ôn cố để tri tân ấy vẫn còn bạc nhược quá. Cũng may là về sử học, nhờ cố gắng của một vài nhóm (như Ðại học Luật Sài gòn, Ðại học Huế, viện Khảo cổ, sở Tu thư, nha Văn hoá v...v...), ta được đọc mươi bản dịch hoặc sách biên tập về sử điạ Việt Nam thời xưa.
 Nhìn riêng vào một thành phần căn bản trong văn hoá ta, là thơ văn của cổ nhân, thì ta hầu như thiếu hẳn những công trình sưu tầm và chú giải mới. Ða số các bản văn mà ta có trong tay chỉ là in lại bản cũ của thời tiền độc lập, giá trị rất thấp, nay không thể thoả mãn ta nưã. Giới nghiên cứu và giảng dạy Việt văn ở bên kia con sông tuyến có tìm cách bổ cứu khuyết hám này; nhưng đối với độc giả ở đây thì các sách văn hoá của họ dẫu có cũng như không. Vả thảng hoặc sách có đến được tay ta thì sự dùng cũng bất tiện lắm: phần khảo chứng có khi đáng chú ý (vì đất Bắc còn có nhiều tư liệu về cổ văn), còn phần phiên âm và chú giải thì chưa đạt (trừ một vài ngoại lệ hiếm có, tỉ như bản BC của nhà sử học kì cựu Trần Văn Giáp mà tôi sẽ nhận xét thêm, dưới đây), đến như phần giới thiệu và bình luận văn chương thì rất lệch lạc, xuyên tạc, tóm lại là rất khả nghi, không đáng đặt vào tay hạng độc giả trẻ tuổi. (2)
 Vậy nên ta vẫn cần có những bản cổ văn hợp yêu cầu của ta hơn, viết bởi những soạn giả độc lập và khiêm tốn, những người chí nguyện đem tài sức phụng sự văn hoá chứ không có ý đem văn hoá phục vụ chính trị.(3)
 Không kể những cố gắng chưa thấy kết quả lớn của hai ông Bửu Cầm và Nguyễn Văn Hầu (4), theo sự nghe và đọc của tôi, tôi chỉ đếm được có bốn tác phẩm mà thôi: hiệu chú Quân Trung Ðối (tác giả: Nguyễn Chu Kiều, em ruột Nguyễn Du) của ông Nghiêm Toản (5), sao lục và bình luận Truyện Song Tinh (Nguyễn Hữu Hào) của ông Ðông Hồ (6), di phẩm sao lục Dương Từ Hà Mậu (Nguyễn Ðình Chiểu) của cố học giả Phan Văn Hùm (7), và chú giải Giai Nhân Kì Ngộ (Huỳnh Thúc Kháng) của ông Lê Văn Siêu (8). Thế nên, nhận được cuốn BC này, tôi mừng như kẻ khát lâu được bát nước mát, đói lâu được bữa cơm ngon. Tôi vừa đọc vừa nhớ lại cảm giác hồi mười năm trước, khi đọc cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (gọi tắt là CPNBK). 

 Tác giả hẳn không cần tôi giới thiệu dài dòng; độc giả chắc cũng thừa ngấy ngôn từ tán tụng suông. Vậy, sau khi tóm gọn nội dung cuốn sách, thiết thực hơn cả là tôi xin trình cùng tác giả và độc giả vài nhận xét về vấn đề BC nói chung, về lối trị học và hiệu đính của ông HXH nói riêng, sau hết sẽ lặt ra một vài chỗ khảo chứng hoặc hiệu chú mà tự xét là có thể bổ chính phần nào. Tôi chỉ chọn bàn đến vài phương diện mà thôi, nghiã là "biết đến đâu thưa đến đấy". Với một cống hiến văn hoá phong phú như sách này, tôi tin rằng trong thời gian sắp tới chắc sẽ còn nhiều tiếng vang khác nưã. Riêng đối với các ý kiến tôi nêu trong bài này, vhắc độc giả -và tác giả- sẽ bắt gặp nhiều điểm non nớt và sai lầm, tôi cũng mong được chỉ giáo thêm.

NỘI DUNG BẢN BC/HXH

 Trong sách có bốn phần lớn, là: 

I. một bài Tựa, có tính cách gần như một đoạn tâm sự, kể lại những chặng vui buồn li hợp nào đã gắn bó tác giả với câu chuyện BC, trong suốt ba chục năm, nó đã gây cho ông một duyên nợ(9) mà bây giờ ông mới trang trải được: đối với ông, chuyện tiên ở BC không phải chỉ là một đề tài nghe nói gián tiếp xuyên qua mấy trang sách cũ khô héo. Di tích "ngòi Biếc" còn đó, đền Tú Uyên cũng vậy, ông đã có dịp thăm cổ tích ấy nhiều lần vì ông có người bạn thân ở ngay tại chỗ, người này lại cũng có nghiên cứu về tín ngưỡng thần tiên ở Việt Nam(10); lại cũng vì ám ảnh bởi chuyện BC mà Hoàng quân đã có hai lần  tao ngộ gần như là gặp tiên... 

II. một bài Dẫn chia làm hai phần:
 a) nghiên cứu về nguồn văn trực tiếp của truyện BC nôm, tức là truyện Bích Câu Kì Ngộ Kí chữ Hán. Sau khi tóm cốt chuyện nguyên tác này, ông khảo hai loại chứng (nội chứng: xét văn bản in nay còn trong sách Truyền Kì Tân Phả, xét đặc điểm ấn loát sách ấy, lại xét riêng ý nghiã tâm lí xã hội của bài thơ Truyền kì  dài 60 vần in ở các trang 55b-57b; ngoại chứng: cân nhắc sự gho chép của người đương thời) để xác định tác giả nguyên tác là ai. Kết luận của ông là: trái với ý của nhiều nhà văn học sử, đó là Ðặng Trần Côn chứ không phải Ðoàn Thị Ðiểm. Về thân thế họ Ðặng, tư liệu tham khảo nay rất hiếm; vả trong sách CPNBK Hoàng quân đã trình cả rồi; sau 10 năm, giới khảo cứu vẫn chưa tìm thêm được gì khác, nên ông đành nhắc lại các thu hoạch ghi trong cuốn sách cũ kia. Về thời điểm sinh tử của họ Ðặng, ông vẫn giữ con số 1710-1750. Nhưng lần này, khi bình luận về văn chương, ông đã khéo kết hợp các điều mà ta biết về tiểu sử tác giả với sự phân tích nội dung truyện TK(11), cho ta thấy một cá tính "lạc phách", một dự phóng giải toả " của kẻ hào hoa có dịp mượn văn chương thoát ra vòng khuôn sáo thường nhân". 

 b) xét riêng BC nôm tức là truyện diễn ca viết phỏng theo TK. Ông phân tích dị điểm giữa hai tác phẩm, một dị điểm có thể cắt nghiã bằng những trói buộc hoặc đòi hỏi đặc thù của hai thể văn khác nhau, một loại nưã có lẽ là phản ảnh sự bất đồng giữa hai cá tính văn chương.
 Rồi ông trình bày các bản nôm hiện còn, so sánh ba bản in cuối đời Tự Ðức, "xét kĩ từng trang, từng chữ, từng nét" mà đạt được những nhận định như:

 - tìm ra mối liên đới giữa ba bản ấy: cả ba tuy có vẻ khác nhau, thật ra chỉ là "rập từ một bản gốc mà ra", khi khắc lại thì "mỗi bản có chưã hoặc khắc lầm riêng". Ðể giúp ta hiểu lí do của cái đại đồng tiểu dị ấy, ông có nhắc đến điều kiện nghề in và xuất bản ở thời xưa.
 - xác định được thời điểm của bản gốc: xét những chữ đã viết huý (hoặc không huý), đoán được rằng "bản ấy được viết vào khoảng 1833-1840".

 Sau đó, ông tóm đại cương phép hiệu đính, nêu ra ba cấp độ khác nhau tuỳ theo trình độ từ dễ đến khó (cf. tường giải, dưới đây). Ông cho biết rằng sau khi đã hoàn thành hiệu đính trên cơ bản ba bản in chữ nôm kia, ông lại duyệt lại tất cả, vì có tham khảo được một thoại khác nưã, xuất hiện năm 1958: đó là bản PT (12) của ông Trần Văn Giáp, phiên âm theo bản nôm viết tay nay còn chép trong gia phả dòng dõi Vũ Quốc Trân, tức là "cụ mền Ðại Lợi", của một người sống thời Minh Mạng-Tự Ðức. Bản PT có nhiều ưu điểm, bổ túc cho vài chỗ lạc vần hoặc đứt đuôi trong ba bản in, lại bổ chứng và củng cố thêm nhiều thoại hiệu đính của bản HXH. Nhưng bản PT cũng có vài chữ sai chung với ba bản nôm in, khiến phải nghĩ rằng tất cả bốn bản đều cùng một gốc mà thôi. Thời điểm của bản gốc này -nếu khảo chứng của Hoàng quân là đúng- là "viết vào khoảng 1833-1840": bởi lẽ ấy, ông chưa công nhận thuyết của ông TVG cho rằng Vũ Quốc Trân chính là tác giả truyện BC nôm, vì "bấy giờ họ Vũ chưa sinh, hoặc còn nhỏ lắm". Xét bút pháp trong truyện và các dấu vết ảnh hưởng văn Kiều, ô. HXH vẫn nghĩ rằng có lẽ phải tìm tác giả trong đám văn phái Hồng sơn. 

 Bình luận về văn chương BC, ông phân tích hình ảnh, bút pháp, từ điệu, cho ta thấy rằng "văn điêu luyện vào bực nhất, ngang hàng với Mai Ðình Mộng KíKiều. Xét tâm lí, ta thấy rằng từ TK  mà chuyển sang diễn ca có vài dị điểm quan trọng tỏ rằng tác giả diễn ca không hoàn toàn tán đồng cái lạc phách triệt để của tác giả TK, mà vẫn còn ràng buộc ít nhiều với danh giáo của nhà nho: dự phóng thoát sáo bị kềm lại vài phần, khiến văn gọn và thanh hơn trong TK, nhưng cũng vì vậy mà nhạt hơn, nhẹ phần sôi nổi và nặng phần "lí sự". 

III. Trình bày chính văn BC nôm. Văn không in liên tiếp một mạch, mà chia thành chương, thành đoạn, đặt dưới từng đề mục một. Phần hiệu chú ở dưới chính văn thường gồm ba tầng:

 - diễn xuôi nghiã từng câu;
 - hiệu đính hoặc giải nghiã văn từ;
 - bình luận văn chương, phân giải các nét nghệ thuật mà ông đã khái quát ở cuối bài Dẫn.

 Phần chính văn có tiếp thu các cống hiến của bản Vũ Quốc Trân. Tăng thêm mấy vế ở những chỗ lạc vần trong các bản nôm in, nhất là thêm 22 vế ở cuối truyện. Tuy tiếp thu thoại ấy, nhưng ông có phê phán những chữ khả nghi. 

IV. Phụ lục TK: dịch trọn nguyên tác, cũng phân chương đoạn giống như ở BC nôm trong phần III, lại nêu sự song hành giữa hai tác phẩm bằng những số mục chung, khiến sự đối chiếu thêm tiện lợi. Thỉnh thoảng cũng có cước chú về điển tích dùng riêng trong nguyên tác. Các đọn vận văn trong TK đều được dịch thành thơ; nhưng có vài bài không dịch, vì ý trùng lặp. 

 Cuối sách có thêm hai bảng tham khảo:

 - Tự vị: không phải chỉ là thông kiểm từ ngữ giúp ta tra xem chữ nào nằm ở vế nào, lại còn bổ túc giải thích cho khá nhiều chỗ chưa kịp hay không tiện tường giải trong các hiệu chú ở phần III. Khi gặp danh từ Hán, hoặc thành ngữ nôm mượn ý một thành ngữ Hán, ông đều có chua thêm chữ Hán của tiếng gốc; tuỳ từng trường hợp, ông nêu nguồn gốc điển tích hoặc dẫn văn liệu trong thơ văn nôm, hay trong tự vị cũ, để xàc định tinh nghiã.
 - Bảng kê chữ vần.
 Nhân bản in của nhà Ðại học đã xếp sai sót nhiều chữ, ông có phụ thêm một tờ Cải chính mà độc giả nên dưạ theo để sưả lỗi in trước khi đọc.



NHẬN XÉT CHUNG


1) Một thái độ trị học 

 Một ưu điểm chung của tác giả, kể từ các cuốn cũ như Lí Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử, CPNBK, cho đến cuốn BC này, có thể gói gọn trong bốn chữ thâm nhập thiển xuất, nghiã là ông vốn có một học vấn uyên bác, lại tìm được rất nhiều tư liệu mới lạ, tư liệu đã nhiều thì cũng dễ gây phiền toái chi li trong sự thẩm định và nghiên cứu, thế mà luôn luôn ông có khả năng chấp giả ngự phiền, bố cục toàn sách và mạch lạc câu văn, bình luận bao giờ cũng phân minh giản dị, dễ đọc dễ hiểu. Nội dung phong phú, trình bày giản dị: đây chưa phải là tác phong thường thấy trong giới khảo cứu ở nước ta đâu. 


2) Những giác sắc mới 

 Bẵng đi hơn 10 năm từ sau cuốn CPNBK (in năm 1953), ta được đọc thêm một tác phẩm nưã của ông, nhận thấy rằng trong thời gian "im lặng" ấy(13), sự nghiên cứu của ông vẫn tiến triển, và nay đã đạt đến mức độ toàn diện. Trong cuốn BC này, ta vẫn thấy hai sở trường cố hữu của ông, là khảo chứng sử liệu và nắm vững chữ nôm và cổ ngữ để hiệu đính văn bản. Nhưng lần này, ông kiêm trị nhiều phương diện khác mà trước đây ông chưa làm kĩ hoặc không làm: 

 a) bình giá văn chương: phần này thiếu hẳn trong cuốn Thi Văn Việt Nam (1951; sau đây sẽ gọi tắt là TVVN), hoặc chỉ khái quát vắn tắt -mà thiên về phân tích từ điệu- trong non một trang bài Dẫn các cuốn ÐNQSDC và MÐMK và CPNBK. Nay ông giải tường tận hơn, dõi theo toàn bộ từng đoạn trong BC mà vạch ra các nét nghệ thuật ẩn kín; lắm chỗ ông bình luận rất khám phá, cho ta thấy mối liên hệ giữa kĩ thuật hành văn và cá tính của tác giả. Ngay những trang khái quát trong bài Dẫn cũng đáng chú ý lắm, cung cấp cho ta những nhận định tổng kết về đặc sắc của BC, bằng cách so sánh tư tưởng và nghệ thuật của TK và diễn ca. Tôi cho rằng đây là một trong những cống hiến quý nhất của bản BC/HXH, nó làm cho một phê phán của bạn Nguyễn Văn Trung -"ông Hãn là một trong những người đầu tiên nghiên cứu văn học sử Việt Nam một cách khoa học nhưng chưa thể gọi ông là nhà phê bình văn học, vì ông chưa xác định giá trị nghệ thuật thẩm mĩ những tác phẩm mà ông nghiên cứu"(14)- nay hầu như không còn đúng nưã. 

 b) muốn thưởng thức nghệ thuật thì trước tiên phải hiểu rõ văn từ. Một trong những cái "hóc buá" của cổ văn là thủ pháp dùng điển cố, mà trước đây Hoàng quân chủ trương không cần tường giải - như trong bài Dẫn cuốn ÐNQSDC, ông viết: "sự tìm hiểu chú thích nhiều khi làm cho độc giả quên để ý đến nội dung chính của câu văn, và có thể ví với sự tò mò tìm vết ở vỏ mà quên xem ruột trái cây" -, hoặc trong các sách cũ, ta thấy ông nhường hẳn công tác ấy cho một người khác ( trong hai cuốn TVVN và MÐMK, người chú thích là ông Nghiêm Toản ), hoặc chính ông cũng có chú thích nhưng chưa dụng công nhiều (như trong CPNBK, chú giải phần điển cố phần lớn là dịch nguyên chú của bản Long hoà, dịch thôi chứ không khảo lại). Nay trong bản BC này, ông đã tận lực giải quyết loại khó khăn ấy, tra khảo rộng rãi để truy đến gốc điển tích, lại dẫn nhiều văn liệu Hán hoặc nôm để củng cố lời giải. Có điển khá xa xôi (tỉ như chim khơi bóng thuyền, ở vế số 66), nếu không đọc rộng như Hoàng quân thì có tra một trăm Từ Nguyên hay Từ Hải cũng không mò ra được manh mối câu chuyện.
 Ông cũng không ngần ngại chú giải những chữ thật ra không hẳn là khó, nhưng vì là loại đồng âm mà khác nghiã nên độc giả ngày nay dễ hiểu lầm: tỉ như lối mục, dấu tiều (v. 14), phách bướm (v. 27), nhờ ấm thung huyên (v. 19), chiều trời (v.45), thú mầu (v.77), hoa (v.80), người thơ (v. 93), nhờ đức Lão quân (v. 361), chén đồng (v. 413)... 

 c) hiểu điển cố và các hóc buá khác của văn từ cũng chưa đủ, vì từ ngữ trong một văn phẩm không phải là những thể đứng rời, riêng biệt; nó là thành phần nằm trong một tổ chức, một kết cấu, một mạch lạc. Nhưng mạch cổ văn rất khó theo dõi, vì đây không phải là văn xuôi mà là thơ, nhất là hạng thơ điêu luyện: hành văn quanh co, tứ văn xuất hiện một cách gián tiếp, bằng hình tượng ví von chứ không bằng suy diễn trừu tượng "thẳng băng một mạch". Thế cho nên Hoàng quân làm thêm một việc chú thích rất hữu ích, là toát yếu nghiã xuôi của từng câu từng đoạn một, đại khái giống như lối thể khí của Chu Hi (trong sách Thi tập truyện) hay lối tóm chương chỉ của Triệu Kì đời Hán (chú thích Mạnh Tử). Phần giải nghiã xuôi này cho ta thấy Hoàng quân có con mắt đọc cổ văn rất tinh nhuệ minh mẫn; luôn luôn ông nắm vững được mạch văn, cho đến đỗi có vài chỗ ông chưa được tra đúng điển cố mà vẫn giải đúng hàm nghiã của cả câu, cả đoạn ! (Xem "Bổ chính" dưới đây). 



3) Một ngẫu nhiên thú vị

 Một sự kiện giúp ta đo mức thành công của bản BC/HXH, là năm 1958 ông TVG cũng đã in ra một bản chú giải BC khá công phu, bản này rất ít người ở đây được đọc, ngay chính ô. HXH cũng không biết đến nó khi soạn bản của ông: đó là cuốn Bích Câu Kì Ngộ Khảo Thích(15), cũng dưạ vào thoại nôm Vũ Quốc Trân như bản PT nhưng không có tính cách "phổ thông" như bản PT, mà thuộc loại bị khảo tương tự như bản HXH, nghiã là có khảo chứng, có khảo dị văn bản, có phụ lục phần dịch gần trọn nguyên tác TK, có bảng từ vị ở cuối sách, và cũng có vài trang bình luận về tâm lí và nghệ thuật.
 Riêng đối với việc hiệu đính, tôi tưởng cần nêu ra một vài so sánh giữa hai bản HXH và TVG, vì ông HXH chỉ tiếp thu được thoại Vũ Quốc Trân xuyên qua bản PT mà thôi, bản này soạn không kĩ nên có một số chữ sai (tức là lỗi in), hoặc có chữ khác hẳn chữ trong bản TVG.



NHẬN XÉT RIÊNG

1) Ai là tác giả nguyên tác BC chữ Hán ? 

 Vấn đề mới nhìn thì tưởng không cần bàn cãi gì cả: nay còn chứng tích gán rõ nguyên tác cho Ðoàn Thị Ðiểm, tức là chữ ghi ở trang đầu bản in TK và lời chép của Phan Huy Chú trong sách Lịch Triều Hiến Chương (mục Văn tịch chí).
 Nhưng cũng có lời của Phạm Ðình Hổ (trong Tang Thương Ngẫu Lục) gán nó cho Ðặng Trần Côn. Do đó mà nảy ra mối ngờ. Trải qua khảo chứng của hai học giả HXH và TVG, cả ba chứng tích ấy đều lộ ra những nhược điểm như:

 a) ngay giữa TK và Phan Huy Chú dđã có điểm bất đồng;

 b) ô.HXH đã phân tích cách thức ấn loát để nghi ngờ giá trị của chứng tích TK. Ta cũng thấy ô. TVG dùng phương pháp ấy để nghi ngờ Tang Thương Ngẫu Lục (sau đây sẽ gọi tắt là TTNL): Phạm Ðình Hổ hẳn là một nhà kê cứu đáng tin, nhưng văn bản TTNL hiện hành thì chưa thể tin hoàn toàn được. Ngót một trăm năm sau khi viết ra, trải qua bao nhiêu lần sao chép truyền tay, đến năm 1896, TTNL mới được khắc in, thì văn bản tránh sao khỏi sai ngoa. Câu gán BC Hán văn cho Ðặng Trần Côn có thể là một câu chắp vá, vì nó nằm lạc lõng ở mãi cuối truyện họ Ðặng, sau khi dứt hẳn mạch văn, nghiã là câu ấy "có thể lấy ở đâu đem đặt vào cũng được, hoặc đem đặt vào dưới tiểu truyện ai cũng được" (TVG). 


 Nhưng thuyết HXH không phải chỉ dưạ vào TTNL mà thôi. Ông còn đưa ra hai lẽ khác:

 a) một chứng tiêu cực, bất lợi cho Ðoàn nữ sĩ, là các người thân cận của bà (như chồng, anh, cháu rể) đều không đả động gì đến BC khi kể tên các tác phẩm của bà trong gia phả hay trong văn tế;

 b) một chứng, thuộc về tâm lí xã hội, là bài thơ Truyền kì 60 vần (cf. bản dịch thơ của HXH, tr. 108-113; có anh chụp nguyên văn trong bản TVG, phụ lục IV/1-2), hình tượng tuy gián tiếp nhưng xét kĩ nội dung tả chân khá táo bạo (tả hình, nhất là tả thú vui của đêm hợp cẩn), nếu gán cho kẻ lạc phách họ Ðặng (hoặc một Hồ Xuân Hương nào đó!) thì hợp tình lí hơn là gán cho bà cung trung giáo tập họ Ðoàn.

 Theo tôi, chứng thứ hai này là điểm quyết định nhất -tuy chưa phải là chứng theo nghiã hẹp: nếu không thì đã chẳng cần bàn cãi !- trong thuyết HXH, nó phù hợp viên mãn với những gì ta đã biết về cá tính phóng túng của họ Ðặng. 

 Riêng trong thuyết TVG, có một luận điểm mà tôi cho là không vững lắm. Ô. TVG đã có đủ cảnh giác để nghi ngờ bản in TTNL hiện hành, không hiểu sao ông vẫn còn quá tin vào uy tín của bản in TK ? Ông nhắc đi nhắc lại hai lần (cf. bản TVG, tr.10 và 24) rằng nguyên tác "chỉ là một truyện trong sáu truyện trong sách TK", "không thấy có một bản BC chữ Hán riêng nào khác"; mà trang đầu bản in TK đã ghi rõ tên hiệu và tên họ bà Ðoàn, vậy BC chữ Hán hẳn phải là của bà. 

 Thật ra, ngoài bản TK, ta biết rằng nay còn ít nhất là hai thoại khác, tuy tôi chưa được đọc nhưng cũng xin kể ra, để phê phán hai chữ chỉ là của Trần quân:

 - một thoại trong tập mang kí hiệu A. 845 của thư viện trường Bác cổ cũ (cf. E. Gaspardone, Bibliographie annamite, tr. 113, chú số 1; cả tập gồm 176 tờ chép tay);
 - một thoại trong tập Truyền kì tập lục (cũng là sách chép tay, gồm 110 tờ) mà chính Trần quân đã giới thiệu cho chúng ta biết, cách đây vài năm(16)

 Trong cả hai tập ấy, BC đều để vô danh, chứ không thấy ghi tên bà Ðoàn. Cũng chính nội dung Truyền Kì Tập Lục (theo như ô TVG đã giới thiệu) giúp ta tài liệu để phủ nhận một luận cứ khác của ông. Ông viết: "không một lí do gì cả một tập văn in của một tác giả mà ở giữa lại xen vào một bài của người khác"(17). Nhưng ta thấy Truyền Kì Tập Lục đã làm việc "xen ke" ấy một cách rất hiển nhiên: trong tập ấy có chép 4 truyện trong TK xen lẫn với 10 truyện trong Truyền Kỳ Mạn Lục cuả Nguyễn Dữ ! Trong văn học ta, thiếu gì những chuyện "đầu Ngô mình Sở" như vậy; đây tôi muốn lặt ra hai trường hợp bất ngờ như:

 a) La sơn phu tử có bài thơ nôm Nhà Cả Triêm giáo Cả Trung chép trong Hạnh Am Thi Cảo(18) là tập do chính tay phu tử góp các thi văn của mình mà thành; nay không còn nguyên cảo, nhưng ôHXH có tham khảo được bản khá cổ (bản sao từ trước đời Tự Ðức), đầu bài thơ lại có chua thời điểm viết ra là "năm kỉ vị (1779) nhân ở nhà Giới thạch trai", vậy có thể tin là thơ ấy của phu tử. Vậy mà nay ta thấy bài ấy cũng chép xen vào thơ nôm trong tập Hồng Ðức(19)!

 b) Lại như bài Vịnh Vũng Bình Than đã thấy gán cho một "viên triều sĩ ở Hải Dương" và chép trong Công Dư Tiệp Kí (20), lại thấy xen vào tập thơ Hồng Ðức (21), rồi lại ngang nhiên xuất hiện như thơ Hồ Xuân Hương(22).

 Trở lại câu chuyện BC: hoặc giả có thể cho rằng hai thoại BC chép tay kể trên chỉ là thoại mới chép từ bản TK (riêng tôi cũng muốn nghĩ như vậy); và có thể cho rằng các chuyện "đầu Ngô mình Sở" mà tôi vưà kể chỉ là hiện tượng tam sao thất bản của loại sách chép tay, không đủ để nghi ngờ thuần xác tính của loại sách in đã có ghi rõ tên hiệu tác giả ngoài bià. 

 Nhưng có thật rằng hễ là sách in thì đáng tin không ? Như sách Nguyễn Trãi Gia Huấn, đúng là sách in đó, lại ghi rõ tên tác giả, thế mà có xen lẫn văn Phụ Trâm Tiện Lãm của Lí Văn Phức thì Trần quân giải thích ra làm sao ? Không những phần Phụ Trâm phải trả lại cho họ Lí, mà ngay các phần khác trong sách, có ai sẽ tin đó là thơ Nguyễn Trãi không ? Ðến một bản in đáng tin cậy như Ức Trai Tập, mà phần thơ quốc âm trong tập VII có xen lẫn thơ rút từ tập Bạch Vân của Trạng Trình nưã đó thì sao ? Ấy là chưa kể những ngoa án to tát hơn nưã, như bản in sách Lĩnh Nam Dật Sử ở nước ta, lấy nguyên văn một cuốn tiểu thuyết của Trung hoa(23) rồi biạ ra "giai thoại" Trần Nhật Duật dịch một nguyên tác bằng tiếng Mán ra chữ Hán(24), đủ khiến ta tin thế nào vào đức trung thực của bản in cổ... 


2) Vũ Quốc Trân là tác giả BC nôm ?

 Thuyết này do o. TVG đưa ra trong dịp ông công bố hai bản PT và TVG, công phu sưu tầm của ông quả đáng khen, nhưng phần lập thuyết thì còn quá ư lỏng lẻo, chưa có gì là quyết định cả. Nay ông HXH dò kĩ thể thức viết huý và dị điểm của các bản in (kể cả bản phiên âm của ô. TVG), tìm ra được một mốc thời gian rất nghịch với thời điểm sinh tử của nhân vật Vũ Quốc Trân thì mối ngờ đối với thuyết TVGlại càng tăng thêm. Như Nguyễn Văn Hoàn đã nhận xét rất đúng(25), tài liệu do ông TVG tìm ra chỉ cho phép ta khẳng định rằng "hiện nay, trong gia phả họ Vũ làng Ðan Loan có một bản BC nôm chép tay" chứ chưa đủ để "kết luận chắc chắn rằng Vũ là tác giả bản nôm kia. Thế thôi, không hơn không kém. Tạm thời, tôi nghĩ rằng ý của ông HXH có thể đúng khi ông nghi rằng tác giả BC nôm thuộc đám người thân thuộc với nhóm Hồng Sơn cuối Lê đầu Nguyễn. Truyện có một nghệ thuật "mĩ cảm lí trí", thanh mà luyện, rất dễ khiến ta liên hệ nó với Mai Ðình Mộng Kí Hoa Tiên


3) Lai lịch cốt chuyện BC 

 Chuyện có vẻ thuần tuý Việt Nam, Hoàng quân chưa tìm ra truyện Trung quốc nào tương tự, mà cũng không thấy trong sử sách ta "có bút tích gì trước bài TK kể chuyện Tú Uyên kết duyên cùng tiên nữ nhờ một bức hoạ". Nhưng ông nghĩ rằng chuyện có từ trước đời Ðặng Trần Côn, họ Ðặng chỉ "thêu dệt cho văn hoa thêm" mà thôi.
 Tôi chưa tìm ra sử chứng cổ hơn bài nguyên tác, nhưng có đọc một vài bút tích cổ hơn sách Hoàng Việt Ðiạ Dư Chí (sơ ấn:1833) mà Hoàng quân đã dùng để dò lịch sử, xin trình dưới đây cùng với một vài tài liệu khác - loại này không phải  sử liệu theo nghiã hẹp nhưng có thể hé cho ta thấy khiá cạnh xã hội học của câu chuyện - để củng cố một phần nào giả thiết của ông(26). 

A.- đoạn Hà sinh khuyên giải Tú Uyên (trong TK 48b, 49a, đương đối với các về-238 trong BC nôm), có nhắc đến chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên và làm thơ quốc âm trước chuà Ngọc Hồ. Ngoài TK, nay còn thấy hai bút tích trong sách nửa sau thế kỉ XVIII:

 a) La Thành cổ tích dẫn vịnh của Trần Bá Lãm (hoàng giáp năm 1787), mục Ngọc Hồ Tự có bài dẫn và bài thơ như sau27:
 Tiểu dẫn
 " Chuà ở xóm Tả (tả thôn), huyện Thọ Xương, nơi ấy có một nổng gò đất, hình trạng giống bầu rượu. Năm Kiến Gia thứ 8 (1218) đời Lí Huệ Tông, sai dựng chuà Phật ở đó, đặt tên là chuà Ngọc Hồ (bầu ngọc). Sau nhà Tần đổi làm chuà Thiên Phúc vì thường có tiên nữ đến đó bay lượn nhởn nhơ. Lê Thánh Tông đi chuà thắp hương , có một cô gái thấy xa giá tới thì lánh vào trong một bụi mẫu đơn, vua sai tìm cô, thấy nàng da tuyết mặt hoa, rõ ra bậc tuyệt thế giai nhân, bèn bảo lên ngồi cùng xe(28). Về đến trước cưả Ðại Hưng(29), tiên nữ nói: "Thiếp là tiên tào bị đày xuống trần, vốn có duyên nợ với bệ hạ. Nay hẵng xin tạm biệt, rồi ra còn gặp nhau." Nói xong, cưỡi hạc mà bay đi. Vua nhớ nàng khôn xiết, sai dựng lầu Vọng Tiên trước cưả Ðại Hưng, những mong được tái ngộ. Nhưng lối vào nguồn đào đã khuất xa..."
 Thơ
(đây mượn lại bản dịch thơ của ông Hoa Bằng)(30):
Dẫu không Bồng Ðảo có tiên sa
Tiếng ngọc rung rinh, núp dưới hoa
Ngoài cưả Ðại Hưng mờ mịt bóng
Nguồn đào ngăn lối, rẽ duyên ta
 b) phần tục biên sách Công Dư Tiệp Kí cũng chép tích ấy, lại có chép cả bài thơ nôm (như trong TK)(nhưng gán cho Thân Nhân Trung vâng mệnh vua thảo ra) cùng hai  câu chưã của tiên nữ(31). Phần tục biên không phải do tay Vũ Phương Ðề, nhưng chắc cũng đã viết trongnửa sau thế kỉ XVIII (hoặc đầu Nguyễn) vì ta còn thấy một đoạn khác trong tục biên có được trích dẫn trong TTNL của Phạm Ðình Hổ(32). 

B.- một mấu chốt quan trọng trong truyện là đoạn tiên nữ trong bức hoạ lén hiện ra những khi nhà vắng, dọn sẵn bưã cơm ngon lành cho Tú Uyên, rồi lại biến vào trong tranh; một khi cô bị "bắt quả tang" thì đành ở lại mà sống cho trọn trần duyên với người yêu. Theo tôi, đây là một tình tiết có gốc sâu xa trong nền tín ngưỡng bình dân; nếu tạm không xét khiá cạnh văn chương, có thể cho rằng chuyện kể trong TK là bản ghi lại một thoại cổ tích (variante d'un conte), một thoại Việt Nam của một cổ tích lưu truyền khá rộng ở Á Ðông, mà điểm trung tâm là: nhờ một linh vật làm môi giới mà có tiên lén hiện ra làm cơm cho người trần, sau khi bị chẹn lối về thì phải ở lại làm vợ cho người ấy. Ðó là đồng điểm chung trong các thoại, còn linh vật làm môi giới thì có thể là:

 a) một quả trứng, trong cổ tích Tày và Mường(33);
 b) một chiếc nhẫn cất trong một cái hũ, trong cổ tích H'Mong(34);
 c) một gióng gốc gỗ cây mai, trong cổ tích Mán Cao Lan(35);
 d) một củ sắn, trong truyện Bả Khó, cổ tích Thái(36);
 đ) một bức tranh, trong cổ tích Mông Cổ và trong truyện Thiết ngưu hành (cổ tích Hán)(37);
 e) một chiếc da chó, trong cổ tích Tây Tạng (38).

 Trong mỗi cổ tích ấy, linh vật đưa duyên hẳn là có ý nghiã tượng trưng mà ta phải xét riêng hệ thống hình thượng thần thoại ( représentations mythologiques) của từng dân tộc một, mới có thể giải thích được. Ở đây tôi chưa tiện viết dài, xin trở lại vấn đề này trong một dịp khác. 

 Nếu xét riêng công dụng của bức tranh trong BC, là giúp người trần gặp tiên và hành lạc với tiên mà đạt được đạo trường sinh, ta không khỏi liên tưởng đến một lề lối tu đạo của Ðạo Giáo thời cổ: đó là khoa phòng trung chi thuật, dạy cách hoàn tinh bổ não theo bí truyền bày vẽ (hẳn là có vẽ) trong sách Tố Thư của nàng Tố Nữ(39). BC là một truyện tiên, thì công dụng của bức tranh Tố Nữ trong truyện có thể giải thích theo ý nghiã huyền nhiệm ấy; công dụng trần tục của bức tranh có thể ví như loại shunga (xuân hoạ) của người Nhật vậy. Ðây không phải là tôi tán rộng đâu: ta còn nhớ đến cách tu tiên theo phòng trung chi thuật của Nguyễn Hoàn, một người sống gần đồng thời với Ðặng Trần Côn(40), một hiển chứng về tập truyền Ðạo Giáo ở nước ta thời ấy. 

 Xét chung lối thủ tài của các truyện trong tập Mạn Lục và trong tập TK, ta cũng thấy một số truyện bén rễ trong tín ngưỡng dân gian, như chuyện Liễu Hạnh, Từ Thức. Ðặc biệt là truyện Dạ Xoa Bộ Soái (cuối tập Mạn Lục), gốc chuyện chính là thần tíchthần ôn dịch của làng Thượng Hội (huyện Từ Liêm, phủ Hoài Ðức, tỉnh Hà Ðông), đến những năm gần đây dân làng hãy còn thờ, hằng năm có lệ rước thần vào buổi rằm tháng giêng(41). 


4) Ý nghiã triết lí của BC nguyên tác và nôm 

 Hai ông TVG và HXH đều vạch ra một nét lớn trong BC, đó là ước vọng thoát li. Ô TVG lại nhận xét rằng, trái với ý mọi người, căn bản tư tưởng trong truyện xây trên triết lí Phật Giáo phối hợp với ít nhiều yếu tố Ðạo Giáo và một vài dư hưởng của Nho Giáo. Theo tôi, nhận xét ấy chưa đúng và chưa đủ, vì ta còn muốn biết hai tác giả TK và BC nôm đã sử dụng như thế nào những yếu tố tinh thần chung (Nho, Ðạo, Phật) để thực hiện dự phóng văn chương riêng của họ, muốn thấy cái độc đặc của từng cá tính một. 

 Muốn vậy thì phải xét riêng từng tác phẩm một, chứ không thể nhập hai làm một như Trần quân đã làm; rồi so sánh kĩ chỗ giống nhau và khác nhau giữa nguyên tác và BC nôm (như ô HXH đã làm rất tinh tế). Hơn nưã, còn phải liên hệ nó với văn học Trung quốc mà dò ra uyên nguyên của thể tài (cả hình thức lẫn nội dung). Có so sánh nhiều tầng như vậy, mới nảy ra ánh sáng. 

 Khuynh hướng thoát sáo của BC, ai cũng dễ nhận ra; nhưng ý hướng ấy xuất phát từ căn bản tư tưởng nào? để đi tới đâu? tới mức độ nào? mang ý nghiã gì?
 Về câu hỏi thứ nhất, muốn tán thành ý kiến của ô. TVG thì phải quên đi, phải bỏ qua nhiều đoạn quan trọng trong nguyên tác, tỉ nhu hai đoạn mà ô HXH đã phân tích:

 a) khi tiên nữ khuyên Tú Uyên bỏ lưu luyến với cái phù hoa của công danh trong trần thế (BC nôm cũng diễn lại thật đủ đoạn ấy, ở các vế 587-628), lí luận và ngôn từ thật đậm mùi Ðạo Giáo. Trừ mấy chữ Diêm phù mê sông chìm biển (trong BC nôm), trong cả đoạn ấy đố ai tìm được chút dấu vết gì tỏ ảnh hưởng của Phật Giáo.

 b) bài thơ Truyền kì 60 vần trong TK lại càng không có chút gốc gác gì trong sách Phật (trừ loại tiểu thuyết nhảm nhí như Nhục Bồ Ðoàn). Nếu ta nhớ lại khiá cạnh phòng trung chi thuật trong Ðạo Giáo, bài thơ tả nhục tình này mà gán cho ảnh hưởng của Ðạo Giáo, là phải hơn cả. Bài ấy lại là một điểm giúp ta đo mức "thoát sáo" khác nhau giữa nguyên tác và BC nôm: trong khi tác gaỉ TK đã dám "lấy văn chương ca ngợi cuộc truy hoan một cách không kiêng dè"ø (nhận xét của HXH), cực tả cuộc mây mưa bằng hơn 20 câu thơ, ta thấy BC nôm chỉ gói gọn "câu chuyện" ấy trong hai vế rất chung chung (v.415-416). (Riêng Trần quân, khi dịch bài thơ ấy, cũng đã lược bỏ gần hết các câu "gay go" nhất).

 Hai đoạn trên đây, tôi đồng ý với Hoàng quân, nhận rằng đó chính là "tinh tuý của ý tưởng phản Nho của Ðặng Trần Côn". Vậy chẳng thà nói như ông TVG, thà là ta nói:

 a) TK xây trên căn bản tư tưởng Ðạo Giáo, thêm ít nhiều yếu tố Phật Giáo, và hoàn toàn cự tuyệt Nho Giáo: lạc phách triệt để, thoát li đến cùng, không kiêng dè gì nưã.

 b) BC nôm cũng noi theo TK (tỉ như ở đoạn đả kích phù hoa của kiếp trần, v. 587-628), nhưng với khá nhiều rụt rè, tỉ như rút gọn bài thơ Truyền kì, bỏ hẳn những chỗ TK kể chuyện xin xăm và lễ tạ ơn thần ở đền Bạch Mã, hoặc chưã hẳn TK (không để Trân Nhilên tiên cùng một lượt với cha mẹ nó, giữ nó ở lại trần gian,bắt phải trả xong cái nợ thi cử rồi sau mới được lên tiên); chứng tỏ rằng diễn giả còn "nho" lắm, thiết thực lắm, chưa dứt khoát cởi được mối mâu thuẫn giữa xuất và xử.

 So sánh cấp một như vậy, ta thấy được đặc điểm tư tưởng của hai tác phẩm, trong cái chung thấy cái riêng. Một so sánh cấp hai, đặt BC vào dòng văn học sử, sẽ giúp ta thấy được cái kế thừa trong sáng tạo của hai BC. Tôi xin lặt ra hai điểm là:

 a) quan niệm đề cao luyến ái tự do, thật ra không phải chỉ mới xuất hiện với BC. Trước đó, tuy các cụ vẫn cho đó là phong tình bất chính, nhưng nó đã ám ảnh hầu hết các nhà nho. Từ truyện Bạch Viên, cho đến một vài truyện Mạn Lục, hay trong truyện Chuá Thao, và trong hầu hết các truyện thơ diễn ca như Hoa Tiên, Phan Trần, Kiều, Tây Sương, đời nào cũng có nhà nho say sưa làm văn kể chuyện tài tử gặp giai nhân, cực tả "cái buổi ban đầu lưu luyến ấy" với mọi diễn biến của nó, từ chạm mặt đến chia tay, rồi nhớ nhau, rồi ốm đau xiểng liểng, trông hoa nhớ người, trông cảnh nhớ tình, rồi xúc hứng làm thơ. Mà cuộc tình duyên nào cũng đều "xảy ra" ngoài vòng an bài của danh giáo, lễ nghi, của bác mẹ cha chú hay của kẻ mai dong chính thức!

 b) dám táo bạo tả chân nhục tình, như trong TK, kể ra trong thơ văn cổ cũng không phải là không có. Tỉ như mấy chỗ trong Truyện cây gạo, trong truyện Tây Viên kì ngộ ở tập Mạn Lục(42); đoạn tả đêm vui vầy với tiên trong diễn ca truyện Từ Thức của một tác giả vô danh cuối Lê-đầu Nguyễn(43); đoạn tả cuộc "đuà nghịch" giữa Lí Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong Thiên Nam Ngữ Lục(44) ; đoạn tả Oanh Oanh thất thân với Trương Củng trong truyện Tây Sương(45) .

 Hai điểm ấy thể hiện cái chất người phổ biến ở mọi thời và mọi nơi (người đây dù là nhà nho hay không, dù có viết văn hay không, dù thuộc giai cấp nào cũng vậy), đặc biệt là ở trong tâm tình nhà nho từ muôn đời lúng túng trong mối mâu thuẫn giữa danh giáo và hưởng thụ, giữa nghiã vụ và cá nhân. Vậy, khi hai BC đề cập đến, chỉ là kế thừa một đòi hỏi đã xuất hiện từ lâu trong văn học. Tuy kế thừa nhưng có giác sắc mới: trong văn học trước đó - tỉ như trong các đoạn tôi vưà dẫn, ái tình đã được đề cập, nhưng vẫn còn gói ghém trong một cốt chuyện có hậu, phần kết luận vẫn vẽ ra cảnh đắc thắng của luân lí chính thống, số phận của nhân vật kết thúc bằng một thất bại thê thảm (vì họ đã nghĩ bậy, đã làm bậy !) hoặc bằng một sự "hoàn lương" rất ngoan ngoãn, khiến đâu lại ra đấy, chồng vinh vợ hiển, tử ấm thê phong... Còn trong hai BC thì cách đặt vấn đề khác hẳn: luyến ái không phải là một cái tội lỗi mà nhân vật phải ăn năn hối hận, mà là một chặng dẫn vào con đường lià bỏ giá trị trần gian, con đường lên tiên. Cùng đi hành trình giải phóng ấy, hai BC có phong cách khác nhau: tác giả BC nôm còn rụt rè lắm (xem so sánh cấp một trên đây), riêng đối với khiá cạnh nhục tình của luyến ái, ông còn tỏ ra cẩn thủ hơn các tác giả mà tôi đã dẫn; đến như BC nguyên tácthì sự độc đáo rất rõ. Viết về nhục tình, dễ chừng trong văn học cổ điển chưa có ai viết dài và tỉ mỉ như trong TK. Viết về ái tình, TK không còn thấy cần biện chính bằng giáo lí có hậu nào nưã. Mối mâu thuẫn cũ được cởi, mà cởi đến cũng không chút bịn rịn. 

 Ðó là nói riêng về Việt Nam. Thật ra thể tài tập TK là mô phỏng từ Mạn Lục của Nguyễn Dữ, mà cả hai đều rập theo khuôn của các tập Tiễn Ðăng Tân Thoại của Cù Hựu, Dư Thoại của Lí Xương Kì đời Minh, uyên nguyên phát khởi từ một loại truyền kì xuất hiện đời Ðường, tỉ như Du Tiên Quật của trương Thốc: đó là một thể truyện dùng văn ngôn biền ngẫu xen lẫn luật thi và từ khúc, kể những chuyện luyến ái tự do giữa người và tiên (tiên đây có khi là "ma, trâu, vượn, rắn" biết phép hiện làm mĩ nữ; một đặc điểm là ngay từ buổi đầu, loại truyện ấy đã mạnh dạn đề cập đến khiá cạnh nhục tình (érotisme)(46). 

 Trở lên, tôi đã thử dùng quan điểm văn học sử để dò triết lí trong văn chương BC. Ðứng về phương diện văn chương tông giáo, tôi xin thêm một phần nhận định về ý nghiã của truyện (tạm gác ra các dị điểm giữa BC Hán và nôm) là ta có thể quan niệm BC như một bản dẫn đạo (lire d'initiation mystique) ghi lại đủ các chặng của một hành trình thần bí (một thứ Prigrim's Progress) trong đó ái tình và nhục tình không phải là sự trở ngại cho sự đắc đạo, mà trái lại chính là một ngưỡng cưả, một bực thang tất yếu để dẫn tới giác ngộ; nó có công dụng như một giai đoạn thử thách (bằng chứng là sau cái thử thách của đêm tân hôn, tư cách của Tú Uyên vẫn chưa tu chỉnh xứng đáng, thì tiên nữ liền bỏ chàng mà đi), nó là cái lò huyền nhiệm để đốt cái lốt con người Tú Uyên cũ, khiến chàng phải thoát xác một lần, để sau đó sống lại và sống mãi mãi trong một thân thế mới, trong một thế giới thanh cao bất tuyệt, nơi đó lòng đam mê của chàng đã đổi hướng, không còn nhục tình nưã mà chỉ có linh tình (passion mystique) mà thôi. 

 Cố nhiên hành trình này chỉ là giấc mơ, hay đúng hơn biện chứng của câu chuyện là một chuỗi giấc mơ liên tiếp ghi dấu một hành trình tưởng tượng đi từ thấp đến cao, từ đục đến trong, từ giả đến chân, từ tương đối đến tuyệt đối, từ hữu hạn đến vô hạn.
 Văn chương là điạ hạt của tưởng tượng, nên tôi cũng đành mang tiếng "không tưởng"một chút khi tìm hiểu ý nghiã của nó, tôi không muốnphê phán nó theo khoa học (="chuyện gặp tiên có thật hay không ?"), hoặc theo luân lí (="chuyện đứng đắn hay nhảm nhí ?"). Nếu muốn thiết thực hơn, ta có thể xem chuyện như là kí trạng của một biện chứng đam mê rất người, và mượn lời của Nguyễn đã nói về một anh Lịnh mà nhận định rằng trước sau Tú Uyên "vẫn là người say cái Ðẹp, say cái Say", từ đầu đến cuối "chàng chỉ đổi đi cái đối tượng của mê mải, người chàng lúc nào cũng chưá nỗi say đắm một cái gì và hướng dục vọng vào một phiá mới nào nó rộng rãi và đúng nghiã hơn"

 Ý nghiã của nó hẳn còn nhiều bình diện khác có thể bình phẩm, đây tôi chỉ đề nghị "một lối nhìn". Ðộc giả có thể tham khảo thêm lối nhìn triết lí của hai bạn Lê Tuyên và Nguyễn Văn Trung. 


5) Về phương pháp hiệu đính 

 Nói chung về lối trị học của ô. HXH về cổ sử và cổ văn, hình như không ai là không kính phục; nhưng riêng về lối chỉnh lí văn bản của ông, mà tôi cho là phần cống hiến lớn nhất, thì đến nay văn giới vẫn có người hoài nghi và dị nghị. Tiêu biểu cho dư luận ấy là những dòng này của một người bỉnh bút rất dễ thương của Bách Khoa: " Rất tiếc là ông lại vấp phải một điều mà chúng tôi cho là kị cho những ai theo con đường của ông: tự ý mình sưả hoặc bỏ văn cổ nhân, với cái lí là không hay, dở, dịch không đúng nguyên văn, dài lắm, nặng nề, ý lặp lại..."(47) Nghiã là cái mà tôi cho là khoa học nhất trong sự nghiệp của Hoàng quân lại chính là cái mà nhà bỉnh bút cho là phản khoa học nhất!. Nay trong cuốn BC mới, phần hiệu đính không những vẫn có, mà còn phát triển sâu rộng như ta chưa từng thấy trước đây, hẳn là lời bác nghị lại sẽ nổi lên. Ðã vậy thì tôi tưởng cần biện luận đi điều, may chi gỡ được phần nào một mối hiểu lầm chăng ? 


 a) Tại sao cần hiệu đính ? 

 Tôi cũng hiểu rằng bạn Nguiễn đã viết những dòng kia với một ý tồn cổ đáng khen. Nhưng tồn cổ như thế nào, đấy mới là vấn đề. Ðặt vấn đề như bạn là đã quên một tai nạn mà chính bạn -vốn làm báo và có in sách- hẳn đã thường gặp hằng ngày, đó là cái câu chuyện tam sao thất bản mà trong sách báo bây giờ ta gọi là lỗi in, nó phổ biến đến nỗi không nhà in nào là không có một ông thầy cò để sưả lỗi. Chẳng cần tìm gì đâu xa, xin cử một kinh nghiệm của bản thân bạn: cuối năm ngoái, bạn xướng ra việc lập Quốc tử thục để bảo trợ con em nhà cách mạng đã bỏ mình vì nước, đề nghị trường sẽ dạy nghề cho các em, tỉ như dạy nghề ăn cho các em trai và nghề thêu cho các em gái...(48), độc giả chẳng cần "hiệu đính" lôi thôi mà cũng hiểu ngay rằng nguyên văn đã bị in sai, phải sưả chữ ăn ra chữ in thì mới đúng(49). Ðó, một bài có thể gọi là đã in ngay "dưới mắt tác giả" mà còn thất bản như vậy, huống chi là cổ văn chữ nôm xa xôi ! Từ Ðông sang Tây, từ cổ chí kim, hễ có sao chép văn tự là có sai, cho dẫu là chép thẳng từ nguyên cảo cũng vậy. 

 Bên Tây thì như nguyên cảo thơ André Chénier có câu: "On nourrit l'enfant avec du lait et le lourd bouclier ne charge point son bras", khi đưa in, bị người cháu ruột của thi sĩ nhận lầm mặt chữ mà in sai thành: ...et le lourd boucher..."; câu "Tourne un peu la médaille au récipiendraire" lầm ra "...la médaille au antécépiendraire"(50). Lại như vì điạ danh Beth-Saida trong một thơ văn xuôi của Rimbaud bị nhận lầm ra Cette saison mà ý nghiã của cả bài đổi hẳn, gây nhiều khó khăn cho các nhà phê bình(51). 

 Trở sang Trung Hoa và ta, sở dĩ cần hiệu đính cổ văn là vì, như cụ Ðồ Chiểu đã nói: "Bởi đời nhiều kẻ bất thông/ Học không chỗ gốc, riêng trông cưả rèm / Học cho vài chữ lem nhem / Mân coi ra kiển, lỗ nhèm ra ngư " (52). Do đó mà những chuyện buồn cười do ta thấy trong bài phú nhạo thầy đồ ngông của Nguyễn Khuyến(53): lầm mặt chữ câu Úc úc  hồ văn tai (Luận Ngữ, Bát dật 14) ra Ðô đô bình trượng ngã, lầm Ấu ấu cập nhân ấu (mượn chữ trong Mạnh Tử, Lương Huệ Vương thượng, 7) ra Thiết thiết phản nhân thiết. Buồn cười hơn nưã là trạng Lợn đọc lầm hạ mã ra bất yên.(54)
 Người đọc nhận lầm, người chép viết lầm, người in khắc lầm, cứ thế mà truyền đến tay ta ngày nay, văn bản hiện hành đâu còn là nguyên văn của cổ nhân nưã. Nhà hiệu đính thấy sai thì chưã, có chưã mới là tồn cổ đích đáng. 


 b) Một chút lịch sử hiệu đính 

 Với những ai còn trách ô. HXH đề xướng ra một tác phong nguy hiểm, tôi muốn nhắc lại vài việc "sưả văn cổ nhân" mà người ta đã làm trước ông từ lâu, "thủ phạm" cũng đã táo bạo không kém Hoàng quân, tuy họ chính là người được tiếng cẩn thủ đáng tin. Nhân tiện, may ra uốn được một quan niệm sai lầm về nhà nho thời xưa: mãi hôm nay vẫn có người cho rằng nhà nho chân chính chỉ lo trau giồi nghiã lí ngõ hầu "đạt đến tinh tuý của Khổng học" chứ không rơi vào "lối huấn hỗ", "mài miệt nơi chi li"(55) Có thật Khổng học chính truyền không bàn "huấn hỗ chi li" không ? Ta hãy đọc lại chuyện Tử Hạ "sưả văn cổ nhân" như sau(56):

 "Tử Hạ đi Tấn; (trước khi tới Tấn) qua Vệ, thấy có kẻ đọc Tấn sử rằng:"Tấn sư tam thỉ thiệp hà"(57). Tử Hạ nói: "Bậy nào ! Ðó là Kỉ Hợi. Lầm vì kỉ trông giống tam, thỉ giống hợi". Khi thầy đến Tấn, hỏi ra thì đúng là "Tấn sư kỉ hợi thiệp hà"(58).

 Cũng kể chuyện ấy, nhà nho Ứng Thiệu đã không chê là "chi li tế toái" lại còn khen nức nỏm: "Ôi, phi bậc đại thánh rất sáng, dễ ai vạch được gốc cái lầm ấy."(59). Ðó là lấy "lí" mà sưả chữ sai. Cứ theo một chuyện khác trong lời chú thích Công Dương truyện của Hà Hưu thì không riêng gì Tử Hạ, ngay cụ đại sư là cụ Khổng cũng có làm như vậy trong khi san định kinh Xuân Thu(60). Còn hiệu đính theo đúng nghiã của chữ ấy (tức là so sánh nhiều bản mà cân nhắc chỗ sai chỗ đúng), thì đời Hán đã có cha con Lưu Hâm Lưu Hướng làm rất rộng rãi. Ngay một tay cao sĩ về lí học đời Tống như Chu Hi cũng không ngần ngại dùng phép so sánh văn bản để nghi ngờ những chỗ mà ông cho là sai: trong khi kinh Thi (61), nơi câu Gia dĩ dật ngã  ("lấy gì mà giữ ta"), thầy Chu dẫn thoại trích trong Tả truyện (Tương công 27) chép chữ tuất ("thương") thay vì chữ dật, nhận định rằng tuất là chép đúng, lầm ra dật vì mặt chữ giống nhau. 

 Trung Hoa đã vậy, Việt Nam ta cũng "táo bạo" không kém. Một học giả mà ai cũng khen đức độ  cẩn thủ là cố giáo sư Dương Quảng Hàm, khi duyệt lại văn Nhị Thập Tứ Hiếu diễn ca của Lí Văn Phức, xét đến câu 265 mà các bản nôm (và một bản quốc ngữ cũ) đều chép là "Khen hiếu hạnh cảm lòng quận thú", ông mạnh dạn hiệu đính rằng "chữ khen xét ra không đúng nghiã, có lẽ là chữ tiếng mà vì hình chữ hơi giống nhau thành ra bản nôm khắc sai chăng?(62)
 Nếu ta đọc bản Ngư Tiều Vấn Ðáp của ông Phan Văn Hùm -một người mà học giới trong Nam rất tin cậy- ta cũng thấy ông hiệu đính rất giống ông HXH, sưả những chữ như dám lầm ra ôn, vắn lầm ra y, tên lầm ra trước, dặc lầm ra thìn, hồ lầm ra nhất (câu 515), sưả lầm ra lại (câu 1386), mân lầm ra u (câu 1716)... (63)

 Muốn kể ra thì còn nhiều nưã, nhưng ngần ấy tưởng cũng tạm đủ để "phiên án" cho ô. HXH. Nếu muốn trách ông thì phải trách luôn hai ông Dương và Phan kia. Mà trách họ thì là "xử kiện nhập nhằng"; vì thủ phạm sưả cổ nhân không phải là họ, mà là những người đọc sai, chép sai, in sai trước họ. Sao bạn Nguiễn không kể tội những người này, lại đi phê bình chệch vào nhà hiệu đính, là người chịu khó làm anh thầy cò sưả sai cho cổ nhân. Thật là đem công biến ra tội, đảo điên hết cả. Xin bạn Nguiễn bỏ qua những chữ quá nóng nảy trong đoạn trích sau, nhưng cũng xin bạn suy nghĩ về cách đặt vấn đề hiệu đính của đoạn này, mà tôi cho là đúng lắm:

 "Những cuốn này (: trỏ thơ văn cổ) nếu còn đến ngày nay cũng là may mắn lắm. Song trong sự may mắn đó có sự đáng buồn: nhiều câu sai lạc với nguyên văn... Buồn hơn nưã là có người hiệu chính lại một cách phân minh mà vẫn thấy kẻ cãi bướng, không chịu phục thiện, vì lòng tự ái cũng có, vì ngu dốt cũng có. Nhưng rồi những kẻ ấy sẽ dần dần tiêu diệt lấy, nếu không nước Việt Nam sẽ không có một áng văn xưa nào cho ta hồn"(64).


 c) Hiệu đính như thế nào ? 

 Một quan niệm khá phổ biến, mới xem thì có vẻ rất khoa học, rất khách quan, là: bản cổ chép sao thì ta cứ theo y nguyên như vậy; nếu có bản chép khác thì ta ghi trong cước chú, thế là xong chuyện.
 Nếu thế thì chưa gọi là hiệu đính được, chỉ là đối chiếu đặc điểm các thoại, tức là một công việc bước đầu mà ai hiệu đính cũng đã làm, nhưng không ai dừng ở đó. Ðối chiếu là để có cơ sở tài liệu mà tiến hành chừng nào hay chừng ấy. Ở nước ta, nguyên cảo của tác giả ít khi còn truyền; một khi ta biết rằng các bản sao hoặc bản in đều sai ngoa không nhiều thì ít, nếu ta chỉ ghi các điểm dị đồng giữa các bản mà không thẩm định phê phán gì cả, vậy là ta đặt giá trị mọi bản trên một bình diện ngang nhau, khiến người đọc không biết đâu là sai đâu là đúng, lúng túng trước sự bất nhất của các thoại: ta hẳn còn nhớ đến nỗi khổ tâm của giáo giới trước hiện tượng này(65). 

 Vả trong văn học chữ nôm không bao giờ có được sự sao lục "y nguyên" như ta tưởng. Sự phiên âm không đơn giản, vì như Phan Văn Hùm đã nói: " nôm là na, na ná, cho nên nhích qua nhích lại đã sai giọng, sai lời, sai tiếng", cùng một mặt chữ có thể ghi mấy tiếng âm gần nhưng nghiã khác, cùng một  tiếng có thể ghi bằng mấy chữ khác nhau. Dẫu có nguyên cảo của tác giả, "nếu người sao lục (hoặc phiên âm) mà bất thông (hoặc sơ suất) một li là đọc sai ngay đi một dặm". Biết vậy thì ta không thể tin hẳn một thoại nào, không thể chỉ đối chiếu mà phải sử dụng kết quả của đối chiếu để xác định thoại nào là đúng (hoặc có khả năng là đúng), thoại nào sai (hoặc nghi là sai), cân nhắc giá trị cao thấp phải trái của từng thoại ở từng chữ từng câu. 

 Chính vì vậy mà các sách cổ văn của ô. HXH có một cách trình bày chính văn mà tôi đã nghe nhiều người chỉ trích: ông không sao chép y nguyên một bản nào cả, ở một câu nhất định nếu gặp thoại nghi là sai thì thay bằng thoại đoán là đúng (:do đó người ta trách ông "sưả văn cổ nhân"); thoại sai đem xuống cước chú, thoại đúng đặt lên chính văn, kết quả là có khi thoại tái lập của ông trong chính văn không những đã khác thoại thông hành mà người ta quen học thuộc lòng và ngâm nga từ lâu (: một lẽ khiến một số người phải bực mình), lại khác hẳn thoại ghi trong bản nôm nưã (: đây mới là cái táo bạo mà người ta khó tha thứ cho ông !) 

 Tồn cổ theo lối HXH có khách quan không, có khoa học không? Theo tôi phải làm như vậy mới là hiểu đúng nghiã chữ khoa học. Hễ đi vào công việc thẩm định tức là phải phán đoán, đã vậy thì tránh sao được yếu tố chủ quan ? Nhưng đó không phải là điều phải kị, vì có phải là ông "chỉ lấy lí mà đoán bưà " đâu! Trong khi hiệu đính, ông đã nương theo một chuỗi phương châm và tiêu chuẩn rất khách quan, quy nạp nhiều tầng lớp chứng cứ để biện minh cho phán đoán. Khi trách ông chủ quan, người ta quên rằng cơ sở tư liệuvà phương pháp nghiên cứu chỉ là điều kiện cần thiết chứ không phải là điều kiện đầy đủ: nếu không xen chủ quan của mình vào mà phán đoán thì tư liệu chỉ là một đống nằm ngổn ngang, vấn đề chưa được giải quyết gì cả. Không có chủ quan của người nghiên cứu thì cũng không có một nghiên cứu nào cả; chủ quan càng tinh nhuệ thì vấn đề  càng được giải quyết ổn thoả. 

 Sở dĩ còn có người dị nghị là vì họ chưa quen với lối hiệu đính, lề lối này chưa thành nếp ở nước ta (tuy trước ông HXH đã có vài trường hợp lẻ tẻ, trong sách của Dương Quảng Hàm và Phan Văn Hùm, đã dẫn trên đây), chứ ở các nước khác thì người ta đã quen dùng từ lâu. Không kể các hiệu đính cụ thể, bạn đọc có thể tham khảo các phương pháp luận mà rất nhiều học giả ngoại quốc đã viết ra(66). Ông HXH vốn không phải là người "chuyên môn về văn chương và văn khoa"(67), lại không thừa hưởng được một truyền thống như các học giả Trung Hoa, vậy thì ta phải khen cho ông khi ông đã đủ siêng năng và tinh tế mà tự gây dựng cho mình một phương pháp hiệu đính chính xác không kém gì học giả nước nào cả. Nói như ông Trà Ngân, nhờ sách của HXH mà ta mới bắt đầu có những cuốn cổ văn "cho ra hồn". 


6) Phương pháp của ông Hoàng Xuân Hãn 

 Tôi xin trích dưới đây một đoạn trình bày của ông mà riêng tôi đã học rất nhiều, từ mười năm nay tôi đã -và vẫn- nghiền ngẫm để đi vào các ngõ ngách của cổ văn Việt Nam:

 "...Tôi rất chú trọng để giữ được nguyên cổ văn. Sự ấy rất khó, vì phần lớn các văn đã bị phiên âm thất cách, hoặc còn chữ nôm nhưng đã bị sao lại nhiều lần. Các người phiên âm hay sao thường không hiểu tiếng cổ, nên tự ý chưã đi. Tôi đã cố tìm bản nôm, cũ được chừng nào hay chừng nấy; hoặc tìm nhiều bản gốc khác nhau, để so sánh. Tôi đã kê các tiếng cổ thành tự vị, rồi vin vào cách viết nôm, ý trong các câu, mà đoán âm và nghiã. Với sự kinh nghiệm ấy, tôi đã đọc và hiểu được nhiều từ ngữ xưa. Rồi tôi vin vào tự dạng và âm, vào nghiã, để tái lập được nguyên thoại. Tuy làm việc ấy có tính cách bấp bênh, nhưng tôi tin rằng đã đạt được một phần mục đích... Tôi đã tìm được nghiã bằng quy nạp, nghiã là bằng cách nhận xét rồi mới suy đoán, chứ không phải lấy lí tưởng mà đoán bưà"(68).

 Ðó là lề lối chung: riêng đối với loại văn diễn ca thì ta có thêm một căn cứ nưã để hiểu văn: nguyên tác còn đó. Dẫu cho bản nôm không chép sai gì cả, cũng nhờ so sánh nguyên tác mà ta hiểu được nhiều chỗ tối nghiã trong diễn ca. Bởi vậy mà ô. HXH đã dịch trọn vẹn nguyên tác - kể từ cuốn CPNBK cho đến cuốn BC này - để cung cấp tài liệu tham khảo cho nhà phê bình, và nhất là ta thấy ông đã biết dùng nguyên tác để tìm hiểu thêm văn diễn ca (trong một chừng mực tinh tế "gượng nhẹ" chứ không phải xem diễn ca như chỉ là bản dịch trung thành của nguyên tác). Bản TVG cũng có dịch nguyên tác BC, nhưng chỉ là phụ lục mà thôi, vì ông TVG không sử dụng nó để chỉnh lí BC nôm. 

 Phương pháp kể trên tạm đủ để khắc phục các sai ngoa dễ nhất. Trong mục Hiệu đính ở bài Dẫn cuốn BC mới, ô. HXH còn nêu ra hai cấp sai khó hơn nưã, khó vì mới đọc thì không thấy có gì khả nghi, trừ phi ta có con mắt đọc cổ văn rất sành rất tinh như Hoàng quân, biết thấy mối liên hệ mạch lạc trong tứ văn, nắm vững ý nghiã tổng hợp của cả câu hoặc cả đoạn, lại có sẵn kiến văn rộng về cổ điển Hán-Việt, biết kết hợp mọi dữ kiện xa gần, thì mới phát giác được chỗ sai và biết nên tái lập ra sao. Ðến cấp này, nhà hiệu đính dễ gây phản đối, vì ông gần như là sáng tạo chứ không chỉ sao chép trung thành bản cổ nào nưã. Ðây là lối mà học giả Trung Hoa gọi là lí hiệu pháp ("lấy lí mà hiệu đính"), hiệu đính bằng chứng gián tiếp và phức tạp quanh co: "chỉ khi nào các bản cổ đều không thể theo, mới nên dùng phép này. Nhưng phải là tay thông đạt mới làm được, nếu không thì hư hoại hết cả một cách lỗ mãng, lấy điều không sai mà làm sai, làm cho văn nát hơn trước nưã. Bởi vậy đây là phép cao diệu nhất, mà cũng là nguy hiểm nhất"(69). 


 Dưới đây tôi sẽ lược kê các hiệu đính trong bản BC/HXH, xếp theo từng loại vấn đề hoặc theo từng loại chứng cứ đã sử dụng để tái lập cổ nghiã. 

 a)Hiệu đính được củng cố bởi thoại Vũ Quốc Trân.
 Trước năm 1958, ô. HXH đã tiến hành hiệu đính một lần thứ nhất trên cơ sở ba bản in nôm cuối đời Tự Ðức, có thể cho là còn bấp bênh. Bất ngờ có bản PT in ra, giới thiệu thoại Vũ Quốc Trân, ta thấy có khá nhiều tái lập của ô. HXH trùng hợp với thoại ấy, nghiã là được củng cố bởi một bản cổ ít sai hơn các bản nôm kia, tỉ như ở những vế 25: lều thơ, 48: vết gió ngấn mưa, 305: yên chi, 319:tấm thương, 409: gác bánh xe mây, 414: đuốc hồng, 426: chuốc rượu, 427: hoa bay, 430: cầm kì thi tửu, 436: dăm độ, 451: đến lời, 453: đêm thâu, 465: trót đã, 619: trót đeo, 626: viên hạc, 630: lối mê, 636: tiên tào.
 Lại như vế 41, các bản nôm chép:" Vai còn đôi gánh...", thoại tái lập của HXH là "vai quằn..." có thể xem là được củng cố bởi thoại Vũ Quốc Trân: "Quặn vai đôi gánh...".
 Lối "lí hiệu" tuy có khi nguy hiểm, nhưng được tay cao thủ chuyên trị thìthành công cao diệu như vậy đó. Ðời Thanh, bên Trung Hoa, cũng có vài giai thoại lí hiệu như vậy; người ta còn kể chuyện Tiền Ðại Hân (1728-1804) đọc sách Hán Thư, chỉ lấy "lí" mà đoán chữ này nên chưã làm chữ kia, sau đó tìm ra bản cổ thì thường đúng như lời Tiền đã đoán(70). Ông HXH phải chăng là Tiền Ðại Hân của Việt Nam vậy?
 b) Hiệu đính căn cứ vào nguyên tác.
 Truyện nôm là diễn chứ không dịch một cách máy móc; vả giữa hai tác phẩm BC Hán và nôm, thể văn đã khác thì hành văn và kết cấu cũng khác, so le và chênh lệch là điều tất nhiên. Nhưng nếu biết so sánh thì nguyên tác cũng giúp được chứng cứ để đọc thông và sưả vài sai ngoa trong bản nôm. Tỉ như ở những vế 83: tưạ bóng nương cây, 96: xống Tương, 97: côn ngọc, 369: thói Thôi Oanh, 390: Tạ nhau, 422: năm trăm năm, 434: ti la, 530: gươm họp 601: cổ khâu, 650: Trân nhi. Cũng nhờ so sánh nguyên tác mà ông HXH giải được nghiã những câu mập mờ kín đáo như vế 130, 517, và chữ nên ở vế 164. 

 c) Hiệu đính nhờ nắm vững thành ngữ trong điển cố.
 Nhờ cái bác văn và tinh xác của người hiệu đính mà tái lập được những chữ ở vế 33: bốn báu, 54: bể học, 96: xiêm nghê, 123: đạo Kim thằng, 178: chày kềnh, 180: dòng Tương, 225: tiên ki, 260: thơ đào, 305: đạm thanh, 363: Lão quân, 371: gieo thoi, 477: chia ương, 608: ba đỉnh mười châu, 645: đóng trắng điểm vàng, 656: giường đá.
 Bác văn nhất là ở chỗ tìm hiểu mấy chữ chim khơi bóng thuyền trong vế 66. 

 d) Nhờ có kinh nghiệm về chữ nôm, cổ âm, cổ nghiã mà đọc đúng chữ nguyên không sai, và chưã được chữ chép sai.
 Có bản nôm không sai, mà nếu người phiên âm không thông chữ nôm, hoặc không biết dò ra mạch văn, thì rất dễ đọc sai, hoặc phiên âm đúng nhưng giải nghiã sai. Như chùm (vế 25), thừa lưa (v. 27), lưu loát (v. 29), sờn tuyết (v. 38), giũ nợ (v. 58), đầy khê (v. 73), rà rà (v. 80), miả chiều (v. 97), vỉ veo (v. 130), gảy đàn (v.169), giã dề (.184), chác (v. 197), iu iu (v. 290), trêu (v. 314), tri tri (v. 469). Loại chữ này, chỉ cần chăm chỉ nhận xét và tra khảo thì còn dễ khắc phục được. Ðến như chính bản nôm cũng sai vì người khác bất thông thì người hiệu đính cao tay lắm mới chưã được: như ở vế 19: nhờ ấm, 44: nắng trỗ, 50: sen ỉnh, cúc (lầm ra trúc, âm gần nghiã gần), 71, 593: áng, 81: đàn lũ, 87: thôi, 116: trót, 176: dây giọng tình; 223: căn nguyên (lầm ra nguồn cơn, làm lạc vần), 259: xuân sang, 277: sịch đâu, 281: trăng giại, 295: thôi đành, 303: liền tay, 436: lựu (lầm ra liễu, vì âm gần),  559: nhìn chong cả con ngươi; 572: lò hương để nguội, 585: sắp cánh, 605: non thiêng (nguyên lầm, làm lạc vần).
 Có chỗ phải tế nhị mới phân biệt được bận với bợn (622: bợn lòng), lạt với lợt (v. 290: lạt trỏ mùi vị, lợt trỏ màu sắc).
 Có chữ nôm phải linh động tuỳ theo văn mạch mà phiên âm nhiều cách: chữ dùng luật làm hài thanh, đọc rót (v. 117), hoặc lọt (v.2), hoặc suốt (v. 44, 131).
 Có chỗ phải thông phép giả tá mới giải đúng, như chữ cù trong "chăn cù" (v. 282) có thể dùng thay chữ là đường sá giao thông lớn, đúng âm nhưng sai chữ (xem hiệu đính và chú giải vế 282 và Tự vị ở cuối sách). Có thứ giả tá "cấp hai" rất hóc buá, như danh từ cánh mây (v. 348) dịch chữ Hán vân song, nhưng lại giả tá chữ "vân" là "mây" và dịch nôm nghiã của chữ này, tuy ta vẫn phải hiểu đó là muốn trỏ "cưả sổ phòng sách có ướp cỏ vân". 

 Một loại hiệu đính nưã dưạ vào tục ngữ, như: nghe rót vào tai (v. 117), muộn phận sơ sinh (v. 119 -tục ngữ: sinh sơ đẻ muộn). 

 Loại lầm khó phát hiện nhất là những chỗ người sao chép bị ảnh hưởng của tiếng đứng gần hoặc liên tưởng đến một thành ngữ quen miệng, như ở vế 54: bể học (lầm ra bể khổ vì ảnh hưởng của mạch sầu trong vế); 96: xống Tương (lầm ra sóng Tương, quen thuộc hơn); 131: giọng tình (lầm ra chung tình); 226: không (lầm ra hay không), 427: hoa bay (lầm ra sương bay, vì ảnh hưởng của tuyết phún trong vế); 430: cầm kì thi tửu; 495: quãng vắng đìu hiu (lầm ra quãng vắng đêm dài, khiến lạc vần, chỉ vì ảnh hưởng nặng của quãng vắng đêm trường trong Kiều); 632: chân thuyên (lầm ra chân truyền, quen thuộc hơn). 

 đ) Hiệu đính nhờ nắm vững bút pháp, từ pháp.
 Bút pháp trong loại văn như BC có cái kết cấu tuy quanh co nhưng rất chặt chẽ; nếu nhận ra khuôn phép của nó, sẽ chưã được nhiều sơ suất của bản nôm.
 Một thủ pháp kín đáo là lối thượng hưởng hạ ứng: hai ý cúc và sen đề khởi ở vế 30 (để tả cảnh khi còn thịnh)tái hiện ở vế 50 (để tả cảnh khi đã tàn tạ), trên gọi dưới, dưới ứng trên, mạch lạc rất khít khao. Kẻ khắc bản nôm sơ suất để lầm chữ cúc dưới thành chữ trúc, khiến dụng công của tác giả phải đổ vỡ hết cả. Nhân nắm vững bút pháp nà Hoàng quân tái lập được thoại hoa man trong vế  411, nó ứng xuống tràng hoa ở vế 550; hoặc như thoại vác cuốc trong vế 495, nó hợp với sự tích Lưu Linh (ở vế 454). Một thủ pháp chặt chẽ hơn nưã là lối điệp đối thành bức tứ bình bát cảnh, vốn đã thấy dùng trong Hoa Tiên, Kiều, Mai Ðình Mộng Kí, giăng trải câu thơ thành bốn đợt liên đới lẫn nhau: đọc đoạn từ vế 169 đến 182, ta thấy có ba vế mở đầu bằng chữ có khi thì biết chắc rằng thoại có đêm ở vế 181 là lạc lõng lẩn thẩn, nên tái lập ra có khi. Cũng nhân mối liên đới bốn đợt ấy mà ô HXH hiệu đính được những chữ sai trong đoạn từ vế 423 đến 434, từ 495 đến 502. 

 Giản dị hơn cả là lối tiểu đối: ở vế 282, giấc hoè đối với chăn cù, lấy thực tự đối với thực tư (: hoè / cù); bản TVG đổi làm hồ (hồ:hầu, "vưà mới", "gần như"), khiến tiểu đối thành lệch. 

 Có chỗ bản nôm không sai, nhưng phải thông từ pháp mới giải đúng, như chữ chùm trong vế 25 (danh từ dùng làm động từ, như hai chữ nào đi liền nhau trong mỗi nửa vế 520 (Giấc nào nào thẳng, bưã nào nào ngon), Hoàng quân giải rằng "tiếng trên là một tĩnh tự, nghiã "nào cũng vậy", tiếng dưới là trạng tự, nghiã "nào có được ?". Nói như hai ông Trương Văn chình và Nguyễn Hiến Lê, nào trên trỏ ý bất định, nghiã là "không riêng gì, bất cứ, mọi, tất cả" (giấc nào là "mọi giấc không riêng giấc nào"; bưã nào là "mọi bưã không riêng bưã nào"); nào dưới trỏ ý phủ định (nào thẳng là "có thẳng đâu, không thẳng"; nào ngon là "có ngon đâu, không ngon"). 

 e) Hiệu đính tổng hợp.
 Chia hiệu đính thành từng loại như trên là cho tiện trình bày mà thôi; thật ra một tái lập của ô. HXH thường dưạ vào nhiều loại chứng cứ: tổng hợp nội-chứng ngoại chứng xa gần để dựng nên giả thuyết, như trong các hiệu đính bốn báu (v.33), xiêm nghê (v.96), côn ngọc lan hoa (v. 97), xem tranh tranh vẫn in ngần (v. 517)..., ông vưà phân tích tứ văn, vưà dưạ vào đoạn tương đương trong nguyên tác, vưà dẫn văn liệu trong điển cố và thơ văn cổ, kết hợp với nhận xét về khả năng gây sai lầm vì tự dạng hay vì liên tưởng, mà tái lập được một thoại thích hợp hơn. 

 Ông đã thành công đến mức nào ? Cái đó cũng còn tuỳ ở khả năng của độc giả nưã: điều cốt yếu là ông đã trình cặn kẽ các lí do hiệu đính của ông, ta có đủ yếu tố để nhận định, và hẳn là mỗi người sẽ có nhận định khác nhau tuỳ theo con mắt đọc cổ văn của mình, tuỳ theo kinh nghiệm và học lực của mình.
 Trước khi góp ý của tôi, xin bàn qua về hai bản PT và TVG. 


7) Nhận xét về hai bản PT và TVG
 Ta biết rằng cả hai đều do ô. TVG phiên âm từ bản Vũ Quốc Trân. Bản này có nhiều ưu điểm mà bản HXH đã tiếp thu; đặc biệt là có một số chữ chép đúng như ô. HXH đã giả thiết. Hai bản lại thêm một ưu điểm khác, là người phiên âm cũng khá thông cổ văn và chữ nôm, ta có thể tin rằng ông đã đọc đúng nhiều chữ khó, như: trên gò (v.25, bản Tân Việt lầm ra liền khu), vào nhòng (v.62), đầy khe (v.72), ỏi tai (v.179), thiu thỉu (v.282), trót giờ lâu (v. 297), nhắp sầu (v.364), đỉnh nưã(v.558). Nhất là chữ thóp ấy, đáng gọi là phiên âm "hoán nhiên băng giải". 

 Tuy vậy, có chỗ khiến ta phải nghi ngờ, như thừa lưa (v.27) mà tôi đoán rằng ông không hiểu nghiã nên đổi làm thờ ơ, khiến câu văn thành lẩn thẩn. Có chỗ "lạ tai" mà ta không biết bản nôm chép vậy hay chỉ do ô.TVG, như vế 239 mà ông chép: Là ta trước những chẳng tin (bản PT bỏ sót dấu huyền: La ta.) trong khi các bản nôm in đều chép Lạ tai nghe những chẳng tin; đối với lời giải của TVG, cho rằng là ta là "ngờ vực", tôi chưa dám tin cho lắm, vì ông không có dẫn chứng nào tỏ rằng trong Việt ngữ cổ thật quả có từ ngữ là ta ấy, hoặc nếu có thì nó thật có nghiã ấy hay không; ngược lại, thoại của các bản nôm in rất giống câu Lạ tai nghe chưả biết đâu trong Kiều (v. 947), xét mạch văn trong BC cũng khá hợp, nên tôi chưa tin đó là thoại sai. 

 Cũng vì vậy, tôi tiếc rằng thay vì phụ lục ảnh chụp các bài thơ trong nguyên tác TK, bản TVG không chụp trọn bản nôm Vũ Quốc Trân (tôi cũng tiếc rằng bản HXH không chụp lại một bản nôm nào cả): ngày nào chưa được nom thấy bản nôm, ta chưa hoàn toàn tin vào thoại phiên âm. Nhất là tôi dò kĩ hai bản PT và TVG, nhận ra một điều rất lạ là tuy cả hai đều chỉ có một gốc, lại đều do một tay phiên âm, thế mà hai bản khác nhau khá nhiều ! Nhân bản HXH chỉ mới biết có bản PT mà thôi, tôi tưởng cũng cần ghi ở đây các dị điểm của bản TVG:

số vế (theo HXH)
HXH
TVG
PT
95
dờn dờn
rờn rờn
rung rinh
97
côn ngọc lan hoa
lạt nguyệt sờn hoa
lạt ngọc sờn hoa
174
tiệc mồi
idem 
tiệc mời
179
ỏi tai
idem
oi tai
190
ghẽ mây
vén mây
rẽ mây
239
lạ tai
là ta
la ta
308
dẫu mạc
dầu mạc
đầu bạc
331
phơi phới
nhoen nhoẻn
mủn mỉn
364
nào ngơi
idem  
nào nguôi
376
vả 
idem  
đến
380
sờ sờ
idem  
cờ cờ
428
trước án
trước mái
trước chái
470  gieo
reo
đem
474
năm dễ
chưa dễ
nên dễ
477
chia ương
vò nhang
vò hương
530
còn sai
còn sơi(?)

547
quyết tìm
quyết tầm
quyết tâm
584
nhảy sóng
idem  
rẽ sóng
661
bàn vây
idem  
bàn mây

 Ta có thể nhận xét như sau:

 a) Bản PT phiên âm chưa kĩ, có một số sơ suất mà ta thấy bản TVG đã chưã kịp, khiến ta thấy rằng thoại Vũ Quốc Trân không khác các bản khác ở những vế 174, 364, 376, 380, 584, 661.

 b) Vài chỗ tưởng có khác, thật ra không khác. So với thoại HXH, thoại TVG chỉ khác giọng hoặc khác chính tả mà thôi: vế 95 (d / r), 308 (dẫu / dầu, đều đúng; nếu hiểu dầu , là "nếu", thì dẫu đúng hơn (cf. Tự vị trong bản HXH), 470 (reo là sai chính tả, nhưng ta hiểu rằng ô. TVG hiểu đúng, ý muốn viết gieo), 547 (tìm / tầm, đều đúng, một âm nôm, một âm Hán của một từ mà thôi).

 c) Sở dĩ tưởng có khác, chỉ vì bản PT sắp sai chữ khi in, như vế 174, 308, 380, 547. Ðáng chú ý nhất là chữ in sai ở vế 661, ông HXH không có bản nôm (vì đây là phần đuôi đã đứt trong các bản in, chỉ xem một bản PT mà đoán là sai, tái lập bàn mây ra bàn vây, hoàn toàn đúng với thoại TVG mà khi ấy ông chưa đọc !

 Trên đây tôi nói đến một ngẫu nhiên thú vị: một phần thú vị cũng là ở chỗ đó nưã. Cũng nhân cái ngẫu nhiên đem đến tay chúng ta hai bản hiệu chú BC của HXH và TVG, mà ta có thể so sánh thiệt hơn, thấy nổi thêm giá trị của bản HXH: bản TVG chưa phải là hiệu đính, chỉ mới có khảo dị mà thôi; chính văn giới thiệu một loại nôm quý báu, nhưng thoại phiên âm chưa thật đáng tin; tuy là có khảo dị nhưng cũng chưa đạt cho lắm (vì đáng lẽ so sánh trực tiếp bản Cẩm Văn Ðường mà ông có trong tay, ô TVG lại đi tham khảo bản phiên âm thất cách của Ðinh Gia Thuyết(71); phần chú giải tinh nghiã và điển cố còn bỏ sót rất nhiều chỗ khó, chứ không tỉ mỉ đầy đủ như trong bản HXH. 


8) Thương xác thêm về bản HXH
 Tôi nghĩ rằng, với bản BC/HXH này, đại đa số các điểm ngờ hay khó trong BC nay đã được giải quyết ổn thoả; nhờ nó mà thanh niên chúng ta có thể đi thật sâu vào các ngõ ngách của một áng văn đẹp, đẹp nhưng kín đáo. Nhân tôi thấy vài chỗ cũng cần bàn thêm nên không quản tiếng muá rìu qua mắt thợ mà trình ý của tôi như sau, trước khi ngừng bút. 

 a) Thêm chứng để củng cố giải thuyết của bản HXH.
 Nhân cái dư luận trách ông "sưả văn cổ nhân", tôi xin dẫn một thí dụ chứng tỏ rằng thật ra ông có ý niệm rất chính xác về sự tồn cổ chứ không võ đoán như ta tưởng.

+ Trong văn chương ta, có một cái lầm vì tự dạng là xuân đọc lầm ra thung trong danh từ xuân huyên (điển cố trỏ cha mẹ, lấy chữ trong Trang TửKinh Thi). Nếu theo đúng sách trung Hoa thì phải đọc xuân huyên. Nhưng đọc như vậy thì không đúng nguyên thoại của tác giả nôm đời xưa. Bởi vậy mà Hoàng quân giữ âm thung huyên (BC, vế 19) và dẫn hai chứng biện cho lối đọc ấy: một chứng trong tự vị De Rhodes (sơ ấn:1651), một chứng gieo vần trong Kiều (vế 1353-1354: Ở trên còn có nhà thung / Lượng trên trông xuống biết lòng có thương ?) tỏ rằng Nguyễn Du đọc thung chứ không đọc xuân. Mà chẳng riêng gì Nguyễn Du, tôi còn thấy nhiều người khác cũng vậy: "Tống Trân số phận long đong / Lên ba bỗng bị nhà thung chầu trời" (Tống Trân Cúc Hoa, 25-26), "Tuyết sương trắng điểm cành thung / Phan phu nhân mới rướm dòng nước hoa" (Phan Trần, 35-36, ý nói cha đã già mới sinh Phan Tất Chính; bản Durand giải đúng ý điển nhưng đọc xuân, khiến lạc vần), "Con giữ đạo tam tòng / Riêng còn một cội huyên thung / Muộn mằn chưa nảy chồi lan quế" (chèo Quan Âm Thị Kính),"Tủi thân sớm vắng nhà thung / Lấy ai dạy dỗ cậy trông sau này ?" (Thạch Sanh, 115-116),"Chị nhờ em gánh hiếu trung / Chồi huyên gần cỗi gốc thung gần già" (Nhị Ðộ Mai, 973-974). 

 + Chữ giâm (BC 68: Mấy thu hạt ngọc Lam Ðiền chưa giâm), Hoàng quân giải nghiã là "gieo hạt hoặc cấy mầm cho cây mọc giống". Trong Hoa Tiên (HT) có chỗ dùng đúng như vậy: "Nhớ ngày nào liễu đã giâm" (vế 563). Chữ nôm viết bộ thủ+trâm, mà ô. HXH cho là khắc lầm, có thể là nôm thông dụng hồi thế kỉ XIX chứ không phải là lầm. Tự vị Taberd và Génibrel cũng viết như vậy. 

 + Về điển non Thần (BC 162), tôi có thấy một văn liệu giải thích rất giống như Hoàng quân: thơ Từ Thúc vịnh cảnh tiên, trong Mạn Lục, có câu: Thanh quang sái sái bức tam Thần (nghiã là "trong sáng lầu lầu hơn cả ba núi Thần"), nguyên chú của sách nói rằng "Tam Thần là núi thần giữa biển: Bồng lai, Phương trượng, Doanh châu". 

 + Cánh mây (BC 348), trong phần Tự vị, ông giải thích gốc c
hữ theo lối giả tá, cho rằng mây là dịch vân, vân này thông giả với vân (cỏ) trong chữ vân song. Giải như vậy có vẻ kì lạ, riêng tôi tin là có thể đúng: trong Hán văn chỉ có danh từ vân song (vân là cỏ vân, bộ thảo, chứ không có vân là mây); cánh mây trong BC và trong Kiều (v.283) mà Hoàng quân đã dẫn, phải hiểu theo "cấp hai" như vậy, nhất là nếu ta xét câu "Quyển vàng lần mở song mây" (Quân Trung Ðối). Có thể nói rằng đây là một lối chơi chữ lắt léo của thi sĩ nhóm Hồng sơn chăng ? 

 + Bén (423: Phím loan từ thuả bén dây), phần Tự vị giải là "quen thuộc, quen thích nhau". Giải như vậy giúp ta hiểu được mấy câu ca dao này: "Bao giờ cho hương bén hoa / Cho đào bén túi, cho ta bén mình" " Vì ai cá chẳng bén câu / Lược chẳng bén đầu, chỉ chẳng bén kim"(72). 

 + Chong (BC 559: Mắt nhìn chong cả con ngươi), ông nhận xét rằng "các bản đều lầm ra chung, ý là "cả đôi bên". Nhưng ý không thông. Chong trỏ ngọn đèn để cháy lâu; nghiã rộng trỏ con mắt mở lớn và lâu không chớp. Trong Nhị Thập Tứ Hiếu (v. 37) cũng có chứng như vậy: "Ba năm hầu hạ thường như một ngày / Mắt chong bóng, dám say giấc ngủ / Áo liền mình, dám xổ đai lưng"; ô. Dương Quảng Hàm giải "chong" là "thức suốt đêm" kể cũng khá đúng tuy chưa tinh tế như lời giải của Hoàng quân. Các bản NTTH khác không hiểu tiếng cổ, đổi làm "Mắt trông bóng..." 

 + Ba đỉnh mười châu (BC608): Hoàng quân có tinh tế lắm mới nhận ra rằng thoại chín châu của các bản làm lạc tứ văn của cả đoạn. Xin bổ chứng thoại HXH bằng văn liệu rút từ điều Du tiên chẩm trong Từ Hải (dẫn sách Khai Nguyên Thiên Bảo Di Sự): "nước Cưu Tư (Koutcha) tiến dâng một chiếc gối màu sắc như mã não, trơn nhẵn như ngọc, chế tác thật công phu. Gối lên mà ngủ thì mười châu ba đảo bốn biển năm hồ thảy đều hiện trong mộng. Nhân đó vua đặt tên là gối du tiên." Bốn điển công thức trong văn liệu này đều trỏ chốn tiên (: do đó mà gọi gối là gối chơi tiên), lại đều thấy dùng trong BC (Dọc ngang bốn bể năm hồ / Khắp trong ba đỉnh mười châu mặc dầu), vậy thì thoại HXH có khả năng ăn khớp với mạch văn hơn là thoại chín châu


 b) Bổ chính hiệu đính và vài chú giải từ ngữ.
 Nhân tôi có dịp tham khảo các bản nôm mà Hoàng quân đã dùng (một bản Thịnh Văn Ðường, hai bản Cẩm Văn Ðường), tôi thấy có một chỗ ông đã sơ suất, là chữ trăng ở vế 181 (Có khi ngắm bóng trăng tàn), không hiểu tại sao ông lại chép làm vậy, vì các bản nôm (và bản PT, TVG) đều chép là sao (nôm: lao+tinh). Sao hay trăng thật ra không quan trọng cho lắm, nhưng thoại sao có rành rành trong văn bản, tôi chưa thấy lẽ gì đổi đi như ông đã đổi. 

 Ngoài ra có vài từ ngữ mà tôi xin đề nghị một cách đọc và hiểu như sau: 

 + Trưng lừng (BC 72: nức nô cảnh Phật, trưng lừng hội xuân), ông cho rằng có thể đọc là chưng lừng (tôi cũng nghĩ vậy), nhưng không thấy ông giải nghiã, chỉ thấy ông liên hệ đến những văn liệu như thành ngữ "đèn sáng chưng", hoặc câu "Ngày nắng chưng chưng lưỡi chó lè" trong tập thơ Hồng Ðức, như nay còn nói "nắng chang chang". Theo tôi, ông liê ntưởng rất đúng, chỉ tiếc rằng sau đó ông không nói cách hiểu của ông ra sao. Tôi hiểu chưng lừng là "tưng bừng" và "vang lừng"; không cần tra tự vị nào, tacòn vài văn liệu bảo tồn nghiã như tôi xác định:" Thốt thôi cả mở tiệc mừng / Dặt dìu chén chuốc, chưng lừng khúc ca" (Quân Trung Ðối 989-990)(73); "Xiêm nghê chan chưá, lần mây rủ / Khúc phượng chưng lừng, tiếng đá vang" (thơ vịnh động Từ Thức của trịnh Sâm (1739-1782) trong Tâm Thanh Tồn Duy Tập)(74); "Ðông Tây sĩ nữ đều mừng, Huyền Hoàng dâng(?) phỉ, chừng lừng gần xa" (vế 392-393) trong thơ diễn ca của Nguyễn Bá Lân, dịch đoạn trong Kinh Thư, thiên Vũ Thành: "tuy quyết sĩ nữ, duy quyết sĩ nữ, phỉ quyết huyền hoàng, chiêu ngã Chu Vương, thiên hưu chấn động, dụng phụ ngã đại ấp Chu", nghiã là "vỗ yên nam nữ, nam nữ dâng giỏ đựng luạ màu xẫm và màu vàng, làm rạng đức vua Chu nhà ta, phúc trời chấn động, khiến trăm họ theo về đại ấp nhà Chu ta"(75).
 Trong chưng lừng, có hai tiếng gốc là: lừng có nghiã "cái gì nổi lên và đập mạnh vào giác quan ta" (trỏ mùi: thơm lừng, ngát lừng; trỏ tiếng: vang lừng, lừng lẫy; trỏ màu: đỏ lừng), và chưng cùng gốc với tưng trong tưng bừng. Xét rộng, hình như tiếng Việt có một chuỗi tiếng vần ưng (hoặc -ang, -ăng)đồng nghiã như: sáng chưng, tưng bừng, hừng, hửng, bừng, phừng, rựng, vang lừng...; tưng tưng là trời vưà rạng sáng. Tưng đối chuyển với chưng như tần vần với chần vần (cf. điều tần vần, trong Tự vị bản BC/HXH), như châu chấu với tâu tấu (trong phương ngôn tỉnh Thái Bình).
 Trong Phan Trần 894 có bản nôm khắc hai chữ bộ khẩu+tăngbộ khẩu+lăng (cf. bản Durand, I, trang 166) mà ta đọc là tưng lừng, đối chuyển trực tiếp với chưng lừng

 + Tăm rắp (BC 500: cánh hồng tăm rắp, hạt sương đầm đià), ông giải là "thẳng đều một mạch, không sai lệch". Lời giải đúng về nghiã, nhưng cần chua về âm rằng đó là tiếng cùng gốc với răm rắp. Thoại bộ thuỷ + tâm bộ thuỷ (hoặc bộ thủ)+lập của bản nôm có thể đọc tăm rắp, nhưng nếu đọc răm rắp cũng vẫn đúng âm nghiã: chữ nôm hay dùng hài thanh t- để ghi âm nôm r-, như: ráo (hài thanh táo): Kiều 701: thề hoa chưa ráo chén vàng; rảo (hài thanh tạo): Kiều 52: nàng thì vội trở buồng thêu / sinh thì rảo gót sân đào vội ra; rập rình (hài thanh tập tình): Kiều 2286: Om thòm trống trận rập rình nhạc quân; rúc rích (hài thanh tích): Trinh thử 251: khi vui rúc rích đầu hè; rốn (hài thanh tốn): Kiều 1486: Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông - Trinh thử 774: bây giờ cắn rốn lại còn được ru ?; rốt (hài thanh tốt): Kiều 13: Một trai con thứ rốt lòng; rút (hài thanh tốt): Kiều 593: Giường cao rút ngược dây oan, 1580: Rút dây sợ nhỡ động rừng lại thôi, 2721: Ðoạn trường sổ rút tên ra; rắn (hài thanh tán): trong kinh Phật Báo phụ mẫu ân trọng khắc đầu thế kỉ XVIII, 29 a/cột 8 (dịch chữ rắn). 

 + Nảy đơm (Bc 36: Thôi đồng nảy lá lại đào đơm hoa). nửa vế trên là trỏ muà thu (cf. lời bàn về tiếng nảy dưới đây), nửa vế dưới trỏ muà xuân là muà cây đào ra hoa, đơm hoa.
 Ðơm là thoại hiệu đính của Hoàng quân, thay cho thoại buông mà ông cho là khắc lầm vì tự dạng (chữ nôm đơm buông gần giống nét). Ý hẳn ông cho buông là lầm vì ông đã hiểu tiếng ấy theo nghiã thông thường là "thả ra, bỏ cho rơi xuống, rủ xuống". Theo nghiã ấy, buông hoa gần như "rụng hoa". Bởi vậy Hoàng quân mới cho là không hợp với tứ văn, và tìm cách hiệu đính.
 Thoạt tiên, tôi cũng tưởng rằng bản nôm khắc sai; nhưng nghĩ lại thì tôi cho rằng thoại buông là đúng: hiểu cho thật lọn nghiã thì tiếng ấy có nghiã là "trả lại tự do cho cái gì bị trói buộc cầm giữ chặt chẽ". Khi hoa chưa nở, cánh hoa còn khép kín, bó chặt thành nụ; đến muà nở, cánh hoa được tự do mà xoè rộng ra: buông hoa là nở hoa.
 Xưa ta học chữ nho theo lối "nghe nghiã" của Tam Thiên Tự, các cụ dạy ta chữ phóng buông (như khu: đuổi, khước: ruồng, phóng: buông, khiên: dắt...). Mà khẩu hiệu bách hoa tề phóng nay ta chẳng dịch ra trăm hoa đua nở là gì ! Ðã biết phóng buông, lại biết phóng nở, vậy biết rằng buông nở. Tìm thêm văn liệu, tôi thấy trong hát quan họ có chỗ dùng nghiã buông như ở đây, có điều là dùng theo "cấp hai", nghiã là theo lối ví von (métaphore), ví miệng người đẹp với nụ hoa nở: "Một tôi nhớ đến bạn chung tình. Hai tôi nhớ yểu điệu. Ba nhớ tiếng nói. Bốn nhớ người đồng tâm. Năm nhớ người buông nụ cười, nên tôi phải nhớ..." (76)

 Về chữ nảy, trỏ về lá cây ngô đồng, có hai vấn đề.
 Thứ nhất, ai cũng biết nảy có nghiã là "mới mọc ra"; nảy lại có một nghiã nưã là "rơi xuống, rụng", nay không còn thông dụng. Ô. HXH xác định được nghiã này bằng rút chứng từ tự vị De Rhodes, thơ Nguyễn Công Trứ, và từ kinh nghiệm bản thân (tập quán trong phương ngôn vùng Nghệ). Tôi còn thấy nảy dùng với nghiã ấy trong bài Văn tế Quang Trung thường gán cho công chuá Ngọc Hân:" Ôi gió lạnh buồng đào, rơi cầm nảy sắt. Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương"(77), trong diễn ca Tì Bà Hành của Phan Huy Thực: "Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu", diễn thật sát nguyên tác: Ðại châu tiểu châu lạc ngọc bàn", tả tiếng đàn như hạt trai lớn nhỏ rơi xuống mâm ngọc(78); trong Hoa Tiên 1508, theo bản nôm của Ðỗ Hạ Xuyên, có câu: "Thấy tên nảy xuống, nộp vào trình xem", các bản khác không hiểu tiếng cổ, tự đổi ra "Thấy quân bẩm được thư nào trình xem", hoặc "Thấy tên dưới trướng, nộp vào trình xem". 

 Vấn đề thứ hai là đặt nảy vào mạch văn ở đây thì trong hai nghiã tương phản của nó, nghiã nào thích hợp hơn. Theo tôi, một khi ta biết rằng ý nghiã tượng trưng của cây ngô đồng bao giờ cũng là trỏ muà thu, theo vật hậu học ta lại biết rằng thu là lúc ngô đồng rụng lá, vậy thì chỉ có một cách hiểu thôi: đồng nảy láđồng rụng lá. Hoàng quân cũng hiểu như vậy, không hiểu sao ông còn tỏ ra lưỡng lự rằng: "đồng mọc là ý nói muà xuân, đồng rụng lá thì ý nói muà thu. Tuy ý nào hình như cũng có lí..." Không, ý mọc ở đây hoàn toàn không có lí, vì trong cổ thi không bao giờ ngô đồng có dính dáng gì đến muà xuân; hễ nói đến ngô đồng là muốn nói đến thu, ngược lại hễ nói thu sang thì thấy nói đến ngô đồng: BC 317-318 (Êm trời vưà tiết sang thu / Ngàn sương chất bạc, lá ngô rụng vàng), Hán thi ("Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu", "Ngô đồng nhất diệp báo thu lai"). Trong thơ nôm, ta thấy BC 39 và 317-318 thoát từ hai câu đầu trong Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du: "Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh ngắt xương khô / Não người thay buổi chiều thu / Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng".
 Vậy tôi đề nghị chưã chữ xuân ra thu trong lời giải nghiã xuôi của đoạn này (trang 10): "hết thu này xuân khác". Ðem thu ghép với xuân để trỏ ý các muà đổi thay, lấy xuân thu để khái quát cả bốn muà, thật ra rất cân đối, rất hợp thủ pháp cử ngung. Giống như ở BC 643 (Lần thâu gió liễu trăng đồng), ô. HXH giải rất đúng ý là "tả gió xuân thổi rung lá liễu, và trăng thu dọi lá đồng", ý cả vế là "lần lần qua muà này sang muà khác". Ðúng lắm. Ý hai vế BC 35-36 cũng chỉ có vậy mà thôi. 

 Nảy ở đây là rơi rụng. Nhưng tại sao bản nôm lại viết bằng chữ nảy có bộ thảo đầu? Ðó là vì trong vế có những tiếng đồng, lá, đào buông hoa, đều trỏ về thực vật: người viết để khắc bản in có một thứ ám ảnh giăng trải trước mắt, không những đã thêm thảo đầu trên nảy lại thêm mộc bàng bên chữ thôi ở đầu vế. Dũ Việt, trong Cổ Thư Nghi Nghiã Cử Lệ (lệ 80) gọi loại sai ngoa này là thêm bộ vì ảnh hưởng của thượng hạ văn. Chữ Hán đã vậy, chữ nôm ta cũng vậy.
 Không những nảy ở BC 36 có nghiã là rụng, mà cả ở vế 260 ("Chờ sau mai nảy thơ đào chẳng lâu") nó cũng có nghiã ấy nưã, chứ không có nghiã mọc ra như Hoàng quân đã hiểu (cf. lời bàn trong các chú thích 36 và 260). 

 BC 260 dùng hai điển, đều lấy trong Kinh Thi, để ám chỉ việc hôn nhân đến kịp thì, đến nhằm lúc. Một điển lấy từ "thơ Ðào Yêu", Hoàng quân đã hiệu thích rất đúng (nguyên chữ thơ khắc lầm ra thì; trong Nhị Ðộ Mai, vế 2727-2728, có câu: "Trai tài gái sắc hai bên kịp thì / Thơ đào ngợi chữ vu quy ", có thể củng cố cho hiệu đính của Hoàng quân). Một điển, tức là mai nảy, lấy từ "thơ Phiếu Hữu Mai". Tác giả BC nôm dùng điển rất đắt: o83 đoạn này, Hà Sinh khuyên Tú Uyên đừng có sốt ruột, vì tuổi Uyên đang xuân, chẳng bao lâu sẽ gặp buổi hôn kì. "Tâm sự" người con gái trong thơ Phiếu Hữu Mai cũng vậy: cố ấy thấy mai chín và rụng dần (mười phần rụng ba còn bảy, càng rụng thì mười phần rụng bảy còn ba) thì cũng "sốt ruột" như Tú Uyên; cô e rằng nếu người bạn lành không đến đính hôn ngay thì sẽ lỡ mất giai kì. Gọi là giai kì vì mai rụng vào tháng trọng xuân (tháng tư) tức là muà cưới gả vợ chồng, theo phong tục ghi trong Chu Lễ (chương Ðiạ Quan, mục Môi thị).
 Nếu tôi gán sai điển Phiếu Mai cho hai chữ mai nảy thì nảy chỉ có thể là rụng mà thôi, vì phiếu (có ngưới đọc là xiếu) là rụng

 Tôi tự tin là không gán ghép điển một cách gượng gạo, vì trong truyện Kiều cũng có chỗ vận dụng hai điển Phiếu Mai và Ðào Yêu để diễn ý cưới gả kịp thì (và chỉ để diễn ý ấy thôi, chứ không phải là trỏ tuổi cô Kiều như các nhà chú giải đã hiểu lầm). Khi Thuý Vân nói (ở vế 3075-3076): "Quả mai ba bảy đương vưà / Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thì", là muốn nói rằng sau 15 năm luân lạc, Kiều đã được đoàn tụ với Kim Trọng, vậy nay chính là lúc Kiều nên kết hôn với chàng để nối lại lời nguyền xưa: hôn nhân đến rất nhằm lúc, rất kịp thì, chẳng nên do dự dùng dằng gì nưã. Các nhà nho chú giải không chịu hiểu giản dị như thế, ngộ nhận ý của điển, đã tưởng rằng đào non trỏ tuổi Kiều còn son trẻ, lại tưởng rằng quả mai ba bảy là trỏ tuổi quá lưá (=lỡ thì, "hơi già rồi"), nên người thì trách Nguyễn Du vụng dùng điển, người thì miả mai rằng  đào non đâu còn hợp với cái thân cô Kiều lúc ấy ! Có lẽ cũng vì Hoàng quân đã chịu ảnh hưởng của họ, nhất là ở chỗ họ thất giải điển Phiếu Mai trong Kiều, nên ông không dùng điển ấy để tìm hiểu chữ nảy trong BC 260 chăng ? 

 + Khuôn trời - khuôn duyên.
 Như ta đã thấy, với chữ thung trên đây, ô. HXH biết xử lí rất linh hoạt mềm dẻo chứ không lấy lí đời nay sưả cái nhầm lẫn của đời xưa; lại như đối với chữ rèm (BC 26:... trúc thưa rủ rèm), ông nhận xét rằng: "nay ta phân biệt rèm mành, và nói rủ mànhtrương rèm. Nhưng chính nghiã xưa hay lẫn hai ý ấy. Cho nên đây mới có dùng rủ rèm".
 Linh hoạt như ông, không hiểu sao mỗi khi gặp chữ khuôn (khuôn trời, khuôn duyên) trong BC, ông lại "truy kích" nó đến cùng, luôn luôn cho đó là thoại viết sai, cần phải hiệu đính. Ví như BC 53, các bản nôm in đều chép là: "...dầu mặc có trời", mà PT (và TVG) chép là:"... khuôn trời", thì ta còn có thể không theo thoại khuôn, tuy Hoàng quân cũng nhận rằng thoại ấy vưà đúng từ, vưà đúng tự dạng (chữ nôm có viết gần giống khuôn). Ðể bác thoại ấy, ông cho rằng "thật ra thành ngữ khuôn trời hình như không có điển". Lẽ này không đúng. Ðến như BC 624 (Con chim bay mãi cũng trong khuôn trời), các bản nôm đều chép chữ khuôn hẳn hoi, mà ông cũng hiệu đính ra khung trời, thì tôi phải phản đối: tôi sẽ nương theo giải thích linh hoạt của ông về rèm/mành, nhận định rằng cổ nhân không phân biệt như ta; để hình tượng hoá quan niệm của họ về thuyết định mệnh, họ dùng lẫn lộn nhiều chữ mà ta nay muốn phân biệt: khung, khuôn, vòng, vành. Riêng về Hoàng quân, có một sự lạ làmột danh từ phổ biến như khuôn khổ mà ông cũng viết là khung khổ (cf. bài Dẫn, trang XV, dòng 12, đếm từ dưới: "sống trong khung khổ nho..."). 

 Khuôn, khung, vòng, vành (dùng để tượng trưng Trời - theo quan niệm Trời tròn Ðất vuông - và bàn tay của trời an bài, và hạn định mọi sự, đặc biệt là tình duyên, theo quan niệm "giai ngẫu tự nhiên thành") đều gần như đồng nghiã, trỏ chung một vật tròn trĩnh có khuôn khổ nhất định.
 Khuôn trời (BC 624) vưà có điển trong Hán văn vưà có điển nôm. Trong Hán văn, nó là chữ hoàn (cái vòng tròn), chữ hoàn (bầu trời); hai chữ này âm gần, nghiã gần (cf. BC 614: nhân hoàn); người ta cũng ví trời tròn như một cái hồng quân (cái bàn xoay hình tròn, BC 594), còn gọi là thiên quân, diễn nôm ra khuôn trời là đúng lắm. Ðiển trong thơ nôm thì có HT 1-2: "Trăm năm một sợi chỉ hồng / Buộc người tài sắc vào trong khuôn trời"; ca dao: "Trăm năm xe sợi chỉ hồng / Bắt người tài sắc buộc trong khuôn trời / Bao giờ tài sắc có lời / Thì ta lại cởi khuôn trời cho ra"(79). 

 Tình duyên vốn do trời định, nên gọi là khuôn duyên là đúng lắm. Ngoài BC 248,359, ta còn thấy chữ ấy trong HT 759 (Khuôn duyên trộm nghĩ linh đời / Dẩy dun báu nước hương trời sánh nhau), 1511 (Máy duyên nghĩ đã vào khuôn / Toan nài chỉ thắm cho tròn tuổi xanh(80)), 1788 (Vẹn tròn bên nghiã bên tình / Khuôn duyên kia đã chiều mình là hay). Cũng trong ý này mà thi nhân dùng vành vòng, trỏ chung Trời, hoặc bầu trời-đất, và trỏ riêng chuyện tình mà không ai thoát khỏi (cf. BC 2, 207-208, 333-334, 430 - HT 1520, 1782 - Kiều 3172 - Mai Ðình 2). Vì cái quan niệm như vậy về trời đất mà có những khuôn thiêng, khuôn xanh

 Tóm lại, khuôn hay khung đều đúng cả. Bản nôm ở BC 248 và 359 đã chép khuôn duyên thì ta cứ phiên âm như vậy, chẳng cần chưã ra nhân duyên (vả chữ nhân có bộ nữ bàng, chứ không giống hẳn chữ nôm đọc là khuôn). Thoại khung  của Hoàng quân (BC 624) có thể là có điển trong chữ Hán. Nhưng tôi phải thú thật rằng tôi chưa hề thấy xuất hiện trong thơ văn nôm. 


 c) Bổ chính chú giải điển cố. 

 + BC 69: "Lững lờ chiếc lá duềnh Nhâm", ông giải nghiã xuôi rất đúng là"Tú Uyên không nghĩ gì đến chuyện nhân duyên; đối với con gái, chàng vốn thờ ơ...". Nhưng ông chưa tìm đúng điển nên tưởng rằng chữ lá là trỏ "chiếc thuyền lẻ loi trôi một cách vô định"; trong Tự vị, ông lại dặn  ta chớ lầm điển dùng ở đây với điển lá thắm. Các bản BC khác cũng lầm như ông, hoặc bỏ qua, không chú giải.
 Thật ra, lá ở đây là chiếc lá ngô đồng, gốc điển có từ đời nào thì tôi chưa biết, đây xin dẫn "thoại" kể trong Tình Sử của Phùng Mộng Long, theo bản dịch của Phan Mạnh Danh:

 " (Danh sĩ Hầu Kế Ðô) một hôm gió thu hiu hắt, tưạ câu lan trên lầu chuà Ðại từ, bỗng thấy một lá ngô đồng rơi xuống, Hầu công cầm lấy xem thì thấy một bài thơ viết trên cái lá ấy.
 Sáu bảy năm sau công lấy một người họ Nhâm làm vợ. Lúc nhàn hạ, công đem bài thơ ấy ngâm chơi. Nhâm thị lấy làm kinh sợ mà rằng: "Bài thơ ấy là của thiếp, sao lại ở trong tay chàng ?" Hầu công nói: "Trước ta đứng trên gác chuà Ðại từ thấy gió đưa đến. Thế mới biết vợ chồng là duyên số"(81).

 Xem vậy ta thấy rằng, trái với ý của ô. HXH, điển này khá giống điển lá thắm: cả hai đều kể một chuyện kì ngộ liên quan đến một chiếc lá đề thơ; chính vì vậy mà đã gây ra đồng hoá (contamination) trong óc thi nhân ta; nhân chiếc lá hữu tình ấy mà kéo thêm ý duềnh là ý vốn không có trong điển Nhâm Thị nhưng lại có trong điển Vu Hựu. 

 Cũng nhân sự dùng điển như thế, ta có thêm một chứng (như đã thấy ở chữ cánh mây) để nghĩ rằng BC nôm là do ngòi bút của người trong nhóm Hồng Sơn: ngoài BC 69, tôi mới chỉ thấy duềnh Nhâm xuất hiện trong HT 324 mà thôi:" Lá ngô man mác duềnh Nhâm dập dềnh" (82). Phải chăng tác giả BC nôm đã mượn thẳng điển ở HT?(83) 

 + BC 105:"Ðưa tình một lét sóng đào", ông giải rất đúng là trỏ "ánh mắt lấp loáng trong khi liếc". Nhưng đào là gì thì, trong hiệu chú và Tự vị, lời giải của ông tuy xảo biện nhưng chưa đúng.
 Ðào đây phải viết hoa, vì nguyên là tên họ một mĩ nữ có sóng mắt đẹp. Chương Nữ tử trong Ấu Học có câu tóm điển và tự chú giải như sau: "Hoàn nhạ Ðào Diệp nữ, hoành ba nhãn  tối hảo", nghiã là"lại lấy làm lạ về nàng Ðào Diệp, mắt liếc trông tuyệt đẹp"(84). Nguyên chú nói: "Thiếp của Vương Hiến Chi (con thứ của Hi Chi, em Huy Chi) tên là Ðào Diệp. Hiến Chi có tặng bài ca, có câu: "Lá đào, lại lá đào, qua đò chẳng cần chèo", ý nói "sóng mắt đưa nhanh"(85). Tra thêm các điều Ðào Diệp và Ðào Diệp Ca trong Từ Hải thì thấy quả đúng như chép trong Ấu Học: xưa có mĩ nữ họ Ðào thật. Cứ theo mấy chữ hoành ba nhãn tối hảo, ta hiểu rằng cô gái có cái sóng mắt đẹp; do đó mà thi nhân gọi cái liếc mắt của bất cứ mĩ nhân nào là sóng Ðào

 + Ðiển nhắn cá (BC 253), phần Tự vị (trang 152) giải rằng đó là lấy "từ điển Cát Nguyên nhờ cá đem thư đến thần Hà Bá". Ðúng lắm, tuy có chút lầm về tên người: người ấy họ Cát tên Huyền - một đạo sĩ nước Ngô, đời Tam quốc, nổi tiếng đắc đạo trường sinh. Các sách in trước đời Thanh, khi kể chuyện Cát Huyền, trong đó có tích nhắn cá đưa thư đều viết chữ Huyền, tỉ như truyện trong Thần Tiên Truyện của Cát Hồng và Nhữ Nam Tiên Hiền Truyện của Chu Phỉ.
 Ðời Thanh, vua Thánh Tổ (Khang Hi 1662-1722) có tên huý là Huyền Việp, khiến các sách quan bản có lệ kiêng, khắc chữ Huyền thiếu một nét, hoặc đổi ra chữ Nguyên (âm gần, nghiã gần)(86). Ý hẳn ô. HXH đã tra điển Cát Huyền trong sách in đời Thanh, chẳng hạn trong sách Vận Phủ (sơ ấn: 1711) nên mới lầm theo thoại huý của họ. 

 + Tăng Nhụ (cf. trang 107, chú 36): đó là Ngưu Tăng Nhụ, người đời Ðường, có gặp tiên, sau tự mình kể chuyện kì ngộ ấy trong bài "Chu tần hành kỉ" nay còn nguyên vẹn (87). Ðọc toàn văn, không thấy Ngưu có "lộ chuyện" gì cả như Hoàng quân đã phỏng đoán: Ngưu chỉ làm thơ xướng hoạ với các tiên. Trong sách Mạn Lục cũng có nhắc đến sự tích này hai lần: đặc biệt là trong truyện "Tây Viên kì ngộ": "Từ đấy hai nàng sớm lại tối đi, ngày nào cũng vậy. Hà Sinh tự cho mình bình sinh được kì ngộ chưa dễ có ai  hơn, có thể sánh ngang Bùi Hàng và hơn hẳn Ngưu Tăng Nhụ". 

 + Chuyện chàng Thẩm (tr.111, chú 50). Xét điển đài Tần tức là Phượng Ðài , do Tần Mục Công sai làm để cho con gái mình là Lộng Ngọc ở chung với Tiêu Sử cũng ở đó mà một hôm hai người này cỡi phượng bay lên cõi tiên, thì biết chắc rằng Thẩm đây là Thẩm Á Chi. Tương truyền Á Chi có lần nằm mộng, mơ thấy được Mục Công đem LộngNgọc -khi ấy đã goá chồng- gả cho mình.
 Kì ngộ này chỉ là duyên trong mộng, cho nên thơ trong TK mới nói rằng một đêm hợp hoan của Tú Uyên là "vui hơn chàng Thẩm khi chơi đài Tần" (nguyên văn:"Tần đài lậu Thẩm nhi").
 Chuyện Thẩm Á Chi cưới Lộng Ngọc nay còn thấy chép trọn vẹn trong Thái Bình Quảng Kí, quyển 282(88). Ở nước ta, truyện "Kim thoa thi thoại" trong tập Mạn Lục có chép câu thơ: "Như hà hậu nhật Tần đài mộng / Bất kiến Tiêu lang  kiến Thẩm lang", và có nguyên chú nhắc vắn tắt sự tích ấy (cf. bản dịch của trúc Khê, trang 250). 


 d) Thương xác về cách hiểu ngữ khí, từ pháp và văn pháp

 +BC 63 mà bản HXH viết: "Giắt ngang lưng, túi phong tao" (để ý chỗ đặt dấu phẩy ngắt hơi ở giữa vế), và giải như sau: "các bản đều khắc giắt nghiêng; tuy ý "nghiêng" có thể trỏ rằng túi phong tao nặng, nhưng nó không ăn với tiếng "giắt", "giắt" nghiã là chêm vào giữa hai vật. Cái túi buộc vào dây thắt lưng, tức là giắt ngang lưng."
 Ở BC 276, ta cũng thấy ông chua tỉ mỉ nghiã giắt là "nhét vật mỏng hay mềm vào chỗ rất hẹp". Giải như vậy thật là tinh tế, nhưng chỉ hợp với loại văn thực tả, thiầt thực như trong câu ca dao:" Ngang lưng thì giắt bao vàng / Ðầu đội nón dấu, vai mang súng dài..." Còn ở đây thì văn hư tả, ví von rất giống Kiều 137: "Ðề huề lứng túi gió trăng"; lưng túi phong tao là nửa túi phong tao, lưng túi gió trăng là nửa túi gió trăng (lấy từ chữ Hán bán nang phong nguyệt). 

 Lưng là nửa, như trong "Thơ một túi, gieo vần Ðỗ, Lí / Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh" (thơ Nguyễn Công Trứ, theo bản Lê Thước(89), tr.100), "Ðược thua hơn kém: lưng bầu rượu" (thơ Nguyễn Khuyến), "Thơ lưng lưng túi, rượu vơi vơi bầu" (BC 76). 

 Giắt chỉ nên hiểu giản dị là "mang theo, đem theo", giống như đề huề trong Kiều 137. Chữ nghiêng của các bản nôm BC thật đúng ngữ khí: thật ra cả vế có cái khí nhất quán, không nên ngắt hơi chỗ nào cả, nhất là không thể ngắt ở sau chữ lưng. Nghiêng chứ không phải ngang: ở đây tả người tài hoa có cái phong lưu phóng túng, lúc nào cũng ngất ngưởng lưng chừng. Tỉ như trong BC 454 "Dốc chung Lí Bạch, nghiêng bầu Lưu Linh", hoặc như "Lắc đầy phong nguyệt lưng bầu rượu / Giắt lỏng giang hồ nửa túi thơ" (thơ mới phát hiện(90) của Hồ Xuân Hương), "Mở túi giang sơn cờ một cuộc / Nghiêng bầu phong nguyệt, rượu ba chung" (thơ Nguyễn Công Trứ, idem, trang 208), "Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi / Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu" (idem, trang 133). 

 Chính ô.HXH cũng không lạ gì lối nói "lưng chừng" như vậy của cổ nhân. Ta còn nhớ lời giải trong Tự vị (trang 150 và 155) về cách dùng tiếng nửa (nửa song, nửa mái, riêng nửa). Không hiểu  sao đối với nghiêng lưng ông lại thất giải như vậy ? 

 + Giật tỉnh hay chợt tỉnh? (cf. BC 289: Vội mừng giật tỉnh hồn hoa). Hoàng quân chọn đọc giật tỉnh, cho rằng "tứ đây là giật mình tỉnh giấc". Ông cũng dẫn Kiều: Giật mình thoắt tỉnh giấc mai". 

 Xét về từ pháp, thoại giật tỉnh là bất loại; tiếng đứng sau động từ giật phải là một danh từ, đúng như trong vế Kiều mà ông dẫn (giật mình); còn tỉnh thì không bổ túc được cho giật vì chính tỉnh cũng là một động từ. Ðứng trước được động từ tỉnh chỉ có một tiếng thuộc loại phó từ mà thôi, như thoắt tỉnh (trong vế Kiều đã dẫn). Bởi vậy tôi đề nghị đọc chợt tỉnh, từ pháp giống như vế Kiều 224: "Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ nào".
 Nhưng phải chăng Hoàng quân cũng cho rằng vế Kiều này phải đọc " Nhà huyên giật tỉnh..." ! 

 + BC 117: Giọng Kiều nghe rót vào tai. Tuy ông nhận rằng đọc lọt hay suốt cũng có nghiã, nhưng ông chọn rót như trong tục ngữ "lời ngọt như rót vào tai", cho rằng "hợp tứ hơn".
 Thật ra, rót viết nôm với hài thanh tốt có chấm thuỷ, chứ không biết có ai dùng hài thanh luật không ? Vả, ông không phân tích thiệt hơn giữa ba thoại lọt, suốt, rót, khiến ta chưa hiểu tại sao rót lại hợp tứ hơn. Sự ông dẫn câu tục ngữ nói trên tỏ rằng ông hiểu vế BC 117 như có ẩn một ám tỉ, nghiã là có một tiếng như ngầm giữa hai tiếng nghe rót.
 Tôi đề nghị đọc lọt, vì theo tôi BC 117 là văn trực tả chứ không ví von gián tiếp, giống như Quân Trung Ðối 159:"Thoạt nghe nàng đã lọt tình": lọt tình là hiểu thấu hết cả sự tình. Vậy "giọng Kiều nghe lọt vào tai" là đã nghe thấu hết tất cả các lời nói của cô gái". 


 d) Một vài phân vân.

 + Xống Tương (BC 96). Ðiểm phân vân của tôi không là ở xống mà tôi công nhận là ông hiệu đính rất đúng. Phân vân là chữ Tương mà ông cho là tương mịch bàng (nghiã là "luạ màu vàng"), mịch viết nhanh thì rất giống chấm thuỷ, do đó mà bị nhận lầm với chữ Tương là tên một con sông; lầm này kéo thêm lầm xống ra sóng.
 Về chữ xống tôi thì không cãi. Nhưng Tương đây là Tương nào? luạ màu vàng hay tên sông? Trong bài văn tả mĩ nhân Ðào Hàn Than (truyện "Ðào Thị nghiệp oan" trong Mạn Lục, bản in năm 1737, 11/22a) có câu: "Quần phao Tương thuỷ / tằng tằng", phần nôm trong sách dịch là: "Bỏ quần trong (:trong trẻo) như nước sông Tương đòi lần", nguyên chú nói:  "Tương thuỷ là nước sông Tương, trong trẻo từ trên tới đáy", lại dẫn hai câu trong bài "Sở Vu sơn mĩ nhân thi": " Quần phao lục bức Tiêu Tương thuỷ / Mấn ủng Vu sơn nhất đoạn vân" ("Quần ném sáu chiếc, trong như nước Tiêu Tương. Tóc mai vén chặt, quăn như mây non Vu"). 

 + BC 666:"Ba nghìn chín vạn cõi ngoài trường sinh".
 Phải chăng đó là vì niêm luật bằng trắc nên có đảo vị ? Ðảo từ ba vạn chín nghìn, một con số xuýt xoát với ba vạn sáu nghìn, nghiã là trăm năm, trăm năm là đời người trong cõi trần tục. Ở vế này, trỏ riêng đời Tú Uyên, từ khi đắc đạo thì thân thế chàng "tiêu dao trong tháng ngày trời", sống ở cõi trường sinh mà người trần gọi là cõi ngoài.


TRƯỚC KHI NGỪNG BÚT

 Tôi còn định viết thêm một mục nưã, lược kê gần ba chục lỗi in chưa thấy cải chính trong tờ giấy in kèm theo bản BC/HXH. Nhưng bài này dài quá rồi, vưà khô khan, nếu tăng thêm phần đuôi vô vị ấy thì độc giả chắc phải nhức đầu lắm. BC là một truyện thơ êm dịu, vậy mà bài điểm sách này chẳng mát mẻ được tí nào. Lí do là từ sau khi nàng tiên BC nhập thế, trải qua hơn một thế kỉ, bộ mặt nên thơ của cô đã bị nhiều bàn tay bất thông mó vào làm sứt mẻ cả; muốn khôi phục cái tươi dịu nguyên sơ thì phải có (và may thay, đã có) bàn tay cao diệu của Hoàng quân. Công việc khử ngoa bổ khuyết của ông không đơn giản; chính văn giới hình như cũng chưa hiểu nó cho lắm. Bởi vậy mà kẻ điểm sách phải chật vật, vưà giới thiệu, vưà biện luận, vưà bổ chính, quanh co lằng nhằng. Nhưng có vậy mới bõ cái công của người hiệu đính.
 Từ nay chúng ta đã có đủ dễ dàng để tìm đến "người ngọc trong sách". Nói riêng về Hoàng quân thì cuốn BC này cũng lộ cho ta thấy vài nét  tâm tình và nghệ thuật của ông. Trước hết là bài Tưạ duyên dáng, rồi đến phần bình giá văn chương, phần dịch nguyên tác TK, nhất là dịch các bài thơ và từ khúc: bên cạnh cái chín chắn nghiêm nghị của con người khoa học, ta thấy hiện ra một nhà thơ có tài, một nghệ sĩ tế nhị. Ông thật là xứng đáng với cái nên thơ của đề tài. (91)

      TẠ TRỌNG HIỆP

Chú thich
1.  Huế 1964, nhà x.b. Ðại Học, XXXII + 179 trang. Sau đây tôi sẽ gọi tắt Bích Câu Kì Ngộ là BC, gọi riêng bản của ô. Hãn là bản HXH. 

2. Xu hướng chung của các tác giả ngoài Bắc là tưởng bình luận về văn chương mà chỉ là giản lược văn chương vào luân lí, giản lược luân lí vào chính trị. Văn chương chỉ còn công dụng như một khí giới đấu tranh chính trị mà thôi. 

3. Nhất là thứ chính trị bất nhân như ai cũng rõ. 

4. Hai ông có sưu tầm và công bố một số thơ văn nôm, đăng trong nhiều bài ở Bách Khoa, Văn Hoá Nguyệt San... 

5. Chưa in riêng thành sách, chỉ mới đăng trong nguyệt san Luận Ðàm từ số 4 bộ I (th. 3.1961) đến số 2 bộ II (th.2.1962). Các số sau đó có phụ vài tiểu sử nhân vật trong truyện. 

6. Sài Gòn 1962, nhà x.b. Bốn Phương, 190 trang. 

7. Sài Gòn 1964, nhà x.b. Tân Việt, 168 trang. 

8. Sài Gòn 1958, nhà x.b. Hướng Dương, 258 trang. (Tác giả ghi nhầm. Thật ra, Giai Nhân Kì Ngộ là di cảo của Phan Châu Trinh - LTS).

9. chữ của Hoàng quân. Không phải cao hứng mà biạ ra cho văn vẻ. 

10. nếu tôi không lầm, đây là tác giả cuốn Le Culte des Mortels en Annam (Hanoi 1944) trong đó có đề cập đến chuyện Tú Uyên, lại có miêu tả đền Bích Câu. 

11. TK là chữ ông dùng để gọi tắt thoại nguyên tác BC in trong sách Truyền Kì Tân Phổ. Tôi cũng sẽ dùng như vậy, cho tiện. 

12. nhà x.b. Phổ thông, Hanoi. Do tên nhà xb, nên ông gọi tắt đó là bản PT. 

13. kể cho đủ thì giữa hai cuốn CPNBK và BC, ông có "hiện diện" trong văn lâmbằng một vài ấn phẩm như: tái bản hai cuốn Ðại Nam Quốc Sử Diễn CaMai Ðình Mộng Kí (đều do nhà Trường Thi in lại năm 1956), một bài trong nguyệt san Ðại Học số 10 (Huế, tháng 7/1959), một bài trong Bách Khoa số 121 (15/11/1962). 

14. cf. Lược Khảo Văn Học, Saigon, 1963, nhà xb. Nam sơn, tr.33. 

15. Hanoi, 1958, nhà x.b Văn hoá, 203 trang + 8 trang ảnh. (Sau đây sẽ gọi tắt là bản TVG). 

16. cf. bài Dẫn cuốn Trinh thử của TVG, Hanoi 1959, nhà x.b Văn hoá, tr. 10-12. 

17. cf. bản BC/TVG, trang 24. 

18. cf. HXH, La Sơn Phu Tử, trang 198, 305. 

19. c.f. bản phiên âm thơ Hồng Ðức của Bùi Văn Nguyên và Phạm Trọng Ðiềm, Hanoi, 1962, nhà x.b Văn hoá, trang 111-112. 

20. bản dịch của cụ Tô Nam, Saigon 1962, tập III, trang 109-110. Ðây là phần bổ di, không phải là nguyên văn của Vũ Phương Ðề. 

21. bản phiên âm đã dẫn, trang 145. 

22. cf. bản Xuân Lan in lại trong cuốn Hồ Xuân Hương thi tập của Thuần Phong (Saigon 1958, nhà x.b. Ðoàn Văn), tr. 26. 

23. về nguyên tác Trung hoa, cf. Tôn Khải Ðệ, Trung Quốc Thông Tục Tiểu Thuyết Thư Mục tái bản Bắc Kinh 19157, trang 150. 

24. cf. biện luận của Bùi Văn Nguyên , nguyệt san Nghiên Cứu Văn Học (tháng 12/1962), trang 92. 

25. cf. Tạp chí Văn học, tháng 4/1963, trang 63. 

26. Ngoài Hoàng Việt Dư Ðiạ Chí, sách Tây Hồ Chí cũng có nhắc đến sự tích Tú Uyên: cf. bản dịch Saigon 1962 của ô. Trần Thanh Ðạm, trang 51-52, và 81. Nhưng sách viết cuối đời Tự Ðức, không đáng kể. 

27. Về Trần Bá Lãm, cf. cuốn LSPT của HXH, trang 185-187. Dưới đây trích dịch theo bản chép tay trong tủ sách của giáo sư Demiéville. 

28. nguyên văn: mệnh bồi ngự  liễn. Do đó mà có chuyện Bồi liễn tiên nương, cf. Nguyễn Văn Huyên, sách đã dẫn ở cước chúù số 9, trang 31-32, và phụ bản IV, bản hoạ này có in lại trong Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam, I, Saigon 1960, nhà x.b. Tân Việt, trang 315. 

29. cưả Nam ngày nay. 

30. trong Lịch Sử Thủ Ðô Hà Nội, 1960, Viện Sử Học, trang 357. 

31. cf. bản dịch đã dẫn ở cước chú 21, III, trang 114-115. 

32. cuối truyện Nguyễn Thực. Cf. bản dịch của ô. Ðạm Nguyên, Saigon, 1962, tr. 147. 

33. Truyện cổ dân gian Việt Nam,Hanoi 1963, nhà x.b. Văn Hoá, tập I, trang 47, tập II, trang 51. 

34. Idem, I, 69. 

35. Id. 81-82. 

36. cf. Nghiên cứu Văn học (1/1960), 95. 

37. F. Serruys, Folklore Ordos trong tập san Han hiue (Hán học), III, 1-2 (1948), trang 155, 158-159. 

38. Idem, 156. Ngoài ra, Serruys còn dẫn tác giả người Ðức Wolfrang Eberhard là người có sưu tầm nhiều thoại trong cổ tích Trung Hoa. Tôi nhớ có đọc một cổ tích Mán (cf. BEFEO, II (1902), trang 276, nhan là "chuyện con cầy biết nói" (Histoire de la civette qui parlait), cũng có tình tiết như ở đây;nhưng vì đọc đã lâu, tôi không còn nhớ rõ linh vật là vật gì. 

39. cf. bản dịch Lie Sie Tchouan (Liệt Tiên Truyện) của M. Kaltenmark, Pékin 1933, trang 181-183. 

40. cf. HXH, LSPT, 93-95. 

41. Năm 1922, giáo sư P. Demiéville có đến làng ấy chứng kiến lễ rước thần. Ông đã cho tôi xem các ghi chép của ông, cùng tập thần tích mà ông thuê một thầy buà chép lại. 

42. bản dịch Trúc Khê của nhà Tân Việt, trang 41, 60-61. 

43. phiên âm theo bản nôm trữ ở trường Langues Orientales Paris: Dẫu khi hoa chúc động phòng/ Mặc chàng rung đoá nhuỵ hồng bẻ vin (v. 281-282); Nguồn cơn dẫy rỡ tưng bừng/ Chiều càng gió trúc, trận từng mưa mai/Nương vàng tưạ ngọc canh dài/ Ðã côn cù lượng lại nài triêu vân (v. 285-288); Ngư đẩy thuyền, Lữ trở câu / Thôi kề bãi Sở lại chầu sông Phân / Trận cười ngàn nén khôn cân / Tiên phàm cũng vậy lòng xuân khác nào / Dường nắng hạn gặp mưa rào / Triều dâng nước rẫy, sóng vào buồm lay (v.  293-298) 

44. cf. bản Nguyễn Lương Ngọc và Ðinh Gia Khánh, Hanoi 1958, nhà x.b. Văn hoá, vế 5699-5702, 5707-5719. 

45. cf. bản Vũ Ngọc Phan, Hanoi 1961, nhà x.b. Văn hoá, vế 1371-1376. 

46. cf. Trung quốc văn học nghiên cứu của Trịnh Chấn Ðạc, tái bản Hương Cảng 1957, tr. 321-327; Topics in Chinese Literature của Hightower, tái bản Cambridge (Mass.)1962 của viện Havard, tr. 77-79; và các bài của H. Franke, trong Zeitschrit der Deutsche schen Morgenlandischen Gesellschaft 108/2 (1948) 338-382; 109/2 (1959), tr. 340-401; 110/2 (1961), 401-421; và các tập Tiễn Ðăng

47. Bách Khoa 83 (15-6-1960), tr. 45. 

48. Ánh Sáng đặc biệt, 1 (9.11.1964), tr. 3 

49. cf. cải chính của một độc giả, idem 2 (16.11.1964), tr. 4, cột 8. Ngay cái câu cải chính ấy cũng bị in sai, hình như sót một chữ. 

50. cf. L'Histoire et ses Méthodes. Paris 19161, Encyclopédie de la Pléiade NRF, trang 1249. 

51. Rimbaud của R. Étiemble và Y. Gauclère. Paris 1950, NRF, tr. 13, 44; và bản hiệu chú thơ văn Rimbaud của Suzanne Bernard. Paris 1960, Classique Garnier, trang 198, 453-454. 

52. Ngư Tiều Vấn Ðáp câu 1795-1796. Cf. bản Tân Việt, trang 403. 

53. Thơ Tam Nguyên Ðổ của Hoàng Ý Viên. Saigon 1957, 110-111. 

54. Những chữ Hán trong các câu này có nét viết khá gần nhau  nên dễ đọc lầm nếu không cẩn thận.- LTS. 

55. Hồ Hữu Tường, "Lời truy cáo" Ánh Sáng đặc biệt 1 (9.11. 1964), tr. 3, cột 1. 

56. Chuyện còn thấy chép trong Phong Tục Thông Nghiã và Khổng Tử Gia Ngữ, đây trích theo thiên Sát truyền trong Lữ Thị Xuân Thu

57. Cứ thật thà mà dịch thì câu đó là "quân đội Tấn ba con heo lội qua sông" 

58. Nên nhớ rằng chữ Hán thời ấy là cổ văn đại triện, không phải là khải thư như nay. Trong cổ văn, kỉ viết chỉ khuyết nét một chút là dễ giống chữ tam; hợi viết dễ lầm với thỉ. Hưá Duy Quất, Lữ Thị Xuân Thu Tập Thích, quyển XXII, 16b-17a (tái bản, Thượng  Hải 1955, 11, trang 1060-1061), và Vương Thúc Mân, Giảo Thù Học (chuyên san 37 của viện Lịch sử ngữ ngôn. Ðài Loan 1959), chương 2,3b-4a.

59. cf. Vương Thúc Mân, idem. 

60. Idem. 

61. thơ Duy thiên chi mệnh, thập Thanh miếu trong Chu tụng

62. truyện Hoàng Hương trong cuốn Lý Văn Phức toàn tập của nhà Nam Sơn, trang 71, chú 99. 

63. Sách đã dẫn ở cước chú 53 trong bài này. 

64. Khảo Cứu về Tiếng Việt Nam của Trà Ngân, Hanoi 1943, nhà x.b. Cộng lực, trang 175-176. 

65. xem lời trần tình của hai nhà giáo: Bàng Bá Lân (Luận Ðàm I-2, th.1-1961, trang 78-82) và Bằng Phong (idem, I-6, th. 5-1961, trang 92-95). 

66. Tây Âu: cf. R. Marichal, trong L'Histoire et ses Méthodes (đã dẫn ở trên); Léon E. Halkin, Introduction à la Critique Historique (1963), chương V: "Histoire et Philologie".
Trung Hoa: chữ nôm của ta cùng hệ thống với chữ  của họ, ta rất cần học kinh nghiệm của họ, tỉ như trong các phương pháp luận của họ: Cố Viêm Vũ (1613-1682), "Thư đáp Lí Tử Ðức" ở đầu sách Âm Luận; Ðoàn Ngọc Tài (1735-1815)," Thư bàn với đồng chí về cái khó của nghề hiệu đính" trong Kinh Vận Lâu Tập; Vương Niệm Tôn (1744-1830), bài hậu tự phần hiệu đính Hoài Nam Tử trong sách Ðộc Thư Tạp Chí; Dũ Việt (1821-1906), Cổ Thư Nghi Nghiã Cử Lệ, quyển III - VII; Lương Khải Siêu, Trung Quốc Cận Tam Bách Niên Học Thuật Sử, chương XIV, mục "hiệu chú cổ tịch"; Hồ Thích, " Phép trị học của học giả đời Thanh", trong Hồ Thích Văn Tồn II; Trần Viên, Hiệu Khám Học Thích Lệ (1931) và Thông Giám Hồ Chú Biểu Vị (1945), chương III.; Tưởng Bá Tiềm, Hiệu Thù Mục Lục Học Toản Yếu (1947), hạ biên, II, III; Trương Thuấn Huy, Trung Quốc Cổ Ðại Sử Tịch Hiệu Ðộc Pháp (1958); và Quảng Hiệu Thù Lược (1963). Nhưng đầy đủ hơn cả là cuốn của Vương Thúc Mân  dẫn ở cước chú 58 trên kia. 

67. Cf. "Lời Nói Ðầu" ở sách Thi Văn Việt Nam

68. Cf. HXH, idem. 

69. Trần Viên, Trần Viên, Hiệu Khám Học Thích Lệ (1931), trang 148. 

70. Trần Viên, idem, trang 149. 

71. Nhà Tân Việt xuất bản. Ông Ðinh Gia Thuyết nói là có dưạ vào bản nôm in (bản Cẩm Văn Ðường chăng ?), nhưng phiên âm của ông bất thông một cách không thể tượng được. Như quạnh hiu lầm ra quỳnh dao (vế 15), trên gò lầm ra liền khu (v. 25), thừa lưa lầm ra thừa hư (v.27), khoi lầm ra nguôi (v.54), đói no lầm ra lôi thôi (v.53), giũ (rũ) lầm ra dẫu (v.58)... 

72. Nguyễn Văn Ngọc, Tục Ngữ Phong Dao II, Bốn Phương tái bản, tr.30 và 160. 

73. cf. chú giải của Nghiêm Toản trong Luận Ðàm tháng 1-1962, tr. 60, chú 373: "chưng lừng" là tưng bừng và rực rỡ. Ta thường nói: sáng chưng, đỏ lừng. 

74. tôi chưa được đọc bản nôm; đây dẫn theo Phạm Văn Diêu, VHVN, I, tr. 746. 

75. bản dịch Thượng Thư của Nhượng Tống, Tân Việt, Saigon 1963, 107-108. 

76. (cf. Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh của nhà Văn Hoá, Hà nội 1962, tr. 189, bài "Mười nhớ"). 

77. Thi Văn Bình Chú của Ngô Tất Tố, I, tr. 133. 

78. bản Tì Bà của ô. Thê Húc (Saigon 1952) giải nảy là vọt lên, tuy không thật sai, nhưng cũng không đúng hẳn nghiã của nảy (và của lạc trong nguyên tác). 

79. Tục ngữ Phong Dao, II, 211-212. 

80. nếu chưã khuôn ra khung thì lạc vần 

81. Cổ Thi Trích Dịch, Hanoi 1953, Thanh Hoa thư xã, trang 139. 

82. các bản chú thích HT đều không hiểu đúng điển, giải sai hoặc bỏ hẳn không chua gì cả. Chỉ có bản Dương Quảng Hàm (đăng dở trong Giáo Dục Tân San năm 1946) là giải chính xác. Bản Lại Ngọc Cang gần đây giải đúng hình như chính là nhờ có tham khảo bản DQH. 

83. Có thể mượn từ nguyên tác của Nguyễn Huy Tự, chứ không cần xuyên qua HT nhuận chính của Nguyễn Thiện. Câu này có y nguyên trong thoại nguyên tác (vế 326), phụ lục ở bản Lại Ngọc Cang, trang 273.
(Phụ chú: Xét ra, ý kiến của tôi không đúng hẳn. trong Cung Oán, vế 319, đã có: "Duềnh Nhâm một dải nông nông" mà các nhà chú thích đều thất giải điển cố.) 

84. Tôi dịch hoành ba nhãn là "mắt liếc" là theo lời giải ở điều hoành ba trong Từ Hải: "trỏ mắt nhìn chệch như sóng nước đưa ngược" (ngôn mục tà thị, do thuỷ ba chi hoành lưu). 

85. nàng họ Ðào tên Diệp, tôi giữ lối chơi chữ của họ Vương, nên dịch. 

86. Trần Viên, Sử Huý Cử Lệ. Bắc Kinh 1938, trang 169. 

87. có bản in trong Tùng Thư Tập Thành,tập 2733. 

88. tái bản năm 1961 của Trung Hoa thư cục, tập 6, trang 2248-2250. 

89. Hanoi 1958, nhà x.b. Văn Hóa. 

90. trong tập Lưu Hương Kí. cf. Trần Thanh Mại, Tạp chí Văn Học (11-1964), trang 75. 

91. đăng trên tạp chí Bách Khoa 205 (15.7.1965), tr. 20-26; số 206 (1.8.1965), tr. 13-22; số 207 (15.8.1965),    tr. 19-30; số 208 (1.9.1965), tr. 21-32.